Quả báo “cái chết trắng”
Là con út trong gia đình có 4 anh em, học hết lớp 12, Trần Thị Nhung cũng đã từng khao khát được ngồi trên giảng đường đại học. Nhưng rồi, do kinh tế gia đình thời điểm đó rất khó khăn nên Nhung đành gác ước mơ của mình và nghe theo chúng bạn đi buôn bán để có tiền phụ giúp cha mẹ. 22 tuổi, Nhung lặng lẽ gá nghĩa vợ chồng với người đàn ông hơn mình 4 tuổi mà không xe hoa, cũng không có áo cưới.
Một năm sau, Nhung sinh con trai đầu lòng đúng vào ngày 2.9, nên đặt tên con là Lương Quốc Khánh. Hai vợ chồng không nghề nghiệp ổn định, lại nuôi con nhỏ, nên lúc nào cũng túng thiếu.
|
Tử tù Trần Thị Nhung. |
Khi con trai nhỏ bước vào học cấp 1, Nhung bắt đầu tính chuyện ra Móng Cái nhập hàng quần áo, chăn ga về bán lẻ để kiếm lời. Được ít bữa, thấy kinh doanh các mặt hàng trên không có lãi, Nhung chuyển sang buôn bán điện thoại di động. Sau nhiều đêm ăn trực, nằm chờ ở vùng biên, Nhung cũng mua được ít điện thoại nhập lậu rồi mang về Hải Phòng để tiêu thụ. Mặc dù một vốn bốn lời nhưng vẫn không đủ chi tiêu cho sinh hoạt gia đình. Đồng vốn vay nặng lãi để đầu tư buôn bán cứ bị thâm hụt dần, Nhung không có khả năng thanh toán nợ, với số tiền đã lên tới vài trăm triệu đồng.
Lãi mẹ đẻ lãi con, khiến cuộc sống vợ chồng Nhung rơi vào cảnh ly tán. Năm 2003, Nhung và người chồng chấp nhận cảnh đường ai nấy đi. Đưa con trai nhỏ về nương nhờ mẹ đẻ, không có tiền chi tiêu, lo cho con ăn học, Nhung tiếp tục buôn chuyến để kiếm kế sinh nhai.
Mời độc giả xem video Chân dung người đàn bà độc ác bỏ thuốc chuột vào nồi bún riêu bán cho khách ở Sài Gòn (Nguồn: Tin 24/7):
Thế nhưng, tai họa ập đến cuộc đời người đàn bà này, đó là vào năm 2007, khi Nhung đang nhập dở chuyến hàng tại vùng biên thì nhận được hung tin, con trai gây trọng tội giết người. Lúc đó, “cậu ấm” duy nhất của thị mới tròn 15 tuổi. Tháng 3.2008, Lương Quốc Khánh bị kết án 11 năm tù, đồng thời tòa buộc gia đình phải bồi thường cho nạn nhân số tiền 125.000.000 đồng.
Ngày tiễn con vào trại giam, lòng người mẹ quặn đau. Thương con bao nhiêu, thị càng thương bản thân mình bấy nhiêu. Nhung nghĩ, chỉ có tiền để bồi thường cho gia đình nạn nhân mới hy vọng con trai được giảm án sớm trở về với gia đình. Để nhanh chóng kiếm được tiền, Nhung đã đánh liều gia nhập vào đường dây mua bán ma túy với số lượng lớn.
Cùng qua mối buôn bán, Nhung quen người phụ nữ tên Hương, ở Hà Đông, Hà Nội. Gặp và nói chuyện, Nhung biết Hương là “bà trùm” ma túy khét tiếng ở vùng biên chuyên nhập ma túy từ Việt Nam rồi tuồn sang Trung Quốc. Một lần, Nhung được Hương ứng trước 200 triệu để nhập ma túy cho ả hưởng lời. Tiếp đó, Nhung còn lần tìm được mối nhập “hàng trắng” từ Mộc Châu, Sơn La về Hải Phòng tiêu thụ. Do chưa có kinh nghiệm nhìn “hàng” nên có lần Nhung phải đi Sơn La đổi đi đổi lại 5 lần khi mua phải heroin kém chất lượng. Mỗi bánh ma túy bán trót lọt, qua mắt lực lượng chức năng, Nhung lãi 10 triệu đồng…
Nỗi day dứt muộn màng và bức tâm thư cuối cùng
Đầu năm 2011, tử tù Trần Thị Nhung gặp Nguyễn Kim Oanh (tức Oanh “cận” là bạn bè xã hội thân thiết từ trước). Oanh “cận” được Nhung cho vay ít tiền để trả nợ. Sau đó, Nhung bàn với Oanh lên Mộc Châu, Sơn La nhập ma tuý về bán kiếm lời. Nhung còn rủ thêm chị dâu là Hoàng Thị Tuyến, sinh 1963, ở phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân và hai cháu ruột con của Tuyến là Trần Đình Chung, Trần Thị Ánh Tuyến cùng tham gia vào đường dây của mình. Dắt dây nhau, Oanh “cận” còn rủ em trai là Nguyễn Mạnh Hùng, sinh 1972, ở C56 Trại Chuối, quận Hồng Bàng nhập vào mối làm ăn…
Trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 6/2011, tử tù Trần Thị Nhung và đồng bọn đã thực hiện 29 vụ mua bán ma túy, với 33 bánh heroin, trọng lượng trên 10,7kg.
