Nghị trường QH tranh luận về cô giáo nhận lương hưu 1,3 triệu đồng
Vụ việc cô giáo Trương Thị Lan ở Hà Tĩnh nhận lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng sau 37 năm công tác lại tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận cả nước khi những thông tin liên quan vụ việc này được các ĐBQH tranh cãi nảy lửa trên nghị trường Quốc hội.
Tại phiên thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2018 -2020, ĐBQH Ngọ Duy Hiểu (TP Hà Nội) nêu ý kiến: “Chúng ta quyết không còn những trường hợp như cô giáo Trương Thị Lan ở Hà Tĩnh, sau 37 năm dạy học mầm non, nay khi nhận quyết định nghỉ hưu cô đã chết lặng với mức lương hưu mà được hưởng sắp tới sẽ là 1,3 triệu đồng/tháng”.
|
ĐBQH Bùi Sỹ Lợi. Ảnh Quochoi.vn |
ĐBQH Ngọ Duy Hiểu cho rằng: “Chúng ta cần có đổi mới về nội dung, cách thức và mô hình giáo dục trẻ; quan tâm đào tạo đội ngũ nhà giáo, cô nuôi dạy trẻ đáp ứng yêu cầu; nghiên cứu sửa đổi, tăng lương cho giáo viên, nhân viên làm công tác giáo dục mầm non, vì cô giáo mầm non vừa sử dụng trí tuệ, kỹ năng, tình yêu thương để giáo dục trẻ nhưng đồng thời họ phải lao động chân tay để chăm lo bữa ăn, giấc ngủ và dỗ dành trẻ, họ rất xứng đáng để được nhận đồng lương cao hơn”.
Tranh luận lại với ĐBQH Ngọ Duy Hiểu, ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) cho biết: “Đây là một vấn đề hết sức quan trọng, nếu chúng ta nói không chuẩn người lao động sẽ băn khoăn”.
Theo ĐBQH Bùi Sỹ Lợi: “Trường hợp của chị Lan ở Hà Tĩnh chiều hôm qua chúng tôi đã đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam báo cáo lại toàn bộ quá trình đóng bảo hiểm xã hội và tôi đã giải thích trên báo chí. Chị Lan thực chất đi dạy 35 năm, nhưng trước đó chỉ đi dạy theo cách tự nguyện và hưởng theo mức đóng góp của người dân, công điểm. Thực chất đóng bảo hiểm của chị Lan là 22 năm 8 tháng.
Toàn bộ hệ thống tiền lương bình quân của các năm đóng bảo hiểm xã hội là 1,8 triệu, làm căn cứ bảo hiểm xã hội. Khi chị Lan về hưu là 22 năm, tương đương với 69%, tính trên mức đóng bình quân của 22 năm. Như vậy, 96% nhân 1,8 triệu thì lương của chị được 1.270.000. Quốc hội rất sáng suốt là tất cả những người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà về hưu thấp hơn mức lương cơ sở thì được bằng lương cơ sở, nên chúng ta cấp bù cho chị Lan 37.000 để đạt 1.300.000. Như vậy, không phải do chúng ta làm sai, mà chúng ta đang cải cách tiền lương nên sẽ tính theo cách đóng cao để hưởng cao hơn và thời gian đóng dài hơn”.
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam giải thích thế nào?
Liên quan đến vụ việc cô giáo Trương Thị Lan, chiều ngày 31/10, tại Hội nghị trực tuyến cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, BHYT tháng 10/2017 do ông Phạm Lương Sơn – Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chủ trì. Đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã thông tin về trường hợp cô giáo Lan.
Theo đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, cô giáo Trương Thị Lan có 37 năm công tác trên cương vị giáo viên mầm non. Tuy nhiên, cô giáo Trương Thị Lan chỉ tham gia bảo hiểm xã hội với thời gian 22 năm 8 tháng. Do trước tháng 1/1995, giáo viên mầm non không được tuyển dụng vào biên chế nhà nước nên xét tổng thể chung thời gian công tác là giáo viên mầm non trước tháng 1/1995 không được tính là thời gian công tác để hưởng bảo hiểm xã hội.
|
Quang cảnh Hội nghị giao ban do BHXH Việt Nam tổ chức. |
“Việc đóng bảo hiểm xã hội của cô giáo Lan được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ tháng 1/1995 đến tháng 12/2012, cô giáo Lan làm giáo viên hợp đồng, truy đóng BHXH bắt buộc với tiền lương làm căn cứ đóng BHXH luôn ở mức thấp nhất và không thuộc thang bảng lương do nhà nước quy định. Giai đoạn tiếp theo từ tháng 1/2013 đến 8/2017, cô giáo Lan được tuyển dụng biên chế, đóng BHXH theo chế độ tiền lương do nhà nước quy định (hệ số lương nhân với lương tối thiểu chung).
Tuy có cao hơn giai đoạn trước nhưng thời gian không lâu nên kết quả tổng tiền lương bình quân cả quá trình đóng BHXH thấp”, Đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết.
|
Tại điểm cầu BHXH các tỉnh, thành phố trên cả nước có đại diện lãnh đạo BHXH các tỉnh, thành phố, đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; các phóng viên, biên tập viên đại diện các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn các tỉnh, thành phố.
|
Báo cáo của BHXH tỉnh Hà Tĩnh cho biết, bà Trương Thị Lan, có quá trình công tác có đóng BHXH từ 01/1995 đến tháng 8/2017, với tổng thời gian tham gia BHXH là 22 năm 8 tháng. Bà Lan đóng BHXH 22 năm 8 tháng được tính như sau: 15 năm tính bằng 45% , thêm 7 năm tính bằng 21%, 8 tháng được tính bằng 1 năm bằng 3%. Mức lương hưu hàng tháng là 45+21+3= 69%. Theo đó, mức lương hưu hàng tháng của bà Lan: 1.829.215 x 69% = 1.262.158 đồng được bù bằng mức lương cơ sở là: 1.300.000 đồng/ tháng.
Người nhận lương BHXH cao nhất là bao nhiêu?
Tại Hội nghị trực tuyến cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, BHYT tháng 10/2017 do Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức chiều ngày 31/10, đại diện BHXH Việt Nam đã thông tin về người nhận mức lương BHXH cao nhất hiện nay.
Đại diện BHXH Việt Nam cho biết, qua hệ thống giám sát công nghệ thông tin thì người nhận lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay do BHXH chi trả là 87 triệu đồng/tháng. Người đàn ông này đang trú tại TP HCM.
“Qua hệ thống giám sát thì người đang nhận lương cao nhất không phải là người làm trong cơ sở nhà nước mà là một người làm ở cơ sở liên doanh nước ngoài và người đàn ông này đóng BHXH 23 năm 3 tháng về hưu năm 2015, tỷ lệ hưởng BHXH là 62 %. Trong thời gian đóng BHXH, người đàn ông này đóng khoảng hơn 60 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh đó, vị đại diện này cũng thông tin, hiện nay có 3.228 người hưởng lương hưu dưới 1.3 triệu/tháng.
Hải Ninh