Đất nước đã giải phóng mấy chục năm nhưng những sự kiện bi tráng tạc vào tâm thức và trái tim của nhân dân yêu nước Việt Nam mãi mãi không phai mờ, trong đó có sự kiện trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988.
Thiên sử bi hùng tạc vào lòng người
Tháng 3, Khánh Hòa bước vào mùa khô. Những cơn gió hanh hao thổi rát mặt. Khu tưởng niệm các chiến sỹ Gạc Ma đang gấp rút xây dựng ở bán đảo Cam Ranh (Khánh Hòa) như lặng buồn - nỗi buồn của những người đang sống.
Họ, những thân nhân của liệt sỹ hy sinh trong trận chiến đấu, bảo vệ đảo Gạc Ma từ khắp vùng miền đổ về mang theo khát vọng khu tưởng niệm sẽ nhanh hoàn thành, sẽ là nơi hội tụ đánh thức lòng yêu nước, niềm tự hào của triệu triệu trái tim.
“Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma là sản phẩm kết tinh nguyện vọng thân nhân các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong trận chiến 14/3/1988, của các đoàn viên công đoàn, ngư dân, cựu chiến binh và chiến sĩ hải quân, nhân dân Việt Nam yêu nước. Đây lẽ là điểm đến để tưởng nhớ các chiến sỹ đã hy sinh oanh liệt” - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng chia sẻ.
Sáng 14/3/1988, quân đội Trung Quốc dùng vũ lực tấn công chiếm đóng đảo Gạc Ma. Cuộc chiến không cân sức diễn ra khi các chiến sĩ Hải quân Việt Nam không hề có vũ khí trong tay đã đứng thành vòng tròn để lấy thân mình bảo vệ chủ quyền của đất nước, quyết tâm giữ và cắm lá cờ Tổ quốc khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại đảo Gạc Ma. 64 chiến sĩ đã hy sinh, 11 chiến sĩ bị thương... Máu và thân xác các anh đã hòa cùng sóng biển nhưng tấm gương dũng cảm, mưu trí bảo vệ chủ quyền Tổ quốc của các anh sẽ mãi là những thiên sử anh hùng, bất diệt.
|
Cựu chiến binh Lê Hữu Thảo mãi mãi không quên được trận chiến Gạc Ma. |
Cựu chiến binh Lê Hữu Thảo - một trong những chiến sỹ may mắn còn sống sót, trong nhiều lần trở lại Khánh Hòa chia sẻ: “Chưa khi nào tôi quên được hình ảnh ngày 14 tháng 3 năm 1988. Hình ảnh của những đồng đội tôi chiến đấu theo tiếng gọi của Tổ quốc cho đến hơi thở cuối cùng. Ngược lại với điều đó là tội ác dã man của quân Trung Quốc khắc ghi vào tâm thức tôi. Ngày 11/3/1988, chúng tôi lên tàu HQ 604 đến Gạc Ma với nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng đảo, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam".
Ông Thảo thở dài kể tiếp: "Sau 2 ngày đêm vượt mọi gian khó trên biển, chiều 13/3 tàu HQ 604 đến Gạc Ma. Khoảng gần một tiếng sau, tàu của Trung Quốc tiến đến. Mỗi chúng tôi đều khẳng định Gạc Ma thuộc chủ quyền của Việt Nam, yêu cầu tàu Trung Quốc rút khỏi đây nhưng họ vẫn hung hăng muốn lấn chiếm lãnh hải chủ quyền Việt Nam. Sáng ngày 14/3, quân Trung Quốc chính thức tấn công chúng tôi. Chúng tôi có 27 lính chiến đấu, trong khi đó Trung Quốc có đến hàng ngàn lính thủy quân, 3 tàu khu trục và 1 tàu hộ vệ tên lửa".
"Chúng ta chỉ có tàu vận tải nhỏ không trang bị vũ khí. Cuộc chống chọi diễn ra ác liệt nhưng lực lượng quá chênh lệch nên đã có 64 chiến sỹ hy sinh. Trận chiến ấy với chúng tôi mãi mãi là thiên sử anh hùng. Dã tâm của Trung Quốc cùng sự gian ác của từng binh lính hôm ấy vẫn mãi ám ảnh tôi cho đến tận bây giờ” - ông Thảo cho biết thêm.
Cụ Hoàng Dỏ trong một lần vào Khánh Hòa nhìn ngắm sóng nước mênh mông bộc bạch những lời như rút từ đáy sâu gan ruột của mình. Tim ông như sống dậy nhiều cảm xúc khác thường. Như nghe được những âm thanh của đất trời, của mênh mông sóng nước có chất chứa cả âm thanh của những linh hồn của các chiến sỹ đã hy sinh. Rồi ông nghĩ đến sự hy sinh thiêng liêng của con ông cũng như các đồng đội khác là vì Tổ quốc nên tinh thần ông bớt trĩu nặng.
Cụ Dỏ quê gốc ở thôn Tân Định, xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) có con trai là liệt sỹ Hoàng Văn Túy, hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma năm 1988. Cụ bảo sự hy sinh của con cụ cũng như các chiến sỹ khác với cụ là niềm kiêu hãnh. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày linh thiêng ấy cụ lại làm giỗ cho con mình cùng các đồng đội của anh”.
