Thời gian gần đây, dư luận xôn xao về việc tại chùa Tam Chúc (thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam có đền Tứ Ân thờ “Cư sĩ Diệu Liên”, tức bà Phạm Thị Lan – người vợ quá cố của đại gia Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường - chủ đầu tư dự án khu du lịch tâm linh Tam Chúc.
Nhiều ý kiến cho rằng, ông chủ Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường bỏ tiền xây chùa Tam Chúc. Tuy nhiên, việc dành riêng một khu để dựng đền Tứ Ân, đức tượng thờ vợ là “cư sĩ Diệu Liên”, tức bà Phạm Thị Lan là việc làm không đúng.
Bởi theo giáo lý đạo Phật, chùa chỉ thờ Quan thế âm Bồ Tát và Phật tổ Như lai. Người tu hành phải chịu tứ ân gồm Ân quốc gia xã hội; Ân cha mẹ; Ân đà na thí chủ (người nuôi dưỡng, chu cấp) và cuối cùng là ân thầy tổ.
Hơn nữa những ân nhân của người tu hành thờ vào một vị trí khác không gần nơi thờ Phật… Có ý kiến cho rằng, người có công xây dựng phát triển chùa hay có công lao lớn với ngôi chùa như cư sĩ Diệu Liên thì nên tạc bia tại Chùa không nên xây đền để thờ cúng trong chùa.
|
Tượng cư sĩ Diệu Liên được đặt trong đền Tứ Ân, chùa Tam Chúc. |
Để làm rõ những thông tin xôn xao trong dư luận, xác thực về sự hiện hữu của ngôi đền Tứ Ân thờ “Cư sĩ Diệu Liên”, tức bà Phạm Thị Lan – người vợ quá cố của đại gia Nguyễn Văn Trường, PV Kiến Thức đã tìm hiểu sự việc trên.
Quần thể chùa Tam Chúc gồm nhiều hạng mục công trình điện Tam Thế, điện Pháp Chủ, điện Quan Âm, cổng Tam Quan, chùa Ngọc, đền Tứ Ân, Trung tâm Hội nghị quốc tế… Trong đó đền Tứ Ân nằm trái Tam Quan Nội hướng đi lên quần thể chùa Tam Chúc.
Đền Tứ Ân có hai tầng được ghi rõ thờ cư sĩ Phật tử Diệu Liên. Tại tầng 2 ngôi đền đặt nhiều bảng giới thiệu về cư sĩ Phật tử này.
|
Bảng giới thiệu thân thế cư sĩ Phật tử Diệu Liên được treo tại đền Tứ Ân. |
Theo đó, cư sĩ Phật tử Diệu Liên, thế danh Phạm Thị Lan. Bà Phạm Thị Lan (SN 1961, mất năm 2018, quê xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) là người có công lớn trong việc tôn tạo, xây dựng và quản lý Quần thể danh thắng Tràng An - Bái Đính (Ninh Bình) và góp công xây dựng những ngôi chùa lớn như chùa Tam Chúc (Hà Nam), các ngôi chùa tại quần thể Tràng An – Bái Đính như: chùa Vàng, chùa Bạc, chùa Báo Hiếu, chùa Thiên Phúc… Đặc biệt là các ngôi chùa: Song Tử Tây, Đảo Đá Tây A, Trường Sa Đông, Trường Sa Lớn, Sinh Tồn Đông, Phan Vinh... trên quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) góp phần bảo vệ biên cương của Tổ quốc và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Trong tầng hai ngôi đền, có khu vực thờ đặt chính giữa có một bức tượng của bà Phạm Thị Lan được đúc bằng đồng, phía trên nóc của ngôi đền tiếp tục treo một bảng ghi danh công trạng của bà. Tại hành lang dẫn vào khu vực thờ có treo rất nhiều bức ảnh bà Phạm Thị Lan tại các điểm chùa mà bà góp công xây dựng.
Bà Phạm Thị Lan chính là người vợ quá cố của đại gia Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường – chủ đầu tư dự án khu du lịch tâm linh chùa Tam Chúc. Đồng thời cũng là chủ của những dự án tâm linh siêu khủng với số vốn đầu tư lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng tại các tỉnh như Ninh Bình, Hà Nam, Hà Nội, Thái Nguyên.
