Rời TP.HCM trong khó khăn, dịch bệnh
Có mặt ở Bến xe miền Đông cũ (quận Bình Thạnh), chúng tôi bắt gặp ánh mắt tràn đầy niềm vui và hy vọng của những người sắp lên xe về quê. Theo đó, sẽ có 25 xe giường nằm chở khoảng 600 người Phú Yên xa quê trở về quê hương. Họ phần lớn là người lao động, sinh viên ở TP.HCM, các tỉnh xung quanh như: Bình Dương, Đồng Nai… Đây là những người bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, dẫn đến mất việc trong khi giá cả đắt đỏ không đủ trang trải cuộc sống nơi đất khách quê người.
Anh Lê Tuấn Kiệt, làm việc tại huyện Bến Cát (Bình Dương) cho biết, hai vợ chồng là công nhân nhưng đã mất việc gần 2 tháng nay. Áp lực về chi phí cuộc sống ngày càng lớn, chủ nhà trọ cũng chỉ hứa mà chưa giảm tiền khiến cuộc sống trở nên khó khăn hơn.
|
Vợ chồng anh Lê Tuấn Kiệt đi xe máy về quê đến Đồng Nai phải quay đầu |
Dù được nhận một số hỗ trợ nhu yếu phẩm như: gạo, rau, trứng… nhưng còn nhiều vấn đề phải lo khác. Vì thế, cách đây không lâu, hai vợ chồng cùng đứa con gái 2 tuổi quyết định đi xe máy về quê nhưng đi một đoạn phải quay về. Chính vì thế, việc có được tấm vé để cả gia đình về quê là một “món quà”.
“Chủ trọ kêu để sắp xếp hỗ trợ mà chưa có. Kẹt lắm em mới đăng kí nhờ xe về đợt này. Tại em có con nhỏ, nghỉ việc lâu quá phải về. Bữa em có cũng có ý định về quê bằng xe máy, đi chạy tới Đồng Nai mà em bé chịu không nổi nên mới quay lại”, anh Kiệt nói.
Ngụ trong khu nhà trọ xập xệ ở quận 12, không có việc làm, gia đình anh Hoàng Nam đã có ý định rời TP.HCM nhưng không được vì đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Chính vì thế, cả gia đình rất vui khi có chương trình đưa bà con khó khăn về quê. Chuyến đi chiều nay, chỉ có anh và cậu con trai về trước, hai người còn lại sẽ đợi chương trình lần sau.
“Ở đây khó khăn quá, nghỉ việc tháng rưỡi rồi. Nói chung khó khăn, nhà cửa thuê, ăn uống khổ lắm. Người ta có hỗ trợ nhưng có một phần thôi. Chúng tôi rất vui vì anh em đồng hương có chuyến xe nghĩa tình như vậy thì rất cảm ơn”, anh Nam chia sẻ.
|
Người dân chờ lên xe về quê miễn phí |
Chương trình về quê lần này do UBND tỉnh Phú Yên phối hợp với Hội Đồng hương Phú Yên tại TP.HCM và các đơn vị liên quan thực hiện. Với nhiều người, “về quê” là giải pháp cuối cùng trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát mạnh mà họ chưa tìm được lối ra.
Là nhân viên marketting nghỉ việc đã hai tháng nay, anh Phạm Như Ý-một người khuyết tật đang ngụ ở quận Gò Vấp cho biết, cuộc sống hiện tại rất khó khăn. Sự hỗ trợ vừa qua của chính quyền không đủ để anh duy trì cuộc sống trong những ngày tới. Vì vậy, anh quyết định về quê, sau khi hết dịch sẽ quay lại TP.
“Sinh hoạt trong nhà, tiền điện, tiền nước, ăn uống… mà không có hỗ trợ gì nên áp lực rất lớn khi ở lại. Thêm nữa, dịch bệnh rất phức tạp nên tôi cũng ngại. Khi được hỗ trợ chuyến xe về tôi rất vui. Khi nào thành phố cho người dân trở lại thì tôi sẽ quay lại”.
