Mới đây, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự "Làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc" quy định tại Điều 375 BLHS năm 2015, xảy ra tại Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Vũ Thư.
Đồng thời ra các Quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với: Nguyễn Bằng Giang, SN 1981, cán bộ Công an huyện Vũ Thư và Hoàng Hồng Hạnh, SN 1978, cán bộ Công an huyện Vũ Thư để điều tra về hành vi có dấu hiệu của tội phạm "Làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc" quy định tại Điều 375 Bộ luật hình sự năm 2015.
Hai cán bộ trên bị khởi tố, bắt giam để làm rõ hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án vụ cố ý gây thương tích ở huyện Vũ Thư (Thái Bình) liên quan Bùi Mạnh Tiến (25 tuổi, biệt danh Tiến "trắng", trú tại huyện Vũ Thư, là con nuôi của Đường “Nhuệ”). Nạn nhân trong vụ án này bị đánh đến 44% thương tích, tuy nhiên Công an huyện Vũ Thư không khởi tố hình sự.
|
Đường Nhuệ và con nuôi Tiến trắng. |
Dư luận đặt câu hỏi, hai cán bộ công an huyện Vũ Thư bị khởi tố vì có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án, liệu lãnh đạo là người ký quyết định không khởi tố vụ án liên quan con nuôi Đường Nhuệ có phải chịu trách nhiệm?
Truy trách nhiệm lãnh đạo
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội dẫn lại thông tin vụ án từ phía cơ quan điều tra cho thấy, khoảng 19h30 ngày 22/5/2018, Phạm Văn Sáng cùng Bùi Mạnh Tiến (con nuôi Đường Nhuệ), Hoàng Văn Phi, Nguyễn Tuấn Long đến nhà anh Trần Ngọc Hoàng. Phạm Văn Sáng dùng dao chém nhiều nhát làm anh Hoàng bị đứt cơ, gân 2 tay và 2 chân. Sau khi sự việc xảy ra, Đường "Nhuệ" đã đến nhà anh Hoàng đưa ra mức bồi thường 130 triệu đồng và yêu cầu anh Hoàng không đi giám định, để không xử lý hình sự vụ việc.
Do lo sợ, anh Hoàng đã có đơn đề nghị không đi giám định. Ngày 22/7/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Vũ Thư ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự kể trên.
Luật sư Cường cho biết, với tài liệu chứng cứ được thu thập nêu trên cơ quan điều tra VKSND tối cao đã khởi tố hai cán bộ công an của địa phương này về hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án.
Đồng nghĩa việc, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã làm rõ hành vi cố ý gây thương tích của nhóm đối tượng trên đến mức có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, chính những người có trách nhiệm trong việc đấu tranh xử lý tội phạm, người thụ lý hồ sơ lại đứng ra "dàn xếp", tiếp tay, dung túng cho nhóm đối tượng này để chuyển hóa thành quan hệ dân sự.
Theo quy định của pháp luật, hành vi cố ý gây thương tích mà có tính chất côn đồ, sử dụng hung khí nguy hiểm hoặc gây thương tật cho nạn nhân, tỷ lệ thương tích dưới 11% thì mới khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại. Trường hợp đối tượng dùng hung khí nguy hiểm chém đứt gân, cơ của nạn nhân như trong vụ án trên, những người trong nghề đều biết rằng thương tích như vậy không thể dưới 11 %, và không thuộc trường hợp khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại.
Thậm chí, trường hợp người bị hại cố tình không phối hợp để giám định thương tích thì cơ quan điều tra có thể áp dụng biện pháp dẫn giải để thực hiện các thủ tục điều tra.
Với những sai phạm nêu trên thì những người tiến hành tố tụng trong vụ án này có thể bị xử lý về các tội danh như tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội theo điều 369; tội ra quyết định trái pháp luật theo điều 371 hoặc tội làm sai lệch hồ sơ vụ án theo điều 375 Bộ luật hình sự năm 2015 tùy thuộc vào từng hành vi cụ thể.
