Dự buổi lễ có Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng GD&ĐT Hoàng Kim Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương Lê Văn Hiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng…toàn thể cán bộ, giảng viên, nhân viên Trường ĐH Hải Dương, Trường CĐ Hải Dương các thời kỳ.
Quyết định số 448/QĐ-TTg về việc sáp nhập Trường Cao đẳng Hải Dương vào Trường Đại học Hải Dương được Thủ tướng ban hành ngày 27/4/2023.
|
Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã trao Quyết định của Thủ trướng Chính phủ và tặng hoa chúc mừng Trường Đại học Hải Dương |
Nhiều cơ hội mở ra cho Trường Đại học Hải Dương
Bày tỏ sự vui mừng khi được trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định việc sáp nhập Trường Cao đẳng Hải Dương vào Trường Đại học Hải Dương không chỉ có ý nghĩa to lớn đối với hai Nhà trường mà còn thể hiện tầm nhìn chiến lược đối với sự phát triển của giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng của tỉnh Hải Dương.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn ghi nhận trong nhiều năm, Hải Dương luôn là tốp đầu của cả nước về phát triển giáo dục phổ thông. Đồng thời tin tưởng việc sáp nhập sẽ mở ra một chặng đường mới, một thời cơ mới hết sức to lớn để Trường Đại học Hải Dương phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, phấn đấu để tỉnh Hải Dương sẽ trở thành trung tâm giáo dục đại học của khu vực đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Theo Bộ trưởng GD&ĐT, hiện nay, giáo dục, đào tạo đất nước đang trên lộ trình thực hiện đổi mới căn bản toàn diện để không ngừng nâng cao chất lượng, cung cấp nguồn nhân lực cho sự nghiệp phát triển của đất nước. Trong chặng đường đó, ngành Giáo dục làm rất nhiều việc. Trong đó, tiến hành sắp xếp, rà soát mạng lưới các trường ĐH, CĐ là một trong những việc được xem là giải pháp mang tính vĩ mô, lâu dài để phát triển hệ thống.
|
Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn |
Theo Bộ trưởng, với hơn 2 triệu dân, Hải Dương có tốc độ phát triển kinh tế năng động hàng đầu của khu vực Đồng bằng Bắc Bộ; có vị trí địa lý thuận lợi; đặc biệt là truyền thống giáo dục lâu đời với những làng tiến sĩ, trung tâm giáo dục từ rất xa xưa, nơi có những danh nhân như nhà giáo Chu Văn An, danh nhân Nguyễn Trãi…Cơ hội của nhà trường còn ở khía cạnh nhu cầu nhân lực rất lớn của địa phương; truyền thống qua nhiều chặng đường phát triển của trường với cơ cấu đa ngành; sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo địa phương với giáo dục…
Thời gian tới, Trường Đại học Hải Dương cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa trong đào tạo khối ngành sư phạm để đáp ứng nhu cầu của giáo dục phổ thông, giáo dục địa phương. Các khối ngành đào tạo khác, nhà trường rà soát lại cơ cấu để có thể mở thêm ngành nghề địa phương có nhu cầu, hoàn thiện cơ cấu đa ngành trong bối cảnh, tình hình mới. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số; bảo đảm là một nơi của tri thức, trí tuệ, gắn giữa nghiên cứu và đào tạo, đổi mới sáng tạo, đúng nghĩa là một trường Đại học.
Bộ trưởng GD&ĐT lưu ý, con người là yếu tố đầu tiên quan trọng, mang tính quyết định, do đó, muốn đào tạo nhân lực chất lượng cao, trước hết người thầy chất lượng phải cao. Cùng với đó, cần đổi mới cả về quản trị Đại học và thực hiện các quyền tự chủ khác một cách phù hợp.
Thực hiện sứ mệnh của một trường đại học đa ngành
Giao nhiệm vụ cho Trường Đại học Hải Dương, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng nhấn mạnh, giai đoạn khởi đầu thực hiện sứ mệnh của một trường đại học đa ngành, thời cơ có nhiều nhưng khó khăn, thách thức mà nhà trường sẽ phải đối mặt cũng vô cùng phức tạp. Ông Thắng cho biết, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, HĐND tỉnh sẽ giành sự quan tâm đặc biệt để nhà trường vượt qua được những khó khăn, thách thức trong giai đoạn này. Đồng thời tin tưởng, đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên cùng toàn thể sinh viên của Trường Đại học Hải Dương sẽ phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên cương vị mới của mình, nhanh chóng phát triển ngang tầm với các trường đại học có uy tín trên cả nước.
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương đề nghị các cấp, các ngành và các địa phương trong tỉnh quan tâm, cùng với Trường Đại học Hải Dương thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao.
Trường Đại học Hải Dương cần đảm bảo hoạt động thông suốt, liên tục, chất lượng, hiệu quả, tạo sự ổn định và duy trì hoạt động bình thường sau khi sáp nhập, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ của Trường Đại học Hải Dương và của Trường Cao đẳng Hải Dương chưa hoàn thành trước khi sáp nhập.
Đảm bảo việc làm và chế độ chính sách đối với viên chức và người lao động, tạo sự thống nhất, nâng cao nhận thức của cán bộ, giảng viên về sứ mệnh của trường trong giai đoạn mới, thực hiện kết nối nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp, phát triển đào tạo các ngành nghề trọng điểm, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực để phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phục vụ cho sự phát triển tỉnh Hải Dương.
|
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng |
Đồng thời, kết hợp giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Ngoài ra, cần làm tốt công tác truyền thông về định hướng, xu hướng phát triển trong giai đoạn mới của nhà trường.
Tại buổi lễ, Trường Đại học Hải Dương đã thực hiện chương trình ký kết thỏa thuận hợp tác 3 bên cùng với Đại học Bách khoa Hà Nội và Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hải Dương về “Hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và nghiên cứu, đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển các khu công nghiệp”.
Trường Đại học Hải Dương sau sáp nhập thế nào?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương báo cáo tóm tắt quá trình sáp nhập Trường Đại học Hải Dương và của Trường Cao đẳng Hải Dương cho biết, việc sáp nhập nhằm mục tiêu xây dựng Trường Đại học Hải Dương thành trường đại học trọng điểm của tỉnh và khu vực đồng bằng sông Hồng. Đồng thời, là trường đại học đa ngành lớn mạnh, có uy tín, chất lượng, có sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực đặc biệt là lĩnh vực đào tạo giáo viên, lĩnh vực khoa học kỹ thuật, công nghệ,… phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh Hải Dương và khu vực… Sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Mục tiêu của tỉnh là phấn đấu đến giai đoạn 2030-2035, tầm nhìn đến 2050, xây dựng Trường Đại học Hải Dương trở thành cơ sở giáo dục đại học đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó: trọng tâm là lĩnh vực sư phạm; lĩnh vực kinh tế; kỹ thuật và công nghệ, nông nghiệp, dịch vụ,… thực hiện đào tạo ở 3 bậc trình độ: đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, chú trọng đào tạo theo định hướng ứng dụng. Trường trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh Hải Dương và khu vực. Ngay sau khi có Quyết định sáp nhập của Thủ tướng được sự quan tâm rất lớn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Hải Dương sau sáp nhập hết sức cố gắng để mở được ngay 6 mã ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học.
>>> Mời độc giả xem thêm video Khoa Tiếng Nga – Trường Đại học Hà Nội
Hải Ninh