Như vậy, thông tin từ dư luận về việc ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường, lập đền thờ vợ tại chùa Tam Chúc là có cơ sở.
Việc vợ quá cố của đại gia Xuân Trường được thờ ở điện Tứ Ân có phù hợp hay không sẽ được PV Kiến Thức thông tin tiếp trong những bài viết sau.
Tuy nhiên, khi đến tham quan, lễ Phật chùa Tam Chúc, nhiều du khách tỏ ra rất bất ngờ, bởi trong quần thể chùa Tam Chúc lại có một công trình thờ vợ đại gia Xuân Trường.
|
Đền Tứ Ân hiện vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. |
“Chùa là nơi thờ Phật và Quan thế âm Bồ Tát, nhưng khi đến chùa Tam Chúc tôi rất bất ngờ khi đặt chân vào đền thờ Tứ Ân, thờ cư sĩ Diệu Liên. Đọc bảng giới thiệu cư sĩ Diệu Liên có thế danh Phạm Thị Lan. Khi tìm hiểu về bà Lan tôi mới biết là vợ của ông Nguyễn Văn Trường chủ doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường. Bản thân tôi cho rằng việc đặt đền thờ bà Lan trong khu vực chùa Tam Chúc là không hợp lý. Ông Trường muốn lập đền thờ vợ nên đặt ngoài vị trí chùa Tam Chúc”, anh Bùi Văn Tú, du khách đến từ Hải Dương nêu ý kiến.
Đồng ý kiến với anh Tú, nhiều du khách cho rằng, cần làm rõ việc đặt đền thờ ở ngôi chùa này có phù hợp hay không? Nếu chùa Tam Chúc do tư nhân bỏ tiền xây dựng thì việc đặt đền thờ ai cũng không là vấn đề đáng bàn. Tuy nhiên, khi bàn giao cho Giáo hội Phật giáo, đồng nghĩa với việc nằm trong hệ thống văn hóa tôn giáo của Việt Nam thì cần phải làm rõ để tránh gây dư luận không tốt liên quan sự việc này.
Chùa Tam Chúc nằm trong Khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao (tỉnh Hà Nam) – một trong những dự án siêu khủng của Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường ở lĩnh vực đầu tư xây dựng du lịch tâm linh.
Dự án Khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao (tỉnh Hà Nam) "ngốn" tổng vốn đầu tư gần 11.000 tỷ đồng, được xây dựng với tổng diện tích lên đến 5.100 ha, diện tích vùng lõi là 4.000 ha. Khu du lịch sẽ phát triển 6 khu chức năng gồm khu trung tâm đón tiếp, khu văn hóa tâm linh Tam Chúc, khu bảo tồn tự nhiên Quèn Vồng và hồ Tam Chúc, khu nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe và du lịch cộng đồng Tam Chúc, khu sân golf Kim Bảng và hồ Ba Hang và trung tâm dịch vụ hậu cần phục vụ hoạt động khu du lịch tại Thị trấn Ba Sao.
Tháng 8/2019, Bộ TN&MT cho biết, tại dự án chùa Tam Chúc, từ năm 2008 đến năm 2011, UBND tỉnh Hà Nam ban hành 2 quyết định thu hồi đất đã giao và giao toàn bộ diện tích 815,1 hecta cho Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Xuân Trường để thực hiện dự án.
Trong đó, Quyết định số 1364 ngày 04/11/2008 cho doanh nghiệp này thuê đất với diện tích 509,0 hecta, thời hạn 50 năm. Quyết định số 1380 ngày 09/11/2011 giao 306,1 hecta đất, hình thức giao đất để quản lý và đầu tư xây dựng khu du lịch, nhưng không yêu cầu phải bàn giao lại cho Nhà nước sau khi hoàn thành xây dựng.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, các quyết định giao đất của tỉnh Hà Nam còn chưa rõ ràng về nội dung: Mục đích sử dụng chỉ thể hiện “đầu tư xây dựng khu du lịch Tam Chúc” mà không thể hiện loại đất cụ thể theo quy định tại Điều 13 của Luật đất đai; chưa xác định được mục đích sử dụng đất cụ thể trong từng quyết định (do tại thời điểm giao đất chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng) là không thống nhất và thiếu cơ sở để tính tiền thuê đất.
Thiên Nga