Chuyên gia gợi ý cách sắp xếp nguyện vọng dễ trúng tuyển nhất

Google News

Mỗi thí sinh chỉ có một lần duy nhất được thay đổi nguyện vọng trúng tuyển nên việc sắp xếp ra sao giữa các ngành với thứ tự nguyện vọng là điều rất quan trọng.
 

Trước thực tế này, TS Lê Chí Thông - trưởng phòng Đào tạo, ĐH Bách khoa TP.HCM - đã có lời khuyên cho thí sinh.
Ví dụ, một thí sinh đạt 22 điểm vẫn có thể đăng ký như sau:
- NV1 vào ngành có điểm chuẩn năm ngoái là 24.
- NV2 vào ngành có điểm chuẩn năm ngoái là 23.
- NV3 vào ngành có điểm chuẩn năm ngoái là 22.
- NV4 vào ngành có điểm chuẩn năm ngoái là 21.
- NV5 vào ngành có điểm chuẩn năm ngoái là 20.
- NV6 vào ngành có điểm chuẩn năm ngoái là 19...
Chuyen gia goi y cach sap xep nguyen vong de trung tuyen nhat
Thí sinh dự thi THPT quốc gia. 
Điều quan trọng phải lưu ý khi điều chỉnh nguyện vọng:
- Phải đăng ký nguyện vọng theo thứ tự ngành yêu thích và trường yêu thích, vì nếu nguyện vọng cao hơn đã trúng tuyển thì các nguyện vọng thấp hơn sẽ không được xét trúng tuyển cho dù thí sinh có mức điểm cao hơn điểm chuẩn.
- Phải chọn đúng ngành yêu thích, đừng vì trường yêu thích mà cố gắng chọn ngành dễ đậu nhưng lại không muốn học sau này.
- Phải có ít nhất 1 nguyện vọng có mức điểm chuẩn năm ngoái thấp để đảm bảo cơ hội trúng tuyển.
“Nếu điểm trúng tuyển ngành không phân biệt tổ hợp môn xét tuyển (như ĐH Bách Khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM), thí sinh phải điều chỉnh để chọn tổ hợp môn có tổng điểm cao nhất. Nếu điểm trúng tuyển ngành có phân biệt theo tổ hợp môn xét tuyển (có một số trường quy định như vậy, cần xem thông tin trên trang web tuyển sinh của trường và trang thituyensinh.vn để biết), thí sinh nên điều chỉnh theo cách dùng 2 (hoặc nhiều hơn) nguyện vọng, mỗi nguyện vọng dùng 1 tổ hợp môn thi khác nhau”, ông Thông nhấn mạnh.
Cũng theo ông Thông, điểm trúng tuyển là điểm của thí sinh thấp nhất trong danh sách thí sinh trúng tuyển theo số lượng chỉ tiêu đã quy định.
“Như vậy, thông thường các trường xác định danh sách thí sinh trúng tuyển theo số lượng chỉ tiêu đã quy định, rồi từ đó thông báo điểm trúng tuyển. Điểm trúng tuyển sẽ phụ thuộc vào 3 yếu tố: số chỉ tiêu của ngành, số lượng thí sinh đăng ký vào ngành và mức điểm của các thí sinh này.
Các trường đại học xác định điểm trúng tuyển không phụ thuộc thứ tự nguyện vọng (tuy nhiên thứ tự nguyện vọng là quan trọng đối với thí sinh)”, ông Thông nói.
Ông Thông ví dụ thí sinh A đạt 26 điểm và đăng ký ngành Khoa học máy tính ở nguyện vọng 1 và đăng ký ngành Điện - Điện tử ở nguyện vọng 2, thí sinh B cũng đạt 26 điểm nhưng đăng ký ngành Điện - Điện tử ở nguyện vọng 1 và ngành khoa học máy tính ở nguyện vọng 2.
Nếu điểm trúng tuyển ngành Khoa học máy tính là 26 điểm và ngành Điện - Điện tử là 27 điểm thì cả 2 thi sinh A và B đều trúng tuyển ngành Khoa học máy tính.
Nếu điểm trúng tuyển ngành Khoa học máy tính là 26 điểm và ngành Điện - Điện tử là 25 điểm thì thi sinh A trúng tuyển ngành Khoa học máy tính và thí sinh B trúng tuyển ngành Điện - Điện tử.
Theo Nguyễn Dũng / Tiền Phong