Chuyện về vị đại biểu Quốc hội năm 1946

Google News

Đó là cụ Trần Đình Khánh - Chánh tổng Lương Ca, một trong hai vị đại biểu Quốc hội đầu tiên của tỉnh Yên Bái…

Chuyen ve vi dai bieu Quoc hoi nam 1946
 Cụ Trần Đình Khánh - đại biểu Quốc hội năm 1946. Ảnh: Thái Sinh.
 
Trong những ngày đầu tháng 4 năm nay, khi cả nước đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV, chúng tôi ngược ngòi Vần dưới chân núi Nả tìm đến ngôi nhà cụ Trần Đình Khánh - nguyên Chánh tổng Lương Ca, là một trong hai vị đại biểu Quốc hội đầu tiên của tỉnh Yên Bái.
Ngôi nhà sàn năm gian hai trái lợp cọ sau khi được trùng tu tháng 12/2011 nằm dưới bóng cây xanh rì, buổi sáng còn bảng lảng sương mờ tỏa ra từ trên dãy núi Nả xuống. Một vùng đất thanh bình và xanh đến ngỡ ngàng, nhưng ai có thể ngờ rằng cách nay 76 năm tại đây, thôn Vần, xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên là trung tâm căn cứ Chiến khu Vần - Hiền Lương, nơi đội du kích Âu Cơ lập “đại bản doanh” chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa tháng 8/1945 giành chính quyền ở hai tỉnh Yên Bái và Phú Thọ.
Chuyen ve vi dai bieu Quoc hoi nam 1946-Hinh-2
Nhà cụ Trần Đình Khánh - trụ sở đầu tiên của đội du kích Âu Cơ, nơi Ban cán sự Đảng Yên Bái - Phú Thọ đưa ra nhiều quyết định quan trọng. Ảnh: Bảo tàng tỉnh Yên Bái. 
Chuyen ve vi dai bieu Quoc hoi nam 1946-Hinh-3
 Nhà cụ Trần Đình Khánh sau khi được trùng tu. Ảnh: Thái Sinh.
 
Chuyện về vị Chánh tổng, Chủ tịch Ủy ban lâm thời tỉnh Yên Bái, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến tỉnh Yên Bái, đại biểu Quốc hội năm 1946 có thời người ta lãng quên, nhưng công lao và sự đóng góp những ngày đầu cho chính quyền Cách mạng tỉnh Yên Bái và lực lượng vũ trang hai tỉnh Yên Bái - Phú Thọ thì không ai có thể phủ nhận được. Chừng nào người ta còn nhắc đến Chiến khu Vần - Hiền Lương thì tên tuổi cụ Trần Đình Khánh và các vị lão thành cách mạng như Ngô Minh Loan, Bình Phương và Đội du kích Âu Cơ không thể bị quên lãng.
Những tư liệu lịch sử về cụ Trần Đình Khánh vô cùng ít ỏi. Cụ có 4 người con, hai người con trai của cụ đã mất còn hai người con gái thì ở xa, chúng tôi phải tìm đến anh Trần Xuân Thủy - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Yên Bái là cháu nội của cụ may ra có những thông tin khả tín.
Chuyen ve vi dai bieu Quoc hoi nam 1946-Hinh-4
 Anh Trần Xuân Thủy - cháu nội cụ Trần Đình Khánh trao đổi và cung cấp tài liệu cho PV Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Thái Sinh.
 