Cụ thể, điều 369 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định, người nào có thẩm quyền mà không truy cứu trách nhiệm hình sự người mà mình biết rõ là có tội, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: Không truy cứu trách nhiệm hình sự người thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng; đối với 2 người đến 5 người.
Người không bị truy cứu trách nhiệm hình sự bỏ trốn hoặc thực hiện hành vi cản trở điều tra, truy tố, xét xử hoặc tiếp tục thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng... Tội danh này sẽ được áp dụng đối với cán bộ có thẩm quyền, thường là cán bộ lãnh đạo.
Bởi vậy, vấn đề này cơ quan điều tra sẽ làm rõ để xem xét vấn đề trách nhiệm trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các đối tượng trong nhóm Đường Nhuệ, nếu hành vi của cán bộ nào thỏa mãn dấu hiệu của tội danh này thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Có thể xử lý hình sự người ban hành quyết định không khởi tố vụ án
Luật sư Cường cho rằng, người có chức vụ quyền hạn trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự biết rõ là hành vi có dấu hiệu tội phạm nhưng vẫn cố tình không ban hành quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, những người này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh nêu trên. Nếu họ chỉ là điều tra viên, không có thẩm quyền ký các quyết định thì chỉ có thể là người giúp sức trong những vụ án đó.
Bên cạnh đó, người ban hành các quyết định không khởi tố vụ án mà biết rõ hành vi có dấu hiệu tội phạm thì cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 317 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Trong vụ việc cố ý gây thương tích có liên quan đến Tiến "trắng" mà Đường Nhuệ đã đứng ra dàn xếp để không xử lý hình sự vụ án, theo quan điểm của chuyên gia pháp lý, nếu có đủ căn cứ, tài liệu chứng minh, có thể xử lý hình sự người ban hành quyết định không khởi tố vụ án.
Cụ thể, Điều 371 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định, người nào có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án ra quyết định mà mình biết rõ là trái pháp luật gây thiệt hại về tài sản từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 368, 369, 370, 377 và 378 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trường hợp hành vi được xác định là ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì hình phạt có thể lên đến 7 năm tù.
Như vậy, cơ quan chức năng sẽ làm rõ hành vi, vai trò, nhận thức của người đã ký quyết định không khởi tố vụ án trong vụ việc này để xác định hành vi có lỗi hay không, có biết rõ là hành vi có dấu hiệu tội phạm nhưng vẫn cố tình ký quyết định không khởi tố vụ án hay không để xem xét trách nhiệm hình sự theo quy định, nếu đủ căn cứ thì sẽ xử lý hình sự về tội danh này - Tội ra quyết định trái pháp luật.
Còn đối với hành vi "làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc" chỉ áp dụng đối với những vụ việc đã được xác định là "vụ án" (đã khởi tố vụ án) hoặc "vụ việc" (đã thụ lý tin báo) mà người có thẩm quyền, có trách nhiệm, người được tiếp cận với hồ sơ vụ án, vụ việc làm sai lệch hồ sơ dẫn đến việc sai lệch kết quả giải quyết vụ án, vụ việc.
Luật sư Cường cho rằng, thông thường thì đối với tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội và tội ra quyết định trái pháp luật sẽ xử lý với cán bộ lãnh đạo (người có thẩm quyền ký các quyết định trong vụ án hình sự), còn tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc thường xử lý đối với những người tiến hành tố tụng là cán bộ dưới quyền, người trực tiếp làm hồ sơ.
Như vậy, nếu xử lý hình sự đối với 2 cán bộ công an nêu trên về tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc, những người này sẽ phải đối mặt với mức hình phạt từ 10 đến 15 năm tù do hành vi được xác định là có dấu hiệu "bỏ lọt tội phạm".
>>> Mời độc giả xem thêm video Đại gia bất động sản Thái Bình bị khởi tố điều tra tội cố ý gây thương tích
Tâm Đức