Chung cư nội đô dày đặc, Hà Nội bị Thủ tướng phê bình

Google News

Cho rằng việc xây chung cư trong nội đô dày đặc là không phù hợp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu lãnh đạo Hà Nội “không được để như thế”.

Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương triển khai nhiệm vụ kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017 chiều nay (28/12), Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho hay năm 2016, kinh tế thủ đô tăng trưởng nhanh.
Hà Nội: Cấp phép tràn lan, chung cư cao tầng dày đặc
Cụ thể, theo ông Chung, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 8,2% so với năm trước.
Năm 2016, Hà Nội đã thu hút vốn đầu tư xã hội cao nhất từ trước đến nay với tổng số vốn đăng ký ngoài ngân sách ước đạt 432.286 tỷ đồng (tính đến ngày 25/12). Trong số trên, hơn 415 triệu USD là vốn đăng ký của doanh nghiệp đầu tư vào thị trường chứng khoán còn 2,7 tỷ USD là vốn FDI.
Chung cu noi do day dac Ha Noi bi Thu tuong phe binh
Thủ tướng cho rằng do cấp phép tràn lan nên chung cư ở nội đô Hà Nội dày đặc. Ảnh: Hoàng Hà.
Tuy vậy, ông Nguyễn Đức Chung thừa nhận sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn. Vệc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế. Các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm còn ít. Việc kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn còn chậm, chưa quyết liệt.
Lãnh đạo Hà Nội cam kết sang năm 2017 sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, khởi tạo, phấn đấu GRDP đạt 8,5-9%. Ngoài ra, tốc độ tăng vốn đầu tư phát triển cũng phấn đấu có thể đạt 11-12%, tốc độ kim ngạch xuất khẩu là 4-5%.
Đánh giá cao những kết quả đạt được, Thủ tướng lưu ý Hà Nội cần có giải pháp hiệu quả để giảm ùn tắc giao thông.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng một trong những nguyên nhân ùn tắc là Hà Nội cấp phép xây dựng quá nhiều chung cư cao tầng trong nội đô.
“Đây là việc không phù hợp. Nguyên nhân là cấp phép tràn lan và tôi yêu cầu không được để như thế”, Thủ tướng chỉ đạo.
TP. HCM: Phấn đấu 2017 có 50.000 doanh nghiệp mới
Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đánh giá năm 2016, kinh tế thành phố tăng trưởng khá. GRDP đạt 8,05%, đạt mục tiêu đề ra và ở mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Kết quả này tạo tiền đề để thành phố phấn đấu đạt, vượt chỉ tiêu GRDP 8,5% trong giai đoạn 2016-2020.
Đóng góp chính vào sự tăng trưởng GRDP của thành phố là các ngành nghề, dịch vụ như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, du lịch, thương mại, vận tải - kho bãi, logictics, viễn thông – thông tin truyền thông, bất động