Chuyện làm “ô sin”… cho khỉ giữa Thủ đô

Google News

(Kiến Thức) - Đến Vườn thú Hà Nội, khách tham qua sẽ dễ dàng bắt gặp những “ngôi nhà khỉ” với gần trăm chú khỉ thuộc 5 loài khác nhau.

Tuy nhiên, ít tai biết rằng, việc chăm sóc loài khỉ chẳng khác gì đi làm “ô sin” cho khỉ.
Chăm từ cái ăn đến cái chơi
Trong khuôn viên rộng rãi của Vườn thú Hà Nội, các ngôi nhà của khỉ nằm rải rác xen kẽ các chuồng thú khác. Trong thời tiết mát lành của buổi sáng sớm, những chú khỉ hớn hở, vui tươi đùa nghịch, chỗ này vài con đang đu dây, chỗ khác là một cặp đang vuốt ve, âu yếm nhau. Chỉ tay về phía một đôi khỉ đang ngồi “bắt chí” cho nhau, bà Hà Thu Phương, Giám đốc Xí nghiệp Chăn nuôi và Phát triển Động vật số 1 (thuộc Công ty TNHH 1 thành viên Vườn thú Hà Nội) cho biết, hiện vườn thú có gần 100 chú khỉ thuộc 5 loài gồm khỉ đuôi dài, khỉ vàng, khỉ mốc, khỉ mặt đỏ và khỉ đuôi lợn. Bà Hà Thu Phương kể, nhìn những chú khỉ hân hoan, bụ bẫm này ít ai có thể hình dung hết công việc chăm sóc khỉ vất vả đến như thế nào từ việc cho khỉ ăn gì, vệ sinh chuồng đến việc thăm khám, chăm bẵm… Mỗi khâu, mỗi việc đều rất vất vả.
 
Bà Phương kể, ngay như việc cho khỉ ăn, hoàn toàn không có chuyện có gì cho ăn nấy mà khẩu phần ăn của khỉ, thực đơn của khỉ luôn được tính toán tỉ mỉ và tuân theo quy trình khép kín, từ nguyên liệu đầu vào phải đảm bảo tươi ngon, đến khâu chế biến và giờ giấc cho khỉ ăn đều được đảm bảo đúng theo quy trình. Bà Phương cho biết, sau nhiều nghiên cứu, khẩu phần ăn cho khỉ hiện phải thực hiện đúng quy chuẩn là mỗi ngày gồm 5 lạng hoa quả, 2 lạng củ, 1 lạng rau (các loại tùy theo mùa, theo ngày), 1/2 quả trứng, một chút thịt luộc, các loại hạt như lạc, hướng dương…
Không chỉ có khẩu phần ăn phải đảm bảo đủ định mức, đủ dinh dưỡng mà việc “ăn thế nào” cũng là cả một “nghệ thuật”. Khỉ có tập tính là ăn rất nhanh, thức ăn vừa mang ra là chúng sẽ lao đến “cướp” thức ăn (sau đó, chúng sẽ đưa thức ăn vào túi dự trữ ở hai bên má để dành, lúc nào nhàn rỗi chúng sẽ lấy thức ăn từ túi dự trữ ra ăn). Tuy nhiên, việc lấy thức ăn quá nhanh sẽ khiến cho khỉ dễ bị nhàm chán vì sau khi lấy thức ăn, chúng chẳng có việc gì để làm. Việc “nhàn dỗi” quá nhiều khi lại khiến chúng chán nản, cáu bẳn. Vì vậy, để tạo niềm vui, tạo sự hứng thú hay nói vui là “tạo công ăn việc làm” cho khỉ, các nhân viên của vườn thú đã liên tục nghĩ ra các mẹo, các trò chơi để khỉ tham gia, ví dụ như để lạc trong một cái ống chỉ có một lỗ để hạt lạc rơi ra. Nếu muốn ăn khỉ phải xoay ống làm sao cho hạt lạc chui ra khỏi lỗ. Cách này vừa tạo niềm vui, tạo sự hứng thú cho khỉ, đồng thời cũng kích thích bản năng tự nhiên của khỉ. Để tạo không gian môi trường sống tốt nhất cho những chú khỉ, cán bộ công nhân viên chăm sóc luôn nghĩ ra những trò chơi phù hợp với đặc tính của loài như xích đu, dây văng, võng… mỗi năm một số lượng lớn cành cây được sưu tầm và mang vào lắp ghép cố định tại các khu nuôi, tạo môi trường thuận lợi cho những chú khỉ leo trèo nhảy nhót và nô đùa.
 
