Sáng 30/10, công an xã Thạch Đài (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) nhận được tin báo về trường hợp của ông Nguyễn Văn Toàn (50 tuổi, ngụ ở thôn Liên Vinh) mắc bệnh ung thư thực quản, lên cơn đau đột ngột nhưng không thể đến bệnh viện do nước lũ dâng cao.
Mưa lớn nhiều ngày đã khiến đoạn đường dẫn vào hộ ông Toàn ngập sâu, xe cộ không thể lưu thông.
Thượng úy Phạm Duy Triết - phó công an xã Thạch Đài - cùng hai đồng đội khác ngay lập tức dùng xe máy chở thuyền đến điểm ngập lụt rồi chèo vào nhà ông Toàn đưa bệnh nhân đi nhập viện.
Công an xã Thạch Đài dùng thuyền đưa bệnh nhân ung thư đi cấp cứu.
“Lúc đó chúng tôi đang giúp bà con ở thôn lân cận chuyển lúa lên chỗ cao. Nhận được tin, tôi tức tốc đi ngay vì nghĩ dù sao cứu người vẫn quan trọng nhất”, anh Triết nói với Zing.
Do thuyền cồng kềnh nên việc đưa đến điểm ngập không hề dễ dàng. Trong khi đồng đội điều khiển xe máy chở thuyền, anh Triết phải chạy bộ theo sau, dùng tay giữ cho thuyền không đổ trên suốt quãng đường hơn 2 km.
Lúc đến nơi, anh Triết cho biết nhà ông Toàn đã ngập hơn 1 m, bệnh nhân rất yếu. Người nhà cùng công an xã nhanh chóng đưa ông Toàn lên thuyền rồi chở ra khỏi vùng ngập.
Người bệnh này sau đó lên xe cấp cứu đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh và đang tiếp nhận điều trị. Một người nhà của ông Toàn chia sẻ, thời điểm đó cả gia đình rất lo lắng nên khi thấy công an đưa thuyền vào hỗ trợ, họ cảm thấy rất xúc động và biết ơn.
Trong khi đó, Thượng úy Triết chia sẻ: “Đối với chúng tôi đó là nhiệm vụ mình phải thực hiện. Nếu các đồng đội khác gặp trường hợp như tôi họ cũng sẽ làm giống vậy mà thôi”.
Thượng úy Phạm Duy Triết cứu hộ người dân tại vùng lũ.
Thượng úy Phạm Duy Triết (sinh năm 1990) nhậm chức phó công an xã Thạch Đài (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) từ tháng 3/2020. Chỉ trong nửa năm công tác, anh đã cùng bà con xã Thạch Đài trải qua hai đợt lũ lớn.
“Đợt một kéo dài hơn 10 ngày, nhiều khu vực ngập rất sâu. Lúc đó chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong công tác cứu hộ vì còn thiếu phương tiện. Nước tạm rút được vài ngày thì đợt lũ thứ hai lại đến. Lũ chồng lũ, khó khăn đủ bề nhưng đợt sau chúng tôi đã có kinh nghiệm và cũng chủ động phương tiện nhiều hơn”.
Từ giữa tháng 10, anh Triết cùng đồng đội đã phải túc trực ngày đêm để đảm bảo công tác cứu hộ, cứu nạn, tiếp nhận hàng cứu trợ trong đợt mưa lũ lịch sử. Trước đó, anh cũng bận rộn với công việc nên hơn 6 tuần nay vẫn chưa thể về nhà cách đơn vị khoảng 50 km.
“Người thân ở xa vẫn thường gọi điện lo lắng hỏi thăm, tôi vẫn động viên: ‘Qua đợt bão lũ này, con sẽ về’. Khi tình hình hiện tại còn khó khăn, trước mắt tôi và nhiều anh em khác trong đội cũng tình nguyện ở lại hỗ trợ bà con”, anh Triết nói.
Theo Lê Vy/Zing