Có tài khoản định danh điện tử, ra đường không cần mang bằng lái xe

Google News

Tài khoản định danh điện tử mức độ 2 chính thức có hiệu lực từ 20/10. Khi có tài khoản định danh điện tử, công dân không cần mang theo bằng lái xe cũng như nhiều giấy tờ khác.

Tài khoản định danh điện tử là gì?

Tài khoản định danh điện tử là tập hợp gồm tên đăng nhập, mật khẩu hoặc hình thức xác thực khác được tạo lập bởi Hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an theo khoản 7 Điều 2 Quyết định 34/2021/QĐ-TTg.

Theo đó, khi có tài khoản định danh điện tử mức 2, người dân có thể sử dụng tất cả tiện ích được cung cấp như tích hợp các loại giấy tờ (bằng lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế, thanh toán nhiều loại hóa đơn điện tử (điện, nước, đóng bảo hiểm y xã hội, bảo hiểm y tế, chuyển tiền).

Mọi cá nhân từ đủ 14 tuổi trở lên được đăng ký tài khoản định danh điện tử. Người chưa đủ 14 tuổi thì đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của cha, mẹ hoặc người giám hộ.

Co tai khoan dinh danh dien tu, ra duong khong can mang bang lai xe

Có tài khoản định danh điện tử mức 2, người dân không cần mang theo bằng lái xe

 

Làm sao để đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2?

* Bước 1: Công dân thông báo với cán bộ về việc làm hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử. Thông tin đăng ký bao gồm: số điện thoại, địa chỉ hòm thư điện tử (email).

Công dân có thể cung cấp thêm các thông tin về người phụ thuộc cùng giấy tờ kèm theo (nếu công dân có nhu cầu tích hợp các thông tin này vào hồ sơ đăng ký cấp tài khoản định danh điện tử).

Trường hợp công dân có nhu cầu đăng ký tích hợp các thông tin hiển thị trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia các loại giấy tờ như giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… thì mang thêm các loại giấy tờ gốc để đối chiếu.

* Bước 2: Công dân thực hiện làm hồ sơ cấp, đổi, cấp lại căn cước công dân gắn chip điện tử bao gồm thông tin nhân thân/thân nhân cùng thông tin sinh trắc.

* Bước 3: Cán bộ tiếp tục xử lý hồ sơ cấp, đổi, cấp lại căn cước công dân gắn chip theo đúng quy trình cấp căn cước công dân.

* Bước 4: Công dân kiểm tra, đối chiếu thông tin nhân thân, thông tin các loại giấy tờ đăng ký tích hợp và ký xác nhận trên phiếu đăng ký định danh điện tử, phiếu thu nhận thông tin căn cước công dân.

Người dân cần lưu ý

Khi cán bộ chức năng yêu cầu kiểm tra thông tin cá nhân, giấy tờ, người dân phải cho phép (cấp quyền kiểm tra) thì cán bộ mới có thể xem được thông tin. Bên thứ ba (ngân hàng, ví điện tử, y tế, bảo hiểm, hệ thống dịch vụ công) muốn sử dụng dữ liệu phải được sự đồng ý của chủ tài khoản. 

Theo Hiếu Anh/ Lao Động