Trở thành “bố”, “mẹ” bất đắc dĩ
BS Thú y Phạm Đức Quang, Tổ trưởng Tổ Chăn nuôi thú tạp, một trong số những người hằng ngày “ăn, ở” với khỉ kể rằng, từ ngày làm ở vườn thú, anh là “người cha nuôi con mọn” của không biết bao nhiêu chú khỉ nhí. Vừa chỉ tay vào chú khỉ có cái tên rất nổi tiếng Ngộ Không, BS Thú y Phạm Đức Quang kể, đấy là một trong số những chú khỉ mà anh đã nuôi và chăm bẵm từ khi mới sinh do bị mẹ bỏ rơi.
Trong điều kiện nuôi nhất, mỗi năm khỉ cái đẻ 1 lần, mỗi lần một con, thời gian mang thai của khỉ là khoảng 6 tháng. Việc sinh nở của khỉ thật ra không phải quá phức tạp. Tuy nhiên, vẫn có những ca “khó”. Ví dụ, khỉ mẹ đẻ xong nhưng lại không tự cắn dây rốn mà cứ thế ôm con rồi chạy nhảy khắp nơi. Dây rốn loằng ngoằng rất nguy hiểm cho cả mẹ và con, vì thế nhiệm vụ của cán bộ chăm khỉ là phải cắt dây rốn cho khỉ. Tuy nhiên, việc cắt dây rốn tưởng như đơn giản, thực tế lại là công việc rất phức tạp bởi khỉ là loài khá khôn và tinh ranh, lại rất nhanh nên việc “tóm” được chúng là điều không dễ dàng. Và đủ mọi “chiêu trò”, từ trò chuyện, dụ dỗ đến sử dụng các dụng cụ để làm sao cắt được dây rốn được các cán bộ chăm khỉ nghĩ ra. Nhiều khi cắt xong rồi mà cả khỉ mẹ, khỉ con đều không hề phát hiện ra.
Chỉ vào một nàng khỉ con đang nhảy nhót và cười khanh khách với khách tham quan, BS Thú y Phạm Đức Quang kể tiếp, cắt dây rốn tuy không dễ dàng nhưng không “khoai” như việc chăm sóc khỉ sơ sinh… không khác gì chăm em bé. Thực tế, khỉ là loài yêu con, quấn con, nhưng trong một số trường hợp, khỉ mẹ cũng… từ chối con. Trong những trường hợp này khỉ con sẽ do các cán bộ của vườn thú chăm sóc và như thế, một cách rất tự nhiên, họ trở thành “bố”, “mẹ” của chúng. Khỉ sơ sinh sẽ được uống sữa giống như sữa dùng cho trẻ sơ sinh, thời gian uống cũng được tính toán sao cho khỉ không bị đói, thậm chí vào buổi đêm cũng phải có cán bộ trực để cho khỉ bú sữa bình. Rồi việc thay tã lót cho khỉ, nói là tã lót thì hơi quá. Tuy nhiên, để đảm bảo khỉ bé được sạch sẽ phòng tránh bệnh tật, các cán bộ phải lấy quần áo cũ trải xuống để cho khỉ nằm lên hoặc quấn quanh người, sau đó lại phải mang đi giặt, phơi phóng cho khô… “Chăm khỉ nhỏ, chẳng khác gì chăm con nhỏ ở nhà. Mà ở nhà còn có mẹ, có vợ chăm nên có khi không phải động tay vào việc giặt tã, cho con uống sữa. Chứ đến đây là phải làm hết, làm lâu cũng thành quen”, BS Thú y Phạm Đức Quang chia sẻ.
 
Bạn tâm giao
BS Thú y Phạm Đức Quang kể, với các cán bộ ở đây thì gần trăm chú khỉ đều là những người bạn, những đứa con thực sự. Chúng được đặt những cái tên rất ngộ nghĩnh như Tý, Phệ, Ngộ Không, Hai Ngón, Nhọ Mũi… và con nào có đặc tính gì ví dụ như hiền, tham ăn, hay cáu gắt, hoặc khi mang thức ăn xuống, con nào sẽ nhặt món gì trước… các cán bộ ở đây đều “thuộc” hết. Lý do là vì khỉ là loài rất thông minh, việc hiểu các đặc tính, tính cách của chúng sẽ giúp cho các cán bộ nhân viên của vườn thú chăm sóc khỉ một cách tốt nhất. “Nhiều người cũng hỏi, làm sao chúng tôi có thể kiên nhẫn và yêu thương chúng được khi chúng quá hiếu động, thậm chí là ghê gớm và sẵn sàng tấn công lại… Thực tế, khỉ cũng giống như con người, ai yêu thương chúng thì chúng cũng yêu thương lại. Nhiều khi nhìn chúng quấn lấy chúng tôi, thích được chúng tôi vuốt ve, âu yếm, cưng nựng là mọi mệt mỏi lại tan biến hết”.
“Một trong những khó khăn mà chúng tôi hay gặp phải là việc khách tham quan thường ném thức ăn như bim bim, bỏng ngô… cho khỉ. Việc này nhiều khi khiến chúng tôi rất “đau đầu”, bởi đây không phải là thức ăn phù hợp cho chúng. Ăn “linh tinh”, khỉ có thể mắc các bệnh về đường tiêu hóa chẳng hạn… Chúng tôi đã đặt biển báo, vậy mà vẫn có không ít du khách hồn nhiên ném thức ăn cho khỉ. Mà việc cho khỉ ăn thường xuất phát từ sự tò mò, hiếu kỳ hoặc mang tính giải trí của khách tham quan”. Bà Hà Thu Phương
Trong số 5 loài khỉ ở vườn thú, khỉ vàng là loài “đỏng đảnh” và khó nuôi nhất. Chỉ trong chuyện ăn, khỉ vàng ăn khá “khảnh”, chúng ăn ít và ăn rất có chọn lọc, ví dụ như nếu ăn trứng chúng chỉ ăn lòng đỏ, hay như ăn hoa quả, chúng gặm bỏ hết phần ngoài chỉ lấy một miếng nhỏ bên trong để ăn…
Đức Anh