Nhiều người vẫn gọi hai bà là “dị nhân” nhưng với hai bà, được sống cuộc sống ung dung tự tại, tự làm tự ăn, không phải va chạm với bên ngoài là điều hạnh phúc nhất. Nếu không hỏi và được chỉ dẫn tận tình chắc chúng tôi cũng chẳng thể mường tượng ra ốc đảo của hai chị em bà Nguyễn Minh Ngọc và bà Nguyễn Thị Môn.
Giữa một cánh đồng lúa rộng lớn mênh mông nổi lên một gò đất um tùm rậm rạp. Những cây cổ thụ lâu năm che lấp cả hai ngôi nhà nhỏ của gia đình bà Ngọc khiến nhìn từ xa, nơi ở của hai chị em bà như một vùng rừng rậm bỏ hoang. Con đường mòn dẫn vào ốc đảo cũng hoang vắng, heo hút chẳng kém gì.
Thế nhưng khi vào đến ốc đảo, chúng tôi thực sự ngạc nhiên bởi ở đó lại là một thế giới khác hẳn. Không khí thoáng đãng, trong lành, chim chóc kéo về ca hót véo von. Giữa ốc đảo là cả một trang trại rộng lớn có đầy đủ vườn rau, ao cá, cây ăn quả… do chính hai chị em bà Ngọc gây dựng nên.
Khác hoàn toàn sự tưởng tượng về những “người rừng” xa lạ, sống cuộc sống nguyên thủy, sự mến khách, dễ tính của hai chị em bà Ngọc khiến chúng tôi hoàn toàn bất ngờ. Dù đang bận sửa sang lại nhà cửa nhưng bà Ngọc vẫn nhiệt tình dẫn chúng tôi đi thăm quan khắp ốc đảo và mời những thứ hoa quả ngon nhất trên ốc đảo.
Trong câu chuyện bên chén nước ấm ngày đông, bà Ngọc kể rằng, bà sinh ra trong một gia đình nghèo ở Thanh Hóa, là con thứ 2 trong một gia đình có 7 anh em. Năm 1948, gia đình bà theo cha chuyển ra Bắc sinh sống để tiện cho công việc khám chữa bệnh bằng thuốc nam của ông. Cha bà vốn là một thầy lang nổi tiếng khi ấy bởi khả năng chữa bệnh giỏi và tấm lòng nhân ái.
Khi giặc Pháp càn quét, gia đình bà tản cư về vùng đất Lập Thạch này sinh sống tạm thời. Nhưng rồi chiến tranh kéo dài liên miên, cuối cùng, cha bà quyết định lập nghiệp ở nơi này. Mới đầu ông chỉ mua một nửa ốc đảo này để làm nơi sinh sống của đại gia đình. Về sau, em trai bà mới bỏ tiền mua nốt nửa còn lại.
Nhà có 7 anh em thì 2 anh đi bộ đội hy sinh. Người anh cả sống ở ngay cùng thôn với hai bà. Còn lại đều mưu sinh ở xa. Gần một năm nay, người em thứ 5 mới về sinh sống cùng hai chị em bà ở ốc đảo rộng lớn này.
Thời trẻ, bà Ngọc cũng nổi tiếng là một người con gái đẹp người đẹp nết. Vừa là giáo viên dạy giỏi ở Phú Thọ, vừa có tài làm thơ, viết văn, bà Ngọc cũng được nhiều chàng trai để ý và theo đuổi, thế nhưng bà chẳng ưng đám nào. Sau khi xin nghỉ hưu sớm, bà trở về Lập Thạch sinh sống cùng em gái là bà Nguyễn Thị Môn.
Từ khi các anh chị đi lập nghiệp nơi khác, một mình bà Môn ở lại ốc đảo trông nom nhà cửa, ruộng vườn. Ngày ấy, khu vực quanh ốc đảo này hoang vu, hẻo lánh lắm. Trộm cắp, nghiện ngập luôn rình rập người dân. Để bảo vệ tài sản và bảo vệ chính mình, bà Môn nuôi cả một đàn chó dữ.
Cuộc đời của bà Môn cũng trắc trở, truân chuyên chẳng kém gì chị gái. Thời trẻ bà cũng đã từng có một tình yêu đẹp nhưng rồi mọi lời hứa hẹn chỉ là thoáng qua. Người đàn ông bỏ ra đi khi đứa con chưa kịp chào đời. Bà Môn ở vậy nuôi con khôn lớn ngay trên mảnh đất ông cha để lại.
