Vấn đề được tranh luận nhiều là có nên công bố công khai danh tính của những thí sinh được nâng điểm do gian lận thi cử hay không.
Vì nhân văn không nên công bố
Theo ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc tuyển sinh, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, không nên công bố công khai danh sách thí sinh được nâng điểm vì ảnh hưởng đến tâm lý của các em.
|
Hàng trăm thí sinh ở Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình được nâng điểm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 |
"Thực ra các em là hậu quả của cha mẹ (phụ huynh). Nếu phụ huynh để các em tự lực làm bài kết quả cũng có thể ổn. Hiện tại, các em đang học ở các trường đại học nếu công bố danh sách tôi nghĩ dư luận lên sẽ giết các em. Mặt khác tâm lý các em đang lo sợ về việc này và nếu công bố thì các em không chịu nổi, có thể có hậu qủa xấu" - ông Sơn để xuất.
Ở góc độ cá nhân, ông Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cho rằng gian lận thi cử lần này là việc của người lớn. Nhưng không công bố công khai thí sinh nào được nâng điểm thì e rằng việc xử lý lần này sẽ không nghiêm túc và đây là mâu thuẫn rất lớn xử lý gian lận thi cử lần này.
"Thú thực, bản thân tôi rất muốn biết kết quả học tập của các em sau môt năm ở trường đại học như thế nào. Có tương ứng với năng lực, trình độ của các em không? Nếu có thể, thì ghi tên viết tắt các em cũng được, vì đây là bài học xương máu cho hàng triệu phụ huynh và thí sinh khác nếu có ý định gian lận, mua điểm"- ông Lý nói.
Xử lý sai phạm là không có vùng cấm
Trong khi đó, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng Tổng Bí thư đã nói là "chống tiêu cực không có vùng cấm". Nếu Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT ở các địa phương này không công bố danh tính, không nói rõ cách xử lý thì chính là đã tự khoanh vùng cấm.
"Phải xem vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang, Sơn La, Hoà Bình là những vụ tham nhũng. Tham nhũng trong giáo dục phải xử lý triệt để. Hiện tại Bộ Chính trị cũng quy định thể hiện trong văn bản hướng dẫn thực hiện một số điều trong Quy định số 102 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm do UB Kiểm tra Trung ương ban hành vừa qua đó là Đảng viên phải chịu trách nhiệm liên đới nếu thiếu trách nhiệm trong quản lý, giáo dục dẫn đến có vợ (chồng), con hoặc cấp dưới trực tiếp phạm tội"- tiến sĩ Nghĩa khẳng định.
Về việc có công bố công khai danh sách thí sinh được nâng điểm hay không, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, cho rằng tất cả thí sinh đã đủ 18 tuổi, hoàn toàn có thể chịu trách nhiệm công dân trước xã hội.
"Chúng ta đã nghe, biết thông tin về vụ gian lận tuyển sinh ở các trường đại học lớn ở Mỹ, và nhiều phụ huynh cũng đã bị bắt giam để điều tra xử lý. Nếu tham chiếu việc xử lý mua điểm ở Mỹ (phụ huynh bị chỉ mặt đặt tên, nhưng không thấy tên tuổi thí sinh) thì chỉ nên xem đây là cách tham khảo. Chỉ có xử lý nghiêm thì mới lấy lại được niềm tin của xã hội với ngành giáo dục"- ông nói.
Cùng quan điểm này ông Đỗ Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên Chu Văn An, TP.HCM, đặt câu hỏi "có lý do gì để không công bố danh sách thí sinh gian lận thi cử lần này?".
Theo ông Hoàng, nhiều người lo sợ công bố công khai thí sinh được nâng điểm sẽ ảnh hưởng tâm lý các em, nhưng phải hiểu rằng bản thân các em cũng biết mình được nâng điểm.
"Biết nhưng vẫn chấp nhận là gian dối. Các em đã đủ 18 tuổi thì phải chịu trách nhiệm cho hành vi của mình. Ở tuổi này các em không chịu trách nhiệm cho hành vi sai trái của mình thì sau này sẽ ra sao"- ông Hoàng đưa ra quan điểm.
Cần công bố ở mức độ nào đó
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, hãng luật Giải phóng, TP.HCM cho rằng không nên công bố công khai danh sách thí sinh gian lận, bởi đây là lỗi của người lớn.
"Về nguyên tắc, pháp luật là công bằng, tuy nhiên cần xem xét đến tính nhân văn, xử lý trừng trị phải đi đôi với giáo dục phòng ngừa. Quan trọng là cần đảm bảo tính tương xứng, phù hợp giữa chế tài xử lý và tính chất mức độ của hành vi, cũng như những chủ thể tham gia vào hành vi này. Các em còn có tương lai, cơ hội để nhận thức sai lầm và sửa chữa vẫn còn" - ông Hưng nhìn nhận.
Tuy nhiên theo ông, cần cấm thi những thí sinh này một thời hạn theo quy chế của ngành giáo dục. Với các bậc phụ huynh và cán bộ nhà nước cần điều tra, xử lý nghiêm, không khoan nhượng.
Trong khi đó ông Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng khoa Luật, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho rằng dù không công bố công khai thí sinh gian lận trên các phương tiện thông tin truyền thông nhưng phải có các quyết định liên quan và công bố ở một mức độ nào đó.
Lý do là những người đã thành niên thì phải chịu trách nhiệm về vi phạm của mình. Còn xét tỉ mỉ trong sự kiện này, có thể gia đình là người vi phạm và các em là người được thụ hưởng. Do vậy, có thể không công bố công khai ở trên phương tiện truyền thông nhưng phải có các quyết định pháp lý về việc này".
Theo Lê Huyền/Vietnamnet