Gần đây trên địa bàn Thủ đô liên tiếp xảy ra những vụ cháy nhà cướp đi sinh mạng của nhiều người dân. Trong đó, một nguyên nhân không nhỏ khiến cho việc chữa cháy, cứu người gặp khó khăn đến từ việc các ngôi nhà được hàn khung sắt, quây “chuồng cọp” kiên cố. Do những ngôi nhà được hàn sắt, quây “chuồng cọp” nên khi xảy ra hỏa hoạn người trong nhà không thoát được ra ngoài, lực lượng chức năng khó tiếp cận hiện trường.
|
Việc hàn sắt, quây "chuồng cọp" diễn ra nhan nhản ở Thủ đô Hà Nội. |
Dù nguy hiểm, nhưng theo ghi nhận của PV báo Người Đưa Tin, việc hàn khung sắt quây quanh nhà cũng như việc cơi nới nhà theo kiểu “chuồng cọp” đang diễn ra phổ biến tại Thủ đô.
Khắp các địa bàn đâu đâu cũng dễ dàng bắt gặp những ngôi nhà kiểu này. Điều đáng nói, những khu nhà chung cư, tập thể cũ hay tại những ngôi nhà tầng được xây dựng lâu đời nên việc quây sắt kiên cố xung quanh giúp cho việc chống trộm cắp đột nhập vào ngôi nhà nhưng cũng vô tình làm bịt lại lối thoát nạn khi xảy ra hỏa hoạn. Do vậy, khi có cháy các nhà này chỉ có một lối thoát duy nhất là cửa chính tầng 1. Trong khi đó, nếu hỏa hoạn lửa hầu hết đều bắt từ dưới lên do đó việc thoát nạn càng khó khăn.
Dù vậy khi được hỏi ý kiến nhiều người dân sống tại các ngôi nhà này đều tỏ ra khá thờ ơ. Anh Đoàn, một cư dân sống tại chung cư C3 - Nghĩa Tân (Cầu Giấy) nơi có nhiều “chuồng cọp" chia sẻ: “Theo dõi những thông tin về vụ cháy gần đây tôi cũng nhận thấy việc hàn chuồng cọp là không nên. Thế nhưng làm chuồng cọp cũng vừa giúp căn nhà tăng diện tích sử dụng cũng như chống trộm do đó dù biết làm sai nhưng nhiều gia đình như chúng tôi vẫn phải làm”.
Cùng ý kiến, bà Sơn, một hộ dân khác có nhà quây kiểu “chuồng cọp” trên đường Trần Cung chia sẻ: “Nếu không quây lên thì ở phố nhà này dễ dàng trèo sang nhà kia…”.
Trao đổi với PV, Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm – Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhận định: “Việc quây sắt, cơi nới chuồng cọp rất phổ biến ở Hà Nội. Điều này vừa giúp người dân chống trộm cắp lại gia tăng được diện tích sử dụng”.
|
Khu vực Cầu Giấy việc quây chuồng cọp diễn ra nhan nhản. |
Theo ông Liêm chia sẻ, việc quây sắt đa phần được thực hiện do người dân tự ý còn trong thiết kế những ngôi nhà thì hoàn toàn không có việc này. Tuy nhiên, nếu quây sắt người dân nên cắt để mỗi tầng 1 cửa thoát hiểm đề phòng sự cố. “Cửa này khi không dùng có thể đóng lại và khi xảy ra cháy có thể mở ra làm đường thoát nạn”, ông Liêm cho hay.
Ông Liêm cũng nhấn mạnh, qua những vụ cháy diễn ra để lại hậu quả đau lòng thì lực lượng PCCC cơ sở và các ngành chức năng cần phải vào cuộc tuyên truyền, khuyến nghị người dân, kiểm tra, xử lý những nhà "chuồng cọp"… hướng dẫn cách hàn khung sắt để không tái diễn những vụ việc như vừa qua.
Trao đổi với PV, lãnh đạo phòng Cảnh sát PCCC số 1 cho biết, việc ngôi nhà hàn khung sắt kiên cố cùng với ngõ nhỏ khiến lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn trong việc dập lửa cứu người. Lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC số 3 (phụ trách địa bàn Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm) cũng nhận định, việc hàn khung sắt kiên cố có tác dụng chống trộm nhưng nó cũng là yếu điểm khi xảy ra hỏa hoạn đối với người dân.
Trong khi đó, một cán bộ Thanh tra Xây dựng địa bàn Hà Nội chia sẻ, việc người dân làm những khung sắt chống trộm kiên cố như trên là do tự ý. Đối với những ngôi nhà nhỏ thì không có quy định về việc bắt người dân không được hàn khung sắt.
Theo Nhất Nam/Người Đưa Tin