Biểu tượng của lòng quả cảm, thiêng liêng
Khu tưởng niệm các liệt sỹ hy sinh trong trận chiến Gạc Ma đang được gấp rút xây dựng, đây sẽ là biểu tượng của tinh thần kiên trung chiến đấu vì chính nghĩa của các chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ông Đặng Ngọc Tùng khẳng định: Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma sau khi hoàn thành sẽ trở thành biểu tượng của lòng yêu nước, ý chí quật cường của quân và dân ta, biểu tượng của tình đoàn kết dân tộc Việt Nam với khát vọng giữ vững độc lập, chủ quyền, an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước. Đồng thời cũng góp thêm một công trình văn hóa, điểm tham quan giáo dục truyền thống ở bờ biển Nha Trang.
|
Bà Nguyễn Thị Hằng (mẹ liệt sỹ Hoàng Ánh Đông) đại diện cho nhiều bà mẹ thể hiện sự xúc động lẫn tự hào. |
Bà Nguyễn Thị Hằng, mẹ của liệt sĩ Hoàng Ánh Đông, đến từ Quảng Trị trong lần về thăm khu tưởng niệm các liệt sỹ Gạc Ma đang xây dựng trỗi dậy nhiều nỗi niềm: “Các đồng đội còn sống kể lại, con chúng tôi bị lính Trung Quốc - những kẻ gây chiến hòng xâm lược chủ quyền bắn giết hết sức dã man. Không biết giờ này thân xác của con tôi đang nằm ở đâu dưới đáy biển Đông. Lòng những người sinh thành nhiều lúc thấy quặn đau lắm. Nhưng giờ đây có khu tưởng niệm này rồi thì linh hồn con tôi và đồng đội sẽ có nơi để trở về, mọi người có nơi để tưởng nhớ. Điều đó làm ấm lại lòng người còn sống và khơi dậy lòng yêu nước, quyết tâm chiến đấu của bao thế hệ người Việt Nam".
"Chúng ta thà hy sinh chứ nhất quyết không để kẻ thù xâm lược”. Mẹ Nguyễn Ngò, mẹ của liệt sỹ Nguyễn Bá Cường cũng chia sẻ: “Khu tưởng niệm này còn là lời nhắc nhở về những âm mưu của kẻ thù bất chấp mọi đạo lý để xâm chiếm chủ quyền của chúng ta. Thấy khu tưởng niệm Gạc Ma này cũng là để nhìn thấy được hình ảnh con mẹ đâu đó. Đau đớn bao nhiêu thì tự hào bấy nhiêu. Sự thật mãi mãi là sự thật, các thế hệ con cháu sau này cũng sẽ mãi không quên sự kiện ấy”. - bà Hằng gạt nước mắt chia sẻ.
Sau ngày bi thương ấy, mấy chục năm nay, cựu chiến binh Lê Hữu Thảo vẫn miệt mài đi tìm và thăm hỏi gia đình các đồng đội đã hy sinh của mình. Anh bảo, bạn mình đã hy sinh cho mình được sống. Dù có khổ đến đâu cũng phải an ủi người thân của họ. Anh luôn tâm niệm với lòng mình thà hy sinh chứ không thể đầu hàng. Công trình khu tưởng niệm các chiến sỹ Gạc Ma hình thành, lòng anh Thảo cũng thấy vui hơn vì những người thân của các đồng đội anh sẽ có nơi để tưởng nhớ, để cầu nguyện. Thân thể của họ tan vào sóng nước, nhuộm đỏ lòng kiên trung của nhân dân Việt Nam.
|
Cuộc sống của thân nhân các liệt sỹ được xã hội hỗ trợ, quan tâm. |
Chị Trần Thị Thủy (con gái liệt sĩ Trần Văn Phương ở Cam Nghĩa, Cam Ranh, Khánh Hòa) không giấu được những nỗi niềm xúc động cho biết: “Cha tôi hy sinh khi tôi vừa cất tiếng khóc chào đời được ít ngày. Từ đó mẹ tôi chật vật bươn trải khắp nơi để nuôi tôi. Tôi lớn lên dần và ngày nào mẹ cũng ôm tôi vào lòng kể chuyện về cha với niềm mong mỏi có nơi tưởng nhớ cha và đồng đội mình. Dẫu thân xác cha tan vào sóng nước thì khu tưởng niệm này sẽ làm ấm lòng chúng tôi. Tôi vẫn dạy các con mình sau này nếu đất nước cần hãy sẵn sàng lên đường đi chiến đấu. Hãy noi gương cha mình. Dẫu có hy sinh cũng không bao giờ chùn bước trước kẻ thù".
"Các con tôi rất tự hào được là con của liệt sỹ Gạc Ma. Gần đây gia đình cũng nhận được sự quan tâm của địa phương, dẫu chưa nhiều”. Những ngày rảnh rỗi, chị Thủy còn tìm đến các gia đình của liệt sỹ Gạc Ma như một sự kết nối, một sự sẻ chia.
Bà Đỗ Thị Hà (vợ liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh) cũng chung dòng tâm sự như vậy. Bà Hà tâm sự: “Cưới nhau được ít ngày, anh ấy lên đường nhận nhiệm vụ rồi tin dữ báo về đã hy sinh. Từ đó đến nay trong lòng tôi luôn hướng về phía biển cầu cho linh hồn các anh luôn trở về phù hộ cho các đồng đội khác. Giờ có khu tưởng niệm này, những lời gửi gắm ấy càng ý nghĩa hơn”.
Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma được xây dựng trên vùng đất rộng 2,5ha thuộc bán đảo Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 150 tỷ đồng. Công trình bắt đầu khởi công ngày 14/3/2015. Kinh phí xây dựng tượng đài được đầu tư từ nguồn đóng góp của tổ chức Công đoàn và tất cả công nhân lao động trên cả nước. Đồng thời, công trình cũng nhận được sự đóng góp của nhiều cơ quan, đơn vị và các nhà hảo tâm của đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước.
Theo Pháp luật Việt Nam