TP.HCM sẽ phối hợp với các tỉnh đưa bà con về quê an toàn
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết, TP tạo điều kiện cho người dân các tỉnh có nhu cầu về quê theo tinh thần chỉ đạo của Công văn 4777 và 4920 của Văn phòng Chính phủ, nhất là Công văn 4920, cụ thể là “trường hợp cần thiết phải di chuyển, địa phương có người di chuyển phải thông báo ngay cho địa phương nơi đến để kịp thời đón và tiếp nhận ngay tại sân bay, bến tàu, nhà ga, bến xe và thực hiện xét nghiệm, cách ly theo quy định”.
Từ giữa tháng 7, TP.HCM đã nhận được đề nghị của các địa phương và phối hợp rất tốt. Các địa phương căn cứ trên nhu cầu của người dân thì có công văn gửi UBND TP.HCM và TP căn cứ các quy định để tổ chức phối hợp tập trung những người này lại. Tất cả người dân trước khi về quê đều được tổ chức xét nghiệm và nếu âm tính mới được lên phương tiện về quê.
|
Đa số người dân về quê đợt này do gặp nhiều khó khăn |
Từ 20/7 đến nay, TP.HCM đã tổ chức cho hơn 7.000 người về các địa phương. Cụ thể là về Đà Nẵng 626 người, Gia Lai 200 người, Hà Tĩnh 748 người, Quảng Ngãi 442 người, Phú Yên 1.141 người, Thừa Thiên Huế 929 người, Quảng Trị 400 người, Quảng Nam 1399 người, Khánh Hoà 500 người…
Trước tình trạng người dân tự ý về quê bằng xe máy gây mất an ninh trật tự, không đảm bảo an toàn giao thông và công tác phòng chống dịch, ngày 30/7, UBND TP.HCM đã ban hành công văn 2544 gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị phối hợp chặt chẽ đưa người dân có nguyện vọng về quê, có kế hoạch chi tiết, chỉ định đầu mối tiếp nhân, thiết lập danh sách, tổ chức xét nghiệm…
|
Nhiều em bé tranh thủ nghỉ ngơi |
TP cũng giao Sở GT-VT và các sở, ngành liên quan phối hợp để tổ chức tốt; giao nhiệm vụ cơ quan đầu mối phối hợp tạo điều kiện cho người dân. Phó Chủ tịch Dương Anh Đức khẳng định, TP cố gắng tạo mọi điều kiện hỗ trợ cho người dân ổn định cuộc sống trong thời gian ở TP.HCM. Tuy nhiên, nếu bà con thật sự có nhu cầu về thì cần liên hệ và TP.HCM phối hợp tạo điều kiện cho bà con về quê an toàn.
“Trong việc phối hợp với các tỉnh, thành bạn sẽ cố gắng tạo điều kiện thuận lợi nhất để đáp ứng nguyện vọng bà con. Rất mong bà con không di chuyển tự phát bởi theo quy định ở các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16, bà con sẽ không được di chuyển không có tổ chức, gây khó khăn, mất trật tự và ảnh hưởng đến sức khoẻ”, Dương Anh Đức cho hay.
|
Không ai muốn rời bỏ TP nhưng đành phải về quê |
Rời Sài Gòn-TP.HCM - nơi mà bao người đã gắn bó, mưu sinh, trưởng thành là điều không ai muốn. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, bào mòn dần sự kiên nhẫn của nhiều người thì trở về chốn quê là giải pháp phù hợp. Việc cố gắng để bà con được trở về quê an toàn cũng chính là nghĩa tình mà TP.HCM có thể làm được với những người đã và đang có sự đóng góp quan trọng cho sự phát triển của TP. Rồi đây, khi dịch bệnh được đẩy lùi, họ sẽ quay lại để tiếp tục cùng chung tay xây dựng một TP.HCM – văn minh, hiện đại, nghĩa tình./.
Theo Hà Khánh/VOV-TPHCM