|
Học sinh trong một trò chơi hoạt động trải nghiệm. Ảnh: Nguyễn Hà.
|
Bà Thoa cho biết, từ trước đến nay các nhà trường vẫn tổ chức cho học sinh tăng cường các hoạt động trải nghiệm, tuy nhiên các hoạt động này chưa thường xuyên, bài bản. Bất cứ nền giáo dục nào cũng có hoạt động trải nghiệm song song với dạy học, đặc biệt các nước phát triển rất chú trọng các hoạt động này với nhiều tên gọi khác nhau. Khi học sinh được tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm được tổ chức tốt sẽ hình những kỹ năng sống cần thiết.
Cụ thể, sẽ có 4 nhóm nội dung hoạt động trải nghiệm bao gồm: hoạt động phát triển cá nhân, hoạt động lao động, hoạt động xã hội - phục vụ cộng đồng và hoạt động hướng nghiệp. Các nhóm nội dung này được triển khai thực hiện thông qua 4 loại hình hoạt động trải nghiệm vốn không mấy xa lạ với học sinh trong các nhà trường hiện nay như: sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, hoạt động giáo dục theo chủ đề, hoạt động theo từng CLB.
Khi đó, các hoạt động sẽ được chia theo nhóm để nhà trường tổ chức cho học sinh tham gia, như nhóm liên quan đến các hoạt động tình nguyện, vì cộng đồng; Nhóm hoạt động mang tính khám phá như đi thực địa, tham quan, dã ngoại; Nhóm hoạt động mang tính thể nghiệm giúp trẻ nhập vai sân khấu hóa nhân vật và cuối cùng là nhóm các hoạt động như nghiên cứu khoa học, những dự án nhỏ học sinh có thể tham gia theo sở thích, mong muốn.
Với những nhóm nội dung như trên, tùy theo độ tuổi, cấp học để chương trình thiết kế các hoạt động phù hợp. Ở bậc tiểu học, học sinh sẽ được chú trọng phát triển cá nhân, giúp hình thành các kỹ năng sớm. Lên đến THCS, học sinh dần tăng các hoạt động xã hội và phục vụ cộng đồng. Đặc biệt, đến THPT thì tăng các hoạt động giáo dục hướng nghiệp.
Tuy nhiên, PGS. TS Kim Thoa cũng cho biết, chương trình mang tính mở, do đó ở chương trình khung, nhóm soạn thảo mới chỉ đưa ra những gợi ý về nội dung, còn phần chi tiết thì do các nhóm tác giả và nhà trường xây dựng thành các bộ tài liệu dạy học để giáo viên tham khảo. Với các hình thức hoạt động trải nghiệm sáng tạo định hướng cá nhân và hoạt động tập thể đều sẽ có tài liệu hướng dẫn kỹ cho giáo viên. Ví dụ, học sinh sẽ có tài liệu hướng dẫn thao tác để các em được giới thiệu qua là có thể thực hiện được ngay. Khi thực hiện nhiều lần sẽ hình thành kỹ năng của bản thân.
Liệu có giáo viên riêng cho hoạt động trải nghiệm?
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại Hà Nội cho rằng, lâu nay các hoạt động trải nghiệm đã không còn xa lạ với học sinh, đặc biệt tại Hà Nội. Ngay từ mẫu giáo, trẻ đã được đưa đi tham quan bảo tàng, xem múa rối nước, rạp xiếc, thậm chí đến các trang trại để trải nghiệm các hoạt động như trồng rau, cho gà, vịt ăn. Lên tiểu học, học sinh được đi tặng quà cho trẻ em nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, trải nghiệm các hoạt động về đồ thủ công mỹ nghệ... Ở THCS và THPT học sinh được đi tham quan các di tích lịch sử. Tuy nhiên, công tác tổ chức đều do các trường và giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn đảm nhiệm.
Vì yếu tố đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh nên các hoạt động trải nghiệm khi rời khỏi nhà trường bao giờ cũng được chuẩn bị, lên kế hoạch ngay từ đầu năm học. Trong đó bao gồm cả kế hoạch về tài chính, xin ý kiến phụ huynh, công tác tổ chức, phương án đảm bảo an toàn, thời tiết... khi đó mới được thực hiện. Vì thế, trong năm học, các hoạt động trải nghiệm chưa thể tổ chức được thường xuyên. Một vấn đề đặt ra là nếu trong chương trình mới, hoạt động trải nghiệm được coi là chương trình bắt buộc với thời lượng khoảng 3 tiết/tuần thì đội ngũ sẽ dựa vào nguồn đào tạo mới hay giáo viên hiện có? “Nếu chỉ dựa vào giáo viên hiện có thì cần phải bồi dưỡng bài bản và có tài liệu hướng dẫn cụ thể để đạt được mục tiêu môn học”, vị hiệu trưởng này nói.
Cô Nguyễn Thụy Anh, giáo viên môn Lịch sử tại Hà Tĩnh cho biết, ngoài các bài học trên sách vở, lâu nay học sinh thường xuyên được đưa đến các di tích lịch sử để được học và trải nghiệm thực tế. Các môn học khác như Văn, Giáo dục công dân cũng được lồng ghép kiến thức thực tế và trải nghiệm sáng tạo. Khi đưa học sinh ra hoạt động ngoài nhà trường phải làm rất nhiều việc, trong khi người hướng dẫn các hoạt động này vẫn chỉ là giáo viên bộ môn và giáo viên chủ nhiệm lớp học. Chưa kể, các hoạt động ngoại khóa hiện nay do trường tổ chức đều phải có sự đồng thuận của phụ huynh. Có phụ huynh lo sợ các vấn đề xe cộ, ăn uống không đảm bảo an toàn họ cũng không cho đi. Vì vậy, nhà trường yêu cầu nhóm tổ chức luôn phải đặt yếu tố an toàn lên đầu tiên. Nếu các hoạt động trải nghiệm được đưa vào chương trình chính thức sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
Bà Kim Thoa cho rằng, khi được đào tạo trong trường sư phạm, sinh viên đã được giáo dục cả hai nội dung dạy học và giáo dục. Vì vậy, bất cứ giáo viên nào hiện nay ngoài việc dạy học cũng đều tham gia đảm nhận việc hướng dẫn hoạt động sáng tạo cho học sinh. Chưa kể, lâu nay trong các trường, đội ngũ cán bộ Đoàn, Hội... cũng là lực lượng có chuyên môn để đảm trách hướng dẫn các hoạt động trải nghiệm chung. Tuy nhiên, khi đưa vào chương trình, giáo viên sẽ được bồi dưỡng, tập huấn thêm.
Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 đều được tham gia hoạt động trải nghiệm, trong đó ở cấp 2, cấp 3 được gọi là hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp. Khi đưa vào chương trình mới, được xây dựng chi tiết hướng tới năng lực chung được cụ thể hóa vào các hoạt động trải nghiệm, theo chương trình khung đã công bố.
Theo Nguyễn Hà/Tiền Phong