Anh Thủy cho biết: Bố tôi là Trần Đình Quát, sinh năm 1931 là con trưởng của cụ Trần Đình Khánh, trước kia là giáo viên từng nhiều năm dạy học ở Sơn La, Nghĩa Lộ sau chuyển ra thành phố Yên Bái, tôi là con út của ông. Tôi sống với ông nội từ bé đến năm 1987 thì ông mất. Ông tôi rất ít nói về mình, dường như trong lòng ông có điều gì đó rất khó nói ra…
Qua những tài liệu anh Trần Xuân Thủy cung cấp, tại bản “Tự thuật thời gian và thành tích cách mạng” do cụ Trần Đình Khánh viết có xác nhận của ông Ngô Minh Loan, cán bộ lão thành cách mạng, nguyên bí thư liên tỉnh Phú Thọ - Yên Bái, nguyên Bộ trưởng Bộ Lương thực và Thực phẩm.
Năm 1944, sau khi được giác ngộ, cụ đã theo Việt Minh vận động các tổng lý, kỳ hào trong tổng Lương Ca thực hiện các chủ trương và chính sách của Việt Minh. Đầu năm 1945 khi ông Ngô Minh Loan được Trung ương Đảng cử lên Phú Thọ, Yên Bái xây dựng cơ sở cách mạng, thành lập đội du kích Âu Cơ chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa cướp chính quyền ở hai tỉnh Phú Thọ và Yên Bái, ngôi nhà của cụ trở thành “đại bản doanh” của đội du kích.
Cụ đã dành cả kho thóc 500 tấn lúa cùng hàng chục con trâu, bò nuôi đội du kích và những cán bộ cách mạng đang hoạt động tại đây, ngoài ra cụ còn chuyển hai trung đội lính dõng trong tổng Lương Ca đi theo Việt Minh…
Chuyen ve vi dai bieu Quoc hoi nam 1946-Hinh-5
 Chữ ký và xác nhận của ông Ngô Minh Loan về việc gia đình cụ Khánh đóng góp 500 tấn thóc cho cách mạng.
 
Ngôi nhà của cụ Trần Đình Khánh là nơi tụ hội các thân hào trong vùng đi theo cách mạng, trụ sở đầu tiên của chiến khu Vần - Hiền Lương, nơi thành lập Ban cán sự Đảng liên tỉnh Phú Thọ và Yên Bái vào ngày 30/6/1945. Nhiều quyết định quan trọng của Ban cán sự Đảng liên tỉnh Phú Thọ - Yên Bái và đội du kích Âu Cơ được bàn bạc và quyết định từ chính ngôi nhà này.
Sau Cách mạng tháng 8/1945, cụ Trần Đình Khánh được cử giữ các chức vụ: Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái tháng 10/1945, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến tỉnh Yên Bái năm 1947, Ủy viên Ủy ban kháng chiến khu 10 tháng 10/1947, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Yên Bái tháng 6/1948. Tháng 1/1946 cụ được bầu là đại biểu Quốc hội khóa I.
Theo xác nhận của ông Bình Phương - nguyên Chỉ huy trưởng Ủy ban quân sự cách mạng hai tỉnh Phú Thọ, Yên Bái: “Ông Trần Đình Khánh đã tham gia xây dựng bộ độ giải phóng từ ngày 15/3/1945 cho đến sau Cách mạng tháng 8/1945, ông đã xây dựng và bàn giao cho chúng tôi một đại đội đủ vũ khí mà ông thu nhặt được và xây dựng được nhiều Ủy ban giải phóng dân tộc ở huyện Trấn Yên - tỉnh Yên Bái”.
Tỉnh Yên Bái có hai đại biểu Quốc hội năm 1946, đó là cụ Trần Đình Khánh và ông Cầm Ngọc Lương. Theo một vị lãnh đạo Bảo tàng tỉnh Yên Bái, ông Cầm Ngọc Lương sau đó theo Pháp bị truất quyền đại biểu Quốc hội. Điều đó đủ thấy, trong những ngày đầu cách mạng và cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm gian khổ, không phải vị đại biểu Quốc hội nào cũng giữ được phẩm cách của người theo Đảng đến cùng như cụ Trần Đình Khánh.
Tìm hiểu vì sao cụ Trần Đình Khánh lại có một quãng đời u uẩn, tôi được biết trong Cải cách ruộng đất, cụ bị quy oan là địa chủ, bị đem ra đấu tố. Rất may là cụ không bị tử hình như nhiều địa chủ khác. Do chán cảnh đời mà mình đã trải qua, cụ gửi ngôi nhà cùng ruộng vườn cho người em rể để vào ở với người con trai cả là ông Trần Đình Quát đang dạy học tại thị xã Nghĩa Lộ.
Chuyen ve vi dai bieu Quoc hoi nam 1946-Hinh-6
 Chứng nhận của ông Ngô Minh Loan về công lao của cụ Trần Đình Khánh trong việc xây dựng Chiến khu Vần - Hiền Lương.
 
