Chuyên gia Nga cũng "thảo luận" về ý tưởng cải tiến chữ Quốc ngữ

Google News

Đề nghị của PGS-TS Bùi Hiền "cải thiện" chữ viết tiếng Việt những ngày này được thảo luận rộng rãi không chỉ ở Việt Nam mà cả trong giới chuyên gia Nga.

Một trăm năm trước, người Nga từng đối mặt với cải cách tương tự nhưng ở quy mô nhỏ hơn. Tháng 5 năm 1917, Chính phủ lâm thời đã loại khỏi bảng chữ cái tiếng Nga chỉ ba chữ cái và thay bằng những chữ đã có với âm tiết tương tự. Cải cách này diễn ra nhanh và không gặp rắc rối.
Đề xuất cải thiện chữ viết tiếng Việt của ông Bùi Hiền có qui mô lớn hơn nhiều, giảm một số chữ của bảng chữ cái cái hiện nay và đưa vào một số chữ mới, thay đổi hoàn toàn cách phát âm một số chữ trong tiếng Việt, giảng viên cao cấp tiếng Việt tại trường MGIMO, bà Svetlana Glazunova nêu nhận xét trong cuộc phỏng vấn với Sputnik.
"Tôi không thể coi đó là việc làm nghiêm túc," bà nói. "Bảng chữ cái tiếng Việt ngày nay là sự hình thành đã quen thuộc của các âm tiết trong tiếng Việt, hình ảnh các từ, bảng chữ cái. Đề xuất của Bùi Hiền tối thiểu cũng là điều lạ thường. Khi đã có thực tiễn sử dụng lâu dài, để thay đổi cái gì đó cần phải có những lập luận rất xác đáng."
"Là một giáo viên dạy tiếng Việt, tôi không thấy lý do gì để cải cách. Áp dụng đề xuất của ông Bùi Hiền sẽ tạo ra rất nhiều khó khăn: với cách phát âm các chữ cái mới, hàng chục triệu người học lại bảng chữ cái, tái bản khối lượng lớn các tài liệu. Tất cả để làm gì? Tôi đã thảo luận về đề nghị của ông Bùi Hiền với các sinh viên của tôi, những người dễ dàng đọc báo chí Việt Nam và phản ứng chung là: đề xuất này giống như một trò đùa xấu. Nó có rất nhiều nhược điểm và không có ưu điểm."
Nhà văn Châu Hồng Thủy, người nhiều năm sống vào làm việc tại Moskva, trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi cho biết, trên mạng xã hội rất nhiều người chế nhạo PGS-TS Bùi Hiền.
"Trên các mạng xã hội Việt Nam đang thảo luận rộng rãi về đề xuất của Bùi Hiền. Nhiều người chế nhạo, gọi tác giả là kẻ ngốc và tâm thần. Tôi không miệt thị Bùi Hiền, nhưng tôi hoàn toàn không ủng hộ đề nghị của ông ta. Tôi nghĩ nó vô nghĩa và không thể thực hiện. Hoàn toàn là một con số không.
Tác giả dường như không hiểu bản chất của các vấn đề nêu ra. Hệ thống chữ viết Việt Nam hiện nay được hình thành trong nhiều thế kỷ, bất chấp một số nghịch lý, từ lâu nó đã trở nên quen thuộc với tất cả mọi người. Nó thấm vào máu và da thịt, vào tâm hồn con người Việt Nam.
Thử hình dung theo ý kiến của Bùi Hiền, các tác phẩm văn học xuất sắc trước đây, các tài liệu của đảng và nhà nước sẽ được viết như thế nào? Bao nhiêu thời gian, công sức và tiền bạc cần để in lại bằng hệ chữ cái "cải tiến" như ý tưởng của Bùi Hiền, để dạy mọi người hiểu bảng chữ cái này? Và quan trọng nhất, lý do cần thiết để thực hiện điều đó?", ông Châu Hồng Thủy nói.
Theo Sputnik