Trong ngành y có những bác sỹ không kê đơn, không được bệnh nhân nhớ đến và phải làm việc trong môi trường xác chết thối rữa, độc hại; đó là những bác sỹ pháp y, thường xuyên tiếp xúc với tử thi, tìm nguyên nhân của những cái chết uẩn khúc. Công việc của họ không chỉ thầm lặng mà còn bị không ít người xung quanh kỳ thị, xa lánh. Họ thường không được chào đón ở những cuộc vui hoặc vào những ngày Tết, thậm chí có trường hợp không được vợ con chào đón khi vừa mổ xác xong…
|
Công việc khám nghiệm tử thi của những bác sỹ giám định pháp y. |
Một trong những khó khăn, vất vả của nghề giám định pháp y là luôn bị động trong công việc. Khi xảy ra những cái chết tức tưởi, nhiều nghi vấn cũng là lúc họ nhận lệnh vào cuộc khám nghiệm tử thi phục vụ điều tra vụ án. Bất ngờ lên đường làm nhiệm vụ nhưng họ cũng không biết trước khi nào công việc sẽ kết thúc.
Bác sỹ Ngô Hường Dũng, Phó Viện trưởng Viện Giám định pháp y quốc gia cho biết, chân lý và pháp lý đòi hỏi giám định viên luôn phải nghiêm túc, thận trọng, tỉ mỉ trong công việc, từ việc xác định mô tổn thương, vị trí mổ trên tử thi, lấy mẫu xét nghiệm đến các công đoạn khác trong phòng xét nghiệm. Để tìm ra sự thật, giám định viên phải làm việc rất căng thẳng như một thám tử.
Có những đêm chợt nghĩ ra chi tiết gì đó liên quan đến vụ án liền bật dậy ghi chép hoặc với những vụ tử vong do súng đạn, giám định viên phải lấy mình làm vật giả định, tưởng tượng ra vị trí bắn, đường đạn và các tình huống có thể xảy ra... Bên cạnh đó còn phải cẩn trọng khi khám nghiệm tử thi để không bị lây các bệnh truyền nhiễm như: lao, viêm gan B, HIV... Giám định viên không chỉ làm được mà còn nói được, tức là phải trau dồi năng lực chuyên môn và kiến thức pháp luật vững vàng để bảo vệ kết quả giám định trước tòa, nếu không sẽ đuối lý trước luật sư.
Bác sỹ Ngô Hường Dũng cho biết, trong quá trình làm nghề luôn phải kiên định để giữ gìn y đức: “Y đức nghề pháp y quan trọng lắm. Đó là một môi trường làm việc đứng giữa 2 làn nước. Một bên là bị hại luôn muốn có những tình tiết tăng nặng, nhưng bên kia lại muốn giảm trách nhiệm hình sự. Có những vụ chúng tôi đi làm, cả hai bên cùng làm cơm mời giám định viên. Lúc đó 2 giờ chiều rồi đói lắm, lại đang ở trong rừng nhưng vẫn quyết định không ăn cơm của bên nào, mà vào rừng ăn sắn”.
Vất vả là thế nhưng những người làm nghề giám định pháp y còn bị kỳ thị, xa lánh. Việc họ suốt ngày tiếp xúc với tử thi khiến nhiều người xung quanh sợ giáp mặt, không dám bắt tay, không dám ngồi gần hoặc e ngại khi gặp vía lúc sáng sớm, mở hàng. Thậm chí giám định viên còn không được chào đón tại những cuộc vui.
Phó Viện trưởng Viện Giám định pháp y quốc gia Ngô Hường Dũng cho hay, trong hơn 30 năm làm nghề pháp y, ông nhận được không ít lời yêu cầu tế nhị, ngụ ý rằng đừng đến nhà chúc Tết, đừng đến dự đám cưới của những người thân quen và của lãnh đạo trong ngành.
Còn bác sỹ Nguyễn Hồng Long, Trưởng phòng Tổ chức Viện Giám định pháp y Quốc gia cho biết, thời kỳ mới vào nghề, có lúc anh cao hứng kể cho người yêu về thành tích nghề nghiệp của mình. Nghe xong, cô bạn gái đó đã tìm cách một đi không trở lại với tình yêu của anh. Sau này, khi yêu và cưới, bác sĩ Long không bao giờ kể cho vợ nghe về công việc thường ngày.
Tuy nhiên, cũng có những bác sỹ khác bị vợ tra hỏi đến cùng, đành phải nói ra sự thật. Sau đó, dù được thông cảm phần nào nhưng cũng phải “nếm mùi cách ly” bằng các điều kiện mà bà xã đưa ra như: sau khi mổ xác phải ở lại cơ quan hoặc nếu có về nhà thì không được gần gũi vợ con trong vài ngày.
|
Bác sỹ Ngô Hường Dũng - Phó Viện trưởng Viện Giám định pháp y quốc gia. |
Ngay chính những người trong nghề cũng bị ám ảnh sau những lần mổ xác, nhiều ngày sau, không dám ăn thịt hoặc món xương hầm. Bác sỹ Nguyễn Hồng Long tâm sự: kỷ niệm khó quên nhất là lần anh tham gia khai quật mộ để khám nghiệm một xác chết đã chôn 2 năm: “Vụ đó xảy ra ở Vĩnh Long, khai quật tử thi đã chôn 2 năm. Trước đó tôi chưa làm lần nào nên sau đó có thêm kinh nghiệm, nhưng lúc đó phải ngửi mùi thối rữa của xác chết kinh lắm. Có người không quen, đêm toàn nằm mơ thấy chân, tay của người chết. Ám ảnh lắm!”.
Hiện nay, chế độ đãi ngộ đối với giám định viên đã được quan tâm hơn. Mức phụ cấp 20.000 đồng mỗi lần mổ xác trước đây, nay đã nâng lên tiền triệu. Tuy nhiên, điều băn khoăn nhất hiện nay của lãnh đạo Viện Pháp y quốc gia là nhiều năm qua, tại Đại học Y Hà Nội, không có sinh viên nào theo học chuyên ngành này. Mặc dù Bộ Y tế cho phép đặc cách trong tuyển dụng và Viện từng tuyển những bác sỹ chuyên ngành khác về, sau đó cử đi học, cầm tay chỉ việc, nhưng hiện nay vẫn chưa đủ biên chế. Chưa kể một số người sau khi được tuyển dụng nhưng không chịu được áp lực công việc đã bỏ nghề hoặc chuyển sang công việc khác như giám định tổn thương cơ thể, giám định tổn hại sức khỏe do thương tích, giám định ADN, xét nghiệm ma túy, hóa chất trong cơ thể...
Giám định pháp y đến nay vẫn là nghề được ít người hiểu và thông cảm. Tuy nhiên, nhiều bác sỹ vẫn thầm lặng cống hiến, tâm huyết với nghề để làm phúc cho đời và bảo vệ công lý, góp phần vào sự bình yên của xã hội.
Theo Văn Hải/VOV News