Theo quy định hiện hành, khi công dân được cấp căn cước công dân (CCCD) gắn chip mới, CMND/CCCD cũ sẽ hết giá trị sử dụng.
Tuy nhiên trên thực tế, khi đã có CCCD gắn chip, nhiều người dân vẫn còn giữ CMND, CCCD cũ do không giao nộp hoặc cán bộ làm thủ tục chưa thu lại… Điều này khiến một số người có cùng lúc hai loại giấy tờ chứng minh nhân thân là CCCD gắn chip mới làm và CMND/CCCD cũ.
Khi CMND/CCCD cũ đã hết giá trị sử dụng, nếu người dân vẫn sử dụng giấy tờ này để tham gia các hợp đồng, giao dịch hoặc thực hiện thủ tục hành chính thì rất có thể sẽ gặp phải rủi ro pháp lý về sau.
Cụ thể: Sự sai khác về thông tin do dùng CMND/CCCD đã hết giá trị sử dụng khiến nhiều giấy tờ, thủ tục, hợp đồng… không có giá trị pháp lý; hoặc một văn bản thỏa thuận không được công nhận do một bên sử dụng CMND/CCCD hết hạn…
Khi công dân đã có CCCD gắn chip thì CMND cũ sẽ hết giá trị sử dụng.
Ngoài nhiều rủi ro, khi đã có CCCD gắn chip mà công dân vẫn cố tình sử dụng CMND cũ khi thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính thì có thể bị phạt hành chính vì lỗi không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định 144 năm 2022, mức phạt đối với vi phạm này là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng.
Bởi vậy, để tránh các rủi ro và nguy cơ bị xử phạt vi phạm hành chính, khi đã làm CCCD gắn chip mới, người dân chỉ nên dùng duy nhất thẻ CCCD này trong tất cả các giao dịch, thủ tục để đảm bảo thống nhất thông tin.
Thẻ CCCD gắn chip đã tích hợp tất cả thông tin về nhân thân, cũng như số CMND cũ nên người dân có thể hoàn toàn yên tâm khi sử dụng.
Theo Sức Khỏe Đời Sống