Chuyện tình cổ tích của chú rể đi xe lăn… buộc dây với cô dâu

Google News

Ông Phạm Hồng Tư tự nhận, chuyện tình của mình giống như cổ tích khi ngày đi hỏi vợ chỉ có một mình “chú rể” liệt chân, đi xe lăn buộc dây với “cô dâu” đằng trước, vượt qua 40km tới nhà gái.

Suốt buổi trò chuyện, ông Nguyễn Hồng Tư luôn dành từ âu yếm “nhà tôi” khi nhắc tới người vợ của mình. Bị thương ở cột sống, liệt hai chân, hơn gần 40 năm qua, người bạn đời Nguyễn Thị Thanh Phương đã chính là nhà, là tổ ấm đem đến cho ông những hạnh phúc ngọt ngào.
Chuyen tinh co tich cua chu re di xe lan… buoc day voi co dau
Ông Nguyễn Hồng Tư và người bạn đời - "nhà tôi" Nguyễn Thị Thanh Phương. Ảnh: NVCC.
Biến cố bất ngờ, liệt hai chân ở độ tuổi đẹp nhất
Trò chuyện với PV Tri thức và Cuộc sống về cuộc đời mình, ông Phạm Hồng Tư kể, ông quê ở xã Chi Đám, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ. Ông nhập ngũ năm 1975 biên chế ở trung đoàn 48, sư đoàn 320. Năm 1979, khi tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Nam, biến cố lớn đã xảy ra với cuộc đời ông.
“Lúc đó, chiến tranh rất ác liệt, đồng đội hy sinh nhiều. Một lần đi tìm thi thể đồng đội hy sinh sau một trận đánh, tôi đã bị vướng mìn. Tỉnh lại trong bệnh viện, bác sĩ cho tôi biết, cột sống tôi bị tổn thương nặng, hai chân không thể đi lại được nữa, cuộc đời tôi từ giờ phải gắn liền với chiếc xe lăn”, ông Tư nhớ lại đoạn ký ức đau buồn.
Chuyen tinh co tich cua chu re di xe lan… buoc day voi co dau-Hinh-2
 Vợ chồng ông Nguyễn Hồng Tư hạnh phúc bên các cháu. Ảnh: NVCC.
Đang là một chàng trai tuổi 20 khỏe mạnh với bao ước mơ, hoài bão, phút chốc, tất cả bỗng hoàn toàn thay đổi. Sau khi điều trị ở quân đoàn, ông Tư được chuyển về Bệnh viện quân đội 175 ở miền Nam. Đến tháng 3 năm 1981, ông được chuyển về trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Mất 91% sức khỏe, là thương binh ¼, cho dù biết rằng mình còn may mắn hơn rất nhiều đồng đội đã ngã xuống, nhưng ông Tư mặc cảm, không bao giờ nghĩ tới chuyện xây dựng hạnh phúc riêng tư.
Nhưng rồi, hạnh phúc đã mỉm cười với ông, khi ông gặp cô gái điều dưỡng Nguyễn Thị Thanh Phương. Trước vẻ xinh đẹp, dịu dàng của cô điều dưỡng, trái tim của chàng trai tuổi 20 trong ông rung động. Nhưng lúc đó, ông chỉ nặng 38 - 39kg, sức khỏe yếu, ông mặc cảm, tự ti, buồn tủi.
Tình yêu thầm kín ông đành viết vào trang nhật ký, rồi làm thơ. Nhưng rồi, không chịu nổi những cảm xúc dào dạt trong lòng mình, một lần, ông đánh liều cầm tay người con gái mình yêu thổ lộ tình cảm, với suy nghĩ rằng, bị từ chối cũng được, miễn là nói được lòng mình. Nhưng không ngờ, bà Phương đồng ý, vì từ lâu bà cũng đã thương thầm người thương binh nghị lực này.
“Lúc đó, tôi biết nhà tôi là thương binh nặng, sức khỏe yếu, tôi rất thương anh, ngoài tình yêu còn có cả tình thương nữa, nên tôi đã quyết định xây dựng hạnh phúc cùng anh”, bà Phương chia sẻ.
Hạnh phúc vì tình cảm được chấp nhận, nhưng ông Tư cũng nói rõ hết những khó khăn của một thương binh nặng cho bà Phương nghe. Nhưng bà chấp nhận hết, đồng ý cùng ông vượt qua khó khăn để về một nhà.s
Vượt 40km đi hỏi vợ bằng xe lăn
Ông Phạm Hồng Tư chỉ vào chiếc xe lăn cho hay, đó chính là một kỷ vật gắn bó với tình yêu của ông. Chiếc xe có từ năm 1981, cứ hỏng lại hàn. Nhiều người muốn tặng cho ông một chiếc xe mới tốt hơn, hiện đại hơn nhưng ông từ chối.
“Đây là chiếc xe lăn tôi đã dùng để đi hỏi vợ. Hôm đó, tôi dậy sớm, đẩy xe lăn từ Thuận Thành về Khoái Châu, Hưng Yên, vượt 40 cây số đến nhà vợ. Nhà tôi đi xe đạp đằng trước, yên xe nối với xe lăn của tôi, dìu ông đi qua những đoạn đường xấu. Mới đầu còn đi nhanh, sau đi chậm, như đi bộ, phải 2 giờ chiều mới về đến nhà người đẫm mồ hôi”, ông Tư bồi hồi nhớ lại.
