Trong năm 2017, hàng loạt vụ việc “bố bổ nhiệm con” được báo chí phanh phui khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều. Có những trường hợp do bổ nhiệm con sai quy định dẫn đến việc “con quan” bị điều chuyển công tác, kỷ luật và “người bố bổ nhiệm con mình cũng bị kỷ luật nghiêm khắc. Thực tế, ngay trong năm 2017, dư luận xã hội đã bức xúc trước một số trường hợp quan chức bổ nhiệm người nhà làm quan và thực trạng “bố bổ nhiệm con” diễn ra tại nhiều ngành, địa phương.
Trường hợp ông Lê Phước Thanh – Nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam bị kỷ luật liên quan đến vụ bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo (là con trai ông Thanh) giữ các chức vụ (Trưởng phòng của Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, Phó Giám đốc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư) không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, vi phạm quy trình, thủ tục là một trong những ví dụ điển hình.
|
Ông Lê Phước Hoài Bảo và ông Lê Phước Thanh. |
Ngày 16/12, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thông tin về kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với đồng chí Lê Phước Thanh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam.
Một trong những vi phạm của ông Lê Phước Thanh bị UBKTTW nhắc đến đó chính là vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; không gương mẫu, có biểu hiện ưu ái, vun vén cho gia đình trong việc quy hoạch, luân chuyển, điều động và quyết định bổ nhiệm đồng chí Lê Phước Hoài Bảo (là con trai của đồng chí) giữ các chức vụ (Trưởng phòng của Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, Phó Giám đốc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư) không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, vi phạm quy trình, thủ tục.
Ngoài ra, ông Lê Phước Thanh còn để UBND tỉnh quyết định cử đồng chí Lê Phước Hoài Bảo đi học Thạc sỹ tại nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước không đúng quy định.
Cùng với đó, UBKTTW cũng nhận định, ông Lê Phước Hoài Bảo, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đã không trung thực trong việc kê khai quá trình công tác của bản thân trong hồ sơ, lý lịch và hồ sơ nhân sự ứng cử Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020. Ý thức tổ chức kỷ luật kém; vi phạm nguyên tắc tổ chức sinh hoạt của Đảng, bỏ sinh hoạt đảng nhiều tháng, không chuyển sinh hoạt đảng theo quy định trong thời gian đi học Thạc sỹ tại nước ngoài.
Ngày 26/1 vừa qua, UB Kiểm tra TƯ kết luận những vi phạm, khuyết điểm của ông Lê Phước Thanh là rất nghiêm trọng, đề nghị Ban Bí thư xem xét thi hành kỷ luật. Cũng trong ngày 26/1, ông Lê Phước Hoài Bảo, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Quảng Nam đã bị tạm đình chỉ công tác để thực hiện các bước xử lý theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư.
Nhiều vụ việc “bố bổ nhiệm” con khác cũng khiến dư luận xôn xao như trường hợp ông Phạm Văn Tỏ - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hải Dương đã ký quyết định bổ nhiệm con trai mình là Phạm Văn Kháng (37 tuổi) giữ chức Phó Trưởng Phòng Việc làm - An toàn lao động thuộc Sở LĐTB-XH Hải Dương mà không qua thi tuyển công chức. Trước khi Bộ Nội vụ tiến hành thanh tra, anh Phạm Văn Kháng có đơn xin chuyển công tác về đơn vị cũ là Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi huyện Bình Giang. Còn ông Phạm Văn Tỏ bị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương khóa XVI thi hành kỷ luật về Đảng bằng hình thức khiển trách.
Một vụ việc thu hút sự chú ý của dư luận tại Bình Định khi ông Nguyễn Hiếu Hòa bị cho thôi chức Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định vì bổ nhiệm con gái ruột là Nguyễn Thị Anh Nguyên (35 tuổi) làm Phó Chi cục trưởng của Chi cục này.
Vào tháng 7/2017, UBND tỉnh Đồng Tháp đã có kết luận, đồng thời chỉ đạo kiểm tra, xác minh làm rõ phản ánh ông Phạm Văn Nông - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Bình bổ nhiệm “thần tốc” con trai là Phạm Trung Hiếu mắc bệnh động kinh làm Phó Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh – Xét nghiệm thuộc bệnh viện này.
Trước hàng loạt những vụ việc trên, có không ít ý kiến cho rằng, chưa xét đến việc bổ nhiệm có đúng quy trình hay không nhưng việc những người tuổi còn rất trẻ được cân nhắc, bổ nhiệm giữ những vị trí quan trọng tại một ngành, một địa phương là do… có bố làm quan to.
Nguyên nhân dẫn đến việc bổ nhiệm trên đã được Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn chỉ ra rằng: “Đảng đã nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác bổ nhiệm, nhưng trách nhiệm như thế nào thì thực sự chưa được làm rõ. Người đứng đầu khi ký quyết định bổ nhiệm đều phải căn cứ vào các nội dung như hồ sơ, lý lịch, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình... trong đó phải có nghị quyết hoặc ý kiến của cấp ủy đảng. Do trách nhiệm của người đứng đầu chưa rõ, chưa cụ thể nên khi có vấn đề, sự cố xảy ra liên quan đến người được bổ nhiệm thì người ký quyết định bổ nhiệm thường thoái thác, đẩy trách nhiệm sang tập thể cấp ủy, mình chỉ là người thi hành quyết định của tập thể và có tính hành chính”.
Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp trong một lần trả lời báo chí cho biết, Luật hiện hành chưa quy định về việc cấm người đứng đầu bổ nhiệm người thân thích vào vị trí lãnh đạo trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý.
Như bạn đọc Nguyễn Thanh (TP Hải Dương) cho rằng, hiện tượng “bố bổ nhiệm con” xuất phát từ việc mình có chức có quyền thì con cái mình cũng phải có địa vị xã hội, có con đường thăng tiến. Tuy nhiên, những tính toán của người lớn dễ làm hỏng sự nghiệp của những người trẻ tuổi có tri thức, có học vấn, có trình độ, họ có thể có nhiều con đường tiến thân không nhất thiết phải “làm quan”.
Tâm lý “Con quan thì lại làm quan” diễn ra phổ biến từ trước đến nay chứ không phải bây giờ mới hiện hữu. Đã đến lúc loại bỏ tâm lý trên để người có tài năng thật sự sẽ có những vị trí thật sự để giúp ích cho Đảng, Nhà nước, nhân dân chứ không phải chỉ “làm quan” để giữ ghế cho một gia đình, dòng tộc.
Đã đến lúc cần thay đổi tư duy “Con quan thì lại làm quan” đã tồn tại qua nhiều thế hệ!
Hải Ninh