Khi ấy các anh chị đều đi lập nghiệp ở nơi xa, một mình bà vừa trông chừng cả ốc đảo, vừa chăm con. Bây giờ anh con trai đã khôn lớn, trưởng thành, hiện đang là giáo viên ở trong thành phố Hồ Chí Minh. Dù xa xôi, cách trở, nhưng thi thoảng anh vẫn trở về ốc đảo thăm mẹ và bác của mình.
Thời gian đầu mới về sống cùng em gái, bà Ngọc thường xuyên đi ra ngoài ốc đảo. Vốn có kiến thức về y học được truyền lại của ông cụ thân sinh, cứ đi đâu thấy thảo dược có thể chữa bệnh và ăn được, bà lại mang về trồng hết trên ốc đảo.
Vừa có kiến thức về y học, vừa tự trồng trọt, sản xuất, chăn nuôi, tự cung, tự cấp, lại được tận hưởng không khí trong lành trên ốc đảo, nên hơn 50 năm nay, hai bà chẳng bao giờ mất một viên thuốc.
Không những thế, hai bà còn có sức khỏe để làm hẳn một trang trại đầy đủ đồ ăn sạch cung cấp cho gia đình. Chẳng mấy khi hai chị em phải ra đến chợ mua thức ăn bởi trong nhà lúc nào cũng có đồ ăn sẵn. Có khi rau trồng nhiều không ăn hết lại đem tặng cho hàng xóm. Cá đánh bắt được nhiều cũng đem đi cho.
Điều đặc biệt bà Ngọc không dùng nước mưa hay nước máy mà chỉ dùng nước giếng khơi. Bà bảo trên ốc đảo này có 3 cái giếng thì duy nhất giếng ở giữa ốc đảo là nước sạch nhất. Cẩn thận hơn bà còn đem nước giếng đi kiểm tra thì được đánh giá là một trong hai chiếc giếng sạch nhất, ít ô nhiễm nhất ở thôn Ngọc Liễn này, vì thế bao năm nay hai chị em bà không biết đến ốm đau có lẽ cũng là do uống nước giếng sạch mà chẳng cần đun sôi.
Để tăng thêm thu nhập cũng như tạo thú vui cho chính mình, bà Ngọc còn nuôi rất nhiều bò và chim bồ câu, gà tre. Bà tự hào khoe đôi chim câu giống mà bà mang tận miền Nam về để nhân giống hơn chục năm nay. Từ đôi chim ấy, chúng tự sản sinh ra cả một đàn chim lớn là nguồn thu nhập chính cũng như cung cấp thức ăn cho gia đình.
Thời gian đầu, nhiều người thấy hai bà sống tách biệt trên ốc đảo nên cũng kì thị lắm. Họ gọi hai bà là “người rừng”, là “dị nhân”. Nhưng rồi sự vui vẻ, nhiệt tình, tốt tính gần gũi của bà Ngọc và bà Môn khiến họ dần thay đổi ý nghĩ. Giờ đây ốc đảo của hai bà còn là nơi được nhiều người dân trong thôn, xã thích thú tìm đến để trò chuyện, thư giãn, tận hưởng không khí trong lành của một khu du lịch sinh thái đúng nghĩa.
Bận rộn công việc đồng áng, trang trại nhưng bà Ngọc vẫn nhiệt tình tham gia Hội Nhà văn của tỉnh Vĩnh Phúc. Ngày làm việc, tối vẫn ngồi viết văn, viết thơ để gửi đăng báo. Những bài thơ của bà đều là những cảm xúc rất chân thật về cuộc sống xung quanh, về những triết lý nhân sinh quan mà bà đã từng trải nghiệm.
Nhiều người khuyên hai bà nên tìm một khu đất nhỏ để chuyển hẳn vào ở trong thôn cho đỡ vất vả bởi cứ trời mưa bão, cả ốc đảo lại chìm trong biển nước, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Muốn ra hay vào đều phải chèo thuyền. Vất vả, khó khăn nhưng với hai bà, cuộc sống vô tư, thanh thản, không phải lo nghĩ sợ va chạm ảnh hưởng đến người khác và đặc biệt sức khỏe luôn được đảm bảo, chính là cuộc sống hạnh phúc và đủ đầy nhất.
Theo Cảnh sát toàn cầu