Trung tá Đào Trung Hiếu (Thạc sĩ, chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an) cho rằng, trong hoạt động điều tra hình sự, những “đại án” được bắt đầu, khai thông từ những vụ việc nhỏ như vụ đại gia Nguyễn Xuân Đường, tức Đường "Nhuệ" ở Thái Bình.
Có những "đại án" bắt đầu từ vụ việc nhỏ
Vừa qua, Công an tỉnh Thái Bình đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam với Nguyễn Xuân Đường (tức Đường "Nhuệ", 49 tuổi) cùng vợ là Nguyễn Thị Dương (40 tuổi) để điều tra về tội Cố ý gây thương tích.
Trung tá Đào Trung Hiếu cho rằng, qua nắm tình hình dư luận tại chỗ, việc bắt giữ đại gia Đường “Nhuệ” được người dân Thái Bình ủng hộ và tin tưởng vào quyết tâm trấn áp tội phạm của Ban lãnh đạo mới Công an tỉnh này.
Điều đó giống như sự kỳ vọng của người dân Đồng Nai đối với ngành Công an tỉnh này, sau những cuộc ra quân tấn công vào các đường dây, hang ổ tội phạm trong thời gian gần đây.
Ông Hiếu cho hay, nói điều này để thấy vụ án “Nguyễn Xuân Đường cùng đồng bọn” có thể không dừng lại ở phạm vi một vụ án cố ý gây thương tích đơn thuần. Vì ngay sau khi nhóm này bị bắt giữ, có rất nhiều thông tin trên mạng xã hội và báo chí phản ánh những hành vi vi phạm pháp luật của họ xảy ra trong những năm vừa qua tại Thái Bình, nhưng chưa được phát hiện, điều tra làm rõ.
Qua những thông tin đó, có thể hình dung đây là một ổ nhóm hoạt động kiểu xã hội đen, lộng hành, công khai. Dư luận và báo chí phản ánh ổ nhóm này đã thực hiện nhiều hành vi nguy hiểm, như hoạt động tín dụng đen cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng… Đặc biệt là những hành vi sai phạm về đấu giá đất đai…
“Một số người “hiểu chuyện” tại Thái Bình đã kể với tôi về những thủ đoạn mua đấu giá đất “bách phát, bách trúng” của Bất động sản Đường Dương”, ông Hiếu nói. Chẳng hạn như việc sử dụng lực lượng côn đồ, giang hồ xã hội đen để chèn ép, hăm doạ buộc các nhà thầu khác phải “bán sới” khỏi các cuộc đấu giá đất.
Nhân sự việc lần này, vụ hành hung gây thương tích đối với bà Đinh Thị Lý xảy ra ngay tại trụ sở Công an phường Trần Lãm, TP Thái Bình vào sáng 18.11.2014, đã bị tạm đình chỉ điều tra vào năm 2015, cũng đã được báo chí “xới xáo” lại…
Trong hoạt động điều tra hình sự, đã có những “đại án” được bắt đầu, khai thông từ những vụ việc nhỏ. Bằng hành động trấn áp ổ nhóm tội phạm này, ông Hiếu tin rằng đây sẽ là bước “đột phá khẩu” để Công an tỉnh Thái Bình điều tra mở rộng, làm rõ hàng loạt các vấn đề khác có liên quan.
Vỏ bọc của tội phạm
Từng có nhiều năm công tác trong lĩnh vực điều tra hình sự, trực tiếp đấu tranh khám phá một số băng ổ nhóm tội phạm, ông Hiếu nhận thấy việc các tổ chức tội phạm hoạt động dưới vỏ bọc công ty, doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh hợp pháp đang rất phổ biến trong xã hội hiện nay.
Trong quá trình hoạt động, nhằm tạo dựng các mối quan hệ với cán bộ, công chức làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước để thuận lợi trong công việc làm ăn, hay để che giấu đi những hoạt động phạm tội trong thế giới ngầm, họ cần những bộ mặt “sạch sẽ”.
Khi đó, không gì dễ dàng hơn là việc tích cực tham gia vào các hoạt động từ thiện, nhân đạo, cùng với công nghệ “lăng xê” qua nhiều hình thức.
Ông Hiếu ví dụ, một số ổ nhóm tội phạm trước đây, như Dương Văn Khánh tại Hà Nội, Nguyễn Ngọc Minh (tức Minh "Sâm") cầm đầu tại Bắc Ninh… trước khi bị triệt phá, đều rất nổi tiếng về các hoạt động từ thiện, nhân đạo, mạnh tay tài trợ cho các cuộc quyên góp ủng hộ vì cộng đồng.
Đối với ổ nhóm tội phạm vừa bắt tại Thái Bình, từ những thông tin đã được dư luận và báo chí phanh phui trong mấy ngày qua, có lẽ cần phải nhìn nhận, đánh giá lại động cơ thực sự của những hoạt động từ thiện đó.
Theo Lao Động