Chuyen tinh co tich cua chu re di xe lan… buoc day voi co dau-Hinh-3
 Ông Phạm Hồng Tư và vợ bên chiếc xe lăn - kỷ vật gắn với tình yêu cổ tích của hai người. Ảnh: NVCC.
Thế rồi, chiếc dây nối hai chiếc xe với mối tình đặc biệt ấy đã bền chặt, gắn kết hai cuộc đời cho tới tận bây giờ, vượt qua bao thử thách, trong đó, có cả gia đình hai bên.
Mới đầu, bố mẹ bà Phương cũng lo ngại, với tỷ lệ thương tật lên tới 91%, không còn khả năng lao động, không biết liệu chàng rể có thể mang lại hạnh phúc cho con gái mình hay không. Nhưng rồi, cảm động trước ý chí, nghị lực và tình cảm của hai con, bố mẹ bà Phương đã đồng ý.
“Giờ kể lại thì thấy giống như cổ tích, bởi đi hỏi vợ lại chỉ có mỗi mình “chú rể”, bố mẹ nhà trai, họ hàng không có ai. Tôi cũng nói rõ hoàn cảnh của mình với bố mẹ vợ, cũng may là ông bà thương, thông cảm”, ông Phương chia sẻ.
Tuy nhiên, trở ngại lớn hơn lại đến từ chính gia đình ông Phạm Hồng Tư. Ông Tư là con trai cả trong gia đình, bố mẹ ông muốn sau này ông về quê. Thế nhưng, bà Phương lại làm việc ở trung tâm tận Bắc Ninh, nên bố mẹ không chấp nhận. Ông bà cũng lo ngại, con trai sức khỏe yếu như thế thì liệu có thể xây dựng được hạnh phúc gia đình hay không. Nhưng cuối cùng, ông Tư cũng thuyết phục được bố mẹ mình. 
Thầy giáo “dạy tại giường”
Sau khi lấy nhau, vợ chồng ông Tư may mắn đã sinh được một cậu con trai kháu khỉnh. Nhưng kinh tế thời bao cấp khó khăn, chế độ tem phiếu cho thương binh và điều dưỡng viên đã đặt ra cho tổ ấm nhỏ khó khăn mới.
Hai vợ chồng xoay xỏa nuôi gà, nuôi lợn để cải thiện thêm thu nhập. Mỗi ngày, không quản ngại vất vả, ông đẩy xe lăn đi gom nước gạo, thân chuối về nấu cám cho lợn. Thớt thái chuối cũng được “sáng tạo” thêm trên tay vịn xe lăn. Thế nhưng, cũng chỉ hòa vốn. Chưa kể, còn có những lúc dịch bệnh, gà, lợn ốm chết.
Chuyen tinh co tich cua chu re di xe lan… buoc day voi co dau-Hinh-4
 Ông Tư còn sẵn sàng dạy nghề sửa chữa đồ điện cho những người muốn theo học, mà ông nói vui là “dạy tại giường”. Ảnh: NVCC.
Nhìn vợ vất vả lo cho chồng con, vừa việc cơ quan, việc nhà chồng chất, sức khỏe giảm, ông Tư xót xa trong lòng. Ông nghĩ tới “nghề” sửa ắc quy đã được học trong quân ngũ, bèn quyết định thu gom ắc quy hỏng về sửa rồi đem bán.
Sau khi nghề sửa ắc quy không còn mang lại nguồn thu tốt, ông học thêm nghề sửa quạt, máy bơm, máy biến thế cỡ nhỏ… Có chút năng khiếu và thôi thúc nỗ lực, tay nghề ông Tư sửa điện đã nổi tiếng cả vùng.
Ông Tư còn sẵn sàng dạy nghề sửa chữa đồ điện cho những người muốn theo học, mà ông nói vui là “dạy tại giường”.
Gia đình hạnh phúc, con trai ông cũng đã phương trưởng, ông Tư được đánh giá là điển hình của người thương binh “tàn nhưng không phế”.
Nhưng để có được điều đó, chính là nhờ vào tình yêu của “nhà tôi” – người bạn đời Nguyễn Thị Thanh Phương – đã cho ông nghị lực, sức mạnh vươn lên và niềm yêu tha thiết với cuộc sống.
“Qua nhiều năm sống với nhau, tình cảm của chúng tôi vẫn tha thiết, vẹn nguyên như thế. Tôi có được như ngày hôm nay, cũng là có công rất lớn của nhà tôi – tôi rất biết ơn bà ấy. Giờ tôi chỉ mong sao cả hai có sức khỏe để tiếp tục chăm sóc nhau”, ông Tư xúc động.

“Người ta hai người có hai đôi chân, chúng tôi chỉ có một đôi chân, thế nên phải cố gắng rất nhiều, Cuộc sống khó khăn không tránh khỏi những lúc này lúc khác, nhưng nhờ có tình yêu, chúng tôi vượt qua tất cả”, ông Phạm Hồng Tư chia sẻ.

  Mời quý độc giả xem video: "Chuyện tình thời chiến: Tín vật là gáo dừa". Nguồn: Dân Trí.

Mai Loan