Ở các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa như Điện Biên Đông (Điện Biên), huyện Tây Giang (Quảng Nam) hay huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi), mỗi năm có hàng chục người chết oan uổng vì lá ngón.
Những cái chết thương tâm
|
Cây lá ngón. |
Ngày 27/8, người dân phát hiện ông Nguyễn Quốc Gia (42 tuổi, trú xã Hòa Hải, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) nằm bất động tại lán trại ở trong rừng, bên cạnh là một
ấm nước được nấu bằng lá ngón. Nạn nhân được đưa đến bệnh viện cấp cứu song không qua khỏi do chất độc lá ngón ngấm sâu, dẫn đến tử vong.
Tìm hiểu lý do khiến nạn nhân từ giã cuộc đời, mọi người đều ngạc nhiên khi thấy nguyên nhân rất đơn giản, vài ngày trước ông Gia và bà vợ có xảy ra mâu thuẫn. Người vợ sau đó bỏ đi miền Nam nên ông Gia buồn chán, vào lán trại trong rừng tìm lá ngón rồi bỏ vào ấm nấu lên uống.Trước khi tự tử, người đàn ông 42 tuổi còn cẩn thận gọi điện về thông báo cho gia đình nhờ lo hậu sự cho mình.
Chiều tối 26/10, thông tin từ xã Tam Hợp (huyện Tương Dương, Nghệ An) cho biết, trên địa bàn xã vừa có một người phụ nữ ăn lá ngón tự tử. Nạn nhân là chị Sồng Y Nu (17 tuổi, ở bản Huồi Sơn) đã xảy ra mâu thuẫn, cãi vã với chồng nên đã bỏ về nhà mẹ đẻ sau 8 tháng làm dâu. Về đến nhà đẻ, Nu buồn chán, nghĩ quẩn rồi lên rừng hái lá ngón ăn tự tử. Phát hiện sự việc, người thân và hàng xóm đã đưa nạn nhân đi cấp cứu nhưng đã quá muộn.
Trước đó, ngày 15/5/2015, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La khởi tố vụ án và bắt tạm giam Và Thị Dợ (SN 1972, ngụ bản Tư Làng A, xã Mường Bám, huyện Thuận Châu) để điều tra về hành vi giết người. Nạn nhân trong vụ án này là ông Sủng Vả Hờ (SN 1970, trú cùng bản)- chồng bà Dợ.
Theo điều tra, cuộc sống hôn nhân của bà Dợ với chồng không hạnh phúc do ông Hờ gia trưởng, lười làm, thường xuyên đánh đập bạo hành vợ. “Con giun xéo lắm cùng quằn”, ngày 27/3/2015, Và Thị Dợ lên khu đồi gần nhà hái lá ngón về trộn với nộm lá đu đủ rồi cho chồng ăn. Bị ngộ độc, ông Hờ đã tử vong vào chiều cùng ngày. Tại Hà Giang, năm 2013 TAND tỉnh này đã xét xử vụ án Hoàng Thị Tiên (SN 1981, dân tộc Tày, trú tại thôn 9, xã Nậm Dịch, huyện Hoàng Su Phì) về hành vi giết người.
Uất ức vì phải sống chung với anh chồng nát rượu, bạo hành, thiếu phụ này đã bỏ rễ cây lá ngón vào bình rượu của chồng để đầu độc. Hậu quả, không chỉ người chồng mất mạng mà hai người hàng xóm nhậu chung cũng tử vong. Hoàng Thị Tiên đã bị tuyên phạt 10 năm tù về tội giết người.
Con số đáng báo động
Thống kê của tỉnh Quảng Ngãi, từ đầu năm 2016 đến nay, địa phương này xảy ra 28 vụ tự tử làm 28 người chết. Nguyên nhân dẫn đến hành động tự tử chủ yếu do một số người bệnh lâu ngày chán nản, kinh tế gia đình khó khăn, bế tắc vì mâu thuẫn gia đình. Riêng các huyện vùng cao nơi đây xảy ra 20 vụ với 21 người chết, trong đó nhiều vụ ăn lá ngón - loại lá rừng có độc tố cao. Những nạn nhân tìm đến lá ngón để giải thoát hầu hết là những người học vấn thấp, hiểu biết hạn chế, trong đó có một số người mắc bệnh lý trầm cảm.
Tại huyện vùng cao Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên), từ đầu năm 2016 đến nay, xã Noong U của huyện Điện Biên Đông đã có tới 11 trường hợp tự tử vì lá ngón, trong đó có 3 người chết, 8 người may mắn được cứu sống do phát hiện và đưa lên trạm y tế sớm.
