Hai vấn đề chưa thống nhất
Được xây dựng trên cơ sở tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành 2, nên Bộ GTVT chủ trì xây dựng và lấy ý kiến về Dự thảo Luật Đường bộ. Luật này chỉ quy định về kết cấu hạ tầng, phương tiện và vận tải đường bộ. Phần quy định về quy tắc giao thông, người lái, đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe được đưa vào Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì xây dựng.
Hai dự luật trên đã đưa ra Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10/2020. Tại kỳ họp đó, hai nội dung có nhiều ý kiến khác nhau là tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành 2 luật; và chuyển thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an. Đa số đại biểu Quốc hội tại kỳ họp đã bỏ phiếu không tán thành 2 thay đổi trên, nên việc thông qua luật này được lùi lại.
Trong lần lấy ý kiến này, trên cơ sở Chính phủ giao, Bộ GTVT đã gửi phiếu khảo sát và trưng cầu ý kiến về 2 nội dung còn nhiều ý kiến kể trên, cũng như một số nội dung thay đổi trong luật. Việc trưng cầu ý kiến thực hiện với tất cả đối tượng chịu tác động, gồm cả các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, hiệp hội, cán bộ công chức và người dân. Tổng cục Đường bộ được giao thực hiện khảo sát trực tiếp và trực tuyến trên cổng thông tin của tổng cục. Với hình thức trực tuyến, tính tới 16h30 ngày 10/2/2022, hệ thống đã nhận gần 7.300 ý kiến. Trong đó, nội dung tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 luật có hơn 70% phiếu không đồng ý, hơn 28% đồng ý, còn lại là các ý kiến khác. Về thay đổi thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe có 77% không đồng ý, hơn 21% đồng ý, còn lại là ý kiến khác.
|
Trước đây, chức năng quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từng do Bộ Công an quản lý Ảnh minh họa: Phạm Thanh
|
Báo cáo Chính phủ tháng 1 vừa qua, Bộ GTVT cho biết, các nội dung trên được cơ quan này tiếp thu ý kiến đa số đại biểu Quốc hội và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ. Theo một lãnh đạo Bộ GTVT , hiện Bộ GTVT đã gửi văn bản lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị liên quan, kết quả có ý kiến đồng thuận có ý kiến chưa. Trong đó cũng có ý kiến đề nghị rà soát lại…
Giải trình thêm một số ý kiến góp ý, về nội dung tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành 2 luật mới, đại diện Bộ GTVT cho rằng, quyết định xây dựng 1 hay 2 luật không thuộc thẩm quyền của bộ này mà họ thực hiện theo nhiệm vụ được giao.
“Mỗi thay đổi tạo ra xáo trộn cần được đánh giá hiệu quả, chứng minh rõ lý do phải thay đổi, và nếu thay đổi đó để tốt hơn thì hãy làm. Nếu không được như vậy nên giữ 1 luật và giữ cơ quan quản lý như hiện hành ”.
Ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hải Phòng
Về đề xuất đổi thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an, đa số đại biểu Quốc hội đề nghị đánh giá tác động toàn diện, khách quan, khoa học... Bộ GTVT cho rằng, do quy định liên quan các vấn đề này được đưa vào Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, nên việc đánh giá tác động được đưa vào hồ sơ của luật này (không nêu trong hồ sơ Luật Đường bộ). Dù vậy, việc sửa đổi luật, theo Bộ GTVT, vẫn phải kế thừa, hoàn thiện các quy định đã có, kế thừa các kết quả đã đạt được...
Thay đổi sẽ làm xáo trộn?
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hải Phòng cho rằng, Luật Giao thông đường bộ đã ban hành và thực hiện ổn định, hiệu quả nhiều năm qua. Do đó, khi thay đổi lớn sẽ tác động rất rộng, nên việc tách luật, chuyển chức năng quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe... đều thu hút sự quan tâm của người dân, doanh nghiệp. “Mỗi thay đổi tạo ra xáo trộn cần được đánh giá hiệu quả, chứng minh rõ lý do phải thay đổi, và nếu thay đổi đó để tốt hơn thì hãy làm. Nếu không được như vậy nên giữ 1 luật và giữ cơ quan quản lý như hiện hành ”, ông Tiến nói.
Theo ông Tiến, hoạt động đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe đã được xã hội hóa mạnh mẽ, cơ bản đáp ứng nhu cầu xã hội và doanh nghiệp. Tới nay chưa có cơ sở để nói việc chuyển sang Bộ Công an quản lý sẽ tốt hơn Bộ GTVT quản lý, nên đa số đại biểu Quốc hội nghiêng về giữ lại như cũ cũng phù hợp. Còn nếu điểm nào chưa tốt, có thể bổ sung quy định, tăng chế tài xử phạt, tăng kiểm tra, giám sát...
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Thái Nguyên cho biết, tài xế các doanh nghiệp vận tải sử dụng được đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe thời gian qua đã đáp ứng được yêu cầu, chưa thấy gì quá bất cập. Việc Bộ GTVT quản lý, Bộ Công an giám sát kiểm tra là rất tách bạch nên tốt cho hoạt động chung. Theo ông Hà, nếu chuyển chức năng quản lý, Bộ Công an sẽ thực hiện toàn bộ từ quản lý, cấp phép tới giám sát, nên “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.
Còn ông Đặng Thế Phương, Giám đốc công ty CP Giao nhận vận tải Phương Lâm chia sẻ, với doanh nghiệp và người dân, cơ quan nào quản lý cũng như nhau, vì luật là chung. “Lâu nay giao thông đường bộ có 1 luật vẫn tốt, vậy sao phải tách làm 2, có gì tốt hơn không, nếu có hãy thay đổi. Thêm nữa, một cơ quan thực hiện và một cơ quan giám sát độc lập với nhau vẫn tốt hơn chỉ có 1 cơ quan làm từ đầu tới cuối. Thậm chí, thế giới đang có xu hướng chuyển lực lượng cảnh sát giao thông sang đơn vị dân sự thực hiện, lực lượng vũ trang chỉ thực hiện các chức năng đảm bảo an ninh trật tự”, ông Phương góp ý. Theo vị này, nếu chuyển quản lý đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe, câu chuyện xử lý các đơn vị, công chức, viên chức ở Sở GTVT địa phương cũng không dễ.
Theo Lê Hữu Việt/Tiền phong