Tuy nhiên, “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, hành tung và việc làm phi pháp của Nhung và đồng bọn đã bị lực lượng công an phát hiện. Lúc 8h ngày 6.6.2011, tại ngã tư Ắc Quy, xã An Đồng, huyện An Dương, tổ công tác Phòng PC47 qua kiểm tra xe máy của Nguyễn Mạnh Hùng, chở chị gái là Oanh “cận”, phát hiện trong cốp xe của Hùng có 10 chiếc dép xốp, trong các đế dép có 9 túi nilon đựng 974,68g ma tuý và 1 túi nilon chứa 198 viên ma tuý tổng hợp, trọng lượng 19,03g ma tuý “đá”.
Oanh “cận” khai số ma tuý trên là do Oanh mang từ Sơn La về giao cho Trần Thị Nhung. Từ lời khai của Oanh “cận”, cơ quan điều tra tiến hành bắt và khám xét nơi ở của Nhung, thu 1 gói đựng 0,14g ma tuý “đá”, 1 bộ dụng cụ sử dụng ma tuý, 1 xe máy, 3 điện thoại di động.
Ngày ra đứng trước vành móng ngựa, Nhung biết cái giá mà thị phải trả. Khi HĐXX tuyên Nhung mức án cao nhất là tử hình, biết rằng số phận coi như đã hết, thị không viết đơn kháng cáo xin tha tội chết. Nhung đã khóc cạn nước mắt vì hối hận về những lỗi lầm mình gây ra, nhưng tất cả đã quá muộn màng. Những ngày tháng trong buồng giam, Nhung thường tâm sự buồn vui với nữ tử tù Đỗ Thị Hằng, sinh 1981, ở quận Dương Kinh (Hằng cùng chung hoàn cảnh bị kết án tử hình về tội mua bán trái phép ma túy). Hai nữ tử tù này luôn động viên nhau chấp hành tốt nội quy của trại, nên cả hai đều không có biểu hiện chống đối cán bộ quản giáo…
|
Dòng thư cuối cùng của tử tù Trần Thị Nhung viết gửi gia đìn trước giờ thi hành án. |
Sau hơn 4 năm sống trong phòng biệt giam, ngày trả án của tử tù Trần Thị Nhung đã đến. Sáng sớm ngày 17.10, khi nghe cán bộ quản giáo gọi và sau đó tòa án công bố các quyết định thi hành án, Nhung vẫn giữ được bình tĩnh ăn uống đầy đủ theo quy định của pháp luật. Trước khi về với thế giới bên kia để trả giá cho tội ác gieo rắc “cái chết trắng” cho đồng loại, tử tù Nhung xin cán bộ quản giáo giấy trắng và bút để viết những dòng thư cuối cùng gửi về gia đình, mong sự tha thứ để mình ra đi được thanh thản…
Trong bức thư dài gần 3 trang giấy, gửi gia đình trước giờ thi hành án, tử tù Nhung đã viết: “Gia đình ơi, con có lỗi với gia đình, đã làm gia đình trong cảnh ly tán này. Con xin gia đình tha thứ cho con. Mẹ ơi, con là người con lúc nào cũng có hiếu với mẹ, chỉ buồn lúc mẹ tuổi già con không chăm sóc được mẹ, xin mẹ hãy tha thứ cho con. Các anh chị và các cháu ơi, em chỉ có mỗi Khánh thôi, em xin các anh chị và các cháu hãy giúp đỡ Khánh…”.
Xong lá thư, gửi lại cán bộ quản giáo nhờ chuyển giúp về gia đình, tử tù Trần Thị Nhung gửi lời chào và cảm ơn các thầy, cô, trong đó có cô Mến, cô Biển, là những nữ quản giáo trực tiếp trông giữ mình, trong suốt những ngày tháng sống ở buồng biệt giam. Trước khi lên xe về Trại giam số 1 CATP Hà Nội để thi hành án, tử tù còn nhờ cán bộ quản giáo gửi cho nữ tử tù Đỗ Thị Hằng một số vật dụng cá nhân, đó là kỷ vật cuối cùng của Nhung để lại cho bạn tù cùng cảnh ngộ, mong Hằng sẽ chấp hành nội quy của trại, để sống những ngày tháng còn lại có ý nghĩa hơn.
Theo Thành Đồng/Anhp.vn