Theo số liệu của Trung tâm Y tế huyện Điện Biên Đông, trong 8 tháng qua, ngành y tế huyện ghi nhận có 73 trường hợp tự tử vì lá ngón, trong đó có 29 người chết. Con số người tử vong tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2015. Đáng báo động trong số các nạn nhân tự tìm đến cái chết có nhiều người còn rất trẻ, ở độ tuổi thanh thiếu niên nên nhận thức, suy nghĩ bồng bột.
Theo một cán bộ y tế huyện Sơn Tây (tỉnh Quảng Ngãi), để cấp cứu cho những người ngộ độc lá ngón, đồng bào dân tộc thường cạo mùn thớt hòa nước đổ vào miệng cho nạn nhân uống, giúp nạn nhân nôn chất độc ra. Thậm chí có nơi đồng bào còn dùng phân trâu, phân bò khô bóp vụn hòa nước cho nạn nhân uống để dễ nôn.
Tuy nhiên, việc trung hòa độc tố sẽ vô tác dụng, nếu nạn nhân ăn lá ngón kèm với muối trắng. Và các thao tác trên chỉ là sơ cứu ban đầu, sau đó bắt buộc phải đưa các nạn nhân đến bệnh viện để rửa ruột, cấp cứu giải độc.
Theo vị cán bộ này, lá ngón là cây có độc tố cực mạnh, với một người trưởng thành, khỏe mạnh chỉ ăn từ 2-3 lá tươi là đã tử vong. Thân, rễ cây lá ngón chứa độc tố còn mạnh hơn, người uống phải thân, rễ cây này ngâm rượu hoặc sắc nước hầu như vô phương cứu chữa. Thực tế, những vụ ngộ độc lá ngón được cứu sống đều rơi vào các trường hợp trẻ em không biết ăn nhầm từ nửa lá đến một lá, được phát hiện ngay. Còn các trường hợp cố ý tự tử thì gần như khó có khả năng sống sót.
Còn theo một vị cao niên ở Hà Giang thì trong ruột non, dạ dày của con dê có một loại dịch vị có thể vô hiệu hóa chất kịch độc của cây lá ngón, chính vì vậy con dê vẫn có thể ăn lá ngón mà không bị ngộ độc. Chính vì thế, người Mông, người Thái ở Tây Bắc đã chế biến món nậm pịa - làm từ dịch vị ruột dê giã với muối và một số loại lá rừng, có tác dụng tốt trong việc ngừa ngộ độc thức ăn. Đồng bào cũng dùng thứ nước hòa lẫn nậm pịa để cứu những người ngộ độc lá ngón. Tuy nhiên, vị này cũng thừa nhận chỉ có thể cứu được những người bị ngộ độc lá ngón ở thể nhẹ.
Tích cực tuyên truyền để diệt trừ “con ma” lá ngón
Trước tình trạng người dân tự vẫn bằng lá ngón, nhiều địa phương đã triển khai hàng loạt biện pháp để giảm thiểu vấn nạn này như tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, phát động phong trào triệt phá cây lá ngón, thậm chí thu mua rễ cây lá ngón để tiêu hủy. Tuy vậy, loài cây hoang dã này mọc ở khắp núi rừng, lan nhanh như cỏ. Ngay cả trong điều kiện đất đai cằn cỗi cây lá ngón vẫn phát triển tốt, lá xanh mỡ, hoa vàng rực nên việc triệt phá tận gốc là khó khả thi. Hơn nữa, đây là cây dễ kiếm, không mất tiền nên rất dễ dùng để giải thoát cho những người cạn nghĩ khi bế tắc.
Bởi vậy, giải pháp khả thi nhất để ngăn chặn tình trạng tự tử bằng lá ngón vẫn là tuyên truyền, giáo dục, vận động để nâng cao nhận thức của người dân. Các cơ quan đoàn thể ở cơ sở cần tăng cường công tác hòa giải, động viên nhằm giải tỏa các mâu thuẫn gia đình, xã hội trong cộng đồng dân cư. Cùng với đó là phải tăng cường đội ngũ y tế cơ sở để nhằm giảm thiểu số người bị tử vong do ăn lá ngón trên địa bàn huyện.
Việc tuyên truyền cần phải đúng cách, phải tìm cách thay đổi nhận thức của người dân, cơ bản hơn là thay đổi suy nghĩ nông cạn, thái độ coi nhẹ mạng sống của mình kiểu giận chồng nên cắn lá ngón, dỗi cha mẹ cũng ăn lá ngón, thậm chí tự nhiên chán đời thì lấy lá ngón ăn thôi. Phải làm thay đổi nhận thức mới có thể hy vọng sẽ không còn những cái chết thương tâm, dại dột vì “con ma” lá ngón nữa.
Theo Ngân Hà/Pháp luật Việt Nam