Anh Trần Xuân Thủy kể rằng, những năm bố tôi dạy học ở một huyện miền núi tỉnh Sơn La, phấn đấu nhiều năm vẫn không được kết nạp đảng, một lần ông Ngô Minh Loan lên Sơn La công tác mới hỏi lãnh đạo tỉnh có biết thằng cháu tên là Trần Đình Quát đang dạy học ở đây không.
Lãnh đạo tỉnh Sơn La bảo biết, vậy thì các anh đón cậu ấy về đây cho tôi gặp một chút. Tỉnh Sơn La điều một chuyến xe đón thầy giáo Quát về, sau khi hỏi thăm tình hình sức khỏe của ông Trần Đình Khánh, ông Loan rất ngạc nhiên khi biết cháu ông chưa được kết nạp đảng là do mắc mớ lý lịch bố là Chánh tổng, địa chủ. Ông Loan đã giải thích cho lãnh đạo tỉnh Sơn La biết ông Trần Đình Khánh có công rất lớn cho cách mạng… Sau đó ít lâu thì ông Trần Đình Quát được kết nạp vào đảng.
Anh Trần Xuân Thủy được nghe bà nội nhiều lần kể: Đội du kích Âu Cơ nhiều ngày tháng ở nhà mình, trong nhà lúc nào cũng có cả chục người xay lúa giã gạo để nuôi đội du kích. Trâu bò trên rừng muốn bắt con nào về mổ cũng được…
Ông Đặng Ngọc Chi sinh năm 1927 là cán bộ tiền khởi nghĩa đã xác nhận, chính ông đã nhận từ tay bà Hoàng Thị Thêu vợ ông Trần Đình Khánh 4 con trâu để mổ nuôi quân. Ngày 2/7/1945 trong buổi làm lễ tế cờ ra quân vào giải phóng Nghĩa Lộ, gia đình ông Trần Đình Khánh đã hiến 2 con trâu và 3 con lợn mổ “làm rau” cho bữa cơm của 200 chiến sĩ.
Chuyen ve vi dai bieu Quoc hoi nam 1946-Hinh-7
 Các tuyên truyền viên tập luyện bài hát 'Ngày hội non sông'. Ảnh: Thái Sinh.
 
Khi chúng tôi đến thăm ngôi nhà của cụ, nay đã được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia, tại đây Trung tâm Văn hóa tỉnh Yên Bái đang tổ chức các lớp tập huấn văn hóa cho các tuyên truyền viên cơ sở. Thật xúc động bài hát “Ngày hội non sông” đang được luyện tập cho những tuyên truyền viên, trong đó nhiều người tóc đã bạc, bài hát sẽ được cất lên trong ngày bầu cử sắp tới.

Tư liệu về cụ Trần Đình Khánh vô cùng ít ỏi, những người cùng hoạt động với cụ đều đã mất, chúng tôi chỉ hình dung những việc làm của cụ qua một số trang tài liệu mà anh Trần Xuân Thủy cung cấp: Cụ là một người yêu nước, nguyện theo Đảng đến cùng, đã hiến dâng tất cả của cải và sức mình cho cách mạng… Chính vì thế cụ đã được tặng thưởng: Huân chương Kháng chiến chống pháp hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Hai, vợ cụ là Hoàng Thị Thêu được tặng thưởng đồng tiền vàng cùng nhiều bằng khen, giấy khen khác…

Theo Thái Sinh/Nông Nghiệp