Những ngày cận Tết, trước cổng Ga Sài Gòn có hơn 10 người chuyên làm công việc "cò vé", túc trực trước cổng ga chèo kéo, hỏi người dân để bán vé tàu Tết về các tỉnh miền Trung, miền Bắc.
Chỉ cần chạy xe chậm lại trước cổng ga hay vào bất kỳ quán nước nào ở khu vực Ga Sài Gòn, lập tức bạn sẽ được các “cò” vé mời chào.
"Không bao giờ hết vé"
Đó là khẳng định của những cò vé trong khi nhà ga thông báo hết vé về các tỉnh miền Trung trong các ngày cao điểm.
Ngày cuối tuần, khi thấy khách vừa chạy vào cổng Ga Sài Gòn, hai người phụ nữ lập tức tới mời chào mua vé tàu Tết. Khi hỏi giá vé về Quảng Nam ngày 26 tháng chạp, người này báo giá ghế ngồi cứng 900.000 đồng cộng thêm tiền "cò" 300.000 đồng.
“Em không cần chứng minh nhân dân, cứ trả tiền mua vé rồi đến ngày tới ga gọi chị, rồi có người dẫn em lên tàu về quê”, người này nói.
Thấy khách tỏ vẻ e dè, người phụ nữ dáng to béo khẳng định mình đã bán nhiều năm, làm ăn uy tín để khách quay lại. Người này còn tiếp thị: “Trong ga mới có chuyện hết vé chứ ngoài này vé tàu Tết ngày nào cũng còn, muốn mua chỉ cần đặt cọc, sẽ có người giao vé tận nơi, khỏi lo bị lừa…”.
|
Nhóm "cò" vé trước cổng Ga Sài Gòn chiều 13/1. Ảnh: Phước Tuần. |
Trước câu hỏi về khoản tiền "lời" 300.000 đồng, người phụ nữ mặt khó chịu, cáu gắt: "Có 300.000 thôi mà cũng cao à, làm phải cho tụi tao miếng cơm chứ. Mà 300.000 đâu phải ăn một mình đâu, còn chia người này người kia".
Cách đó 50 m, một người phụ nữ khác đon đả chào mời. Để đáp ứng yêu cầu vé về Quảng Nam của khách, người này bốc máy gọi.
Vài phút sau, một người đàn ông tới, ra giá vé tàu về ngày 26 tháng chạp là 920.000 đồng, vé vào lại là hơn 800.000 cộng với tiền "cò" 550.000 đồng.
Để có vé giường nằm, người này bảo khách cứ mua vé ngồi, rồi lên tàu sẽ có chỗ nằm. "Cứ yên tâm, khi nào có chỗ giường nằm, anh chị mới trả tiền. Chỉ cần đặt cọc 300.000 giữ chỗ", ông này đảm bảo.
Người đàn ông còn nói thêm: “Giờ cầm tiền tới chỗ bàn anh, rồi anh ghi vé cho, qua cổng em yên tâm, tụi anh lo hết rồi”
Khi khách trình bày hoàn cảnh là sinh viên để được giảm giá, người này nhất quyết: “Em muốn về quê thì chịu giá cao một chút, tụi anh có đường dây mới mua được vé, giờ này em dễ gì mua được vé nữa mà còn trả giá”.
Người dân không nên mua vé từ "cò vé"
Ông Lê Quốc Trung, Phó giám đốc Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn, khẳng định tất cả các trường hợp vé không hợp lệ như không đúng họ tên, chứng minh nhân dân của người đi tàu, chắc chắn hành khách sẽ không được lên tàu.
Tết năm ngoái 2016, hàng chục hành khách đã không lên được tàu vì vé không hợp lệ nên người dân cần kiểm tra lại thông tin, chuẩn bị chứng minh nhân dân trước khi lên tàu. Ông Trung cũng khuyến cáo người dân không nên mua vé tàu của "cò" ở khu vực trước Ga Sài Gòn, tránh trường hợp "tiền mất, tật mang".
Để tránh các sự cố đáng tiếc, hành khách tuyệt đối không được tin lời “cò” và cả những quảng cáo trên các website không phải của ngành đường sắt… Ngành đường sắt chỉ bán vé tàu chính thức qua website www.dsvn.vn hoặc tại các nhà ga, các điểm bán vé, các đại lý của công ty quản lý.
Cũng theo ông Trung, mới đây Ga Sài Gòn đã phát hiện hơn mười vé tàu giả có thông tin người đi không trùng khớp với khách đi tàu, đã chuyển sang công an quận 3 để tiếp tục điều tra làm rõ.
Những hành khách mua phải vé giả của "cò" chắc chắn là mất tiền và phải tốn thời gian mua lại vé khác hoặc đổi phương tiện.
Vấn nạn vé tàu giả không chỉ mới xuất hiện dịp tết năm nay. Nhiều người dân đi tàu tết các năm trước cũng “tiền mất, tật mang” khi bỏ hàng triệu đồng mua vé giả, vé không hợp lệ thông qua “cò” để rồi bật khóc giữa sân ga do không được lên tàu.
Theo Phước Tuần - Anh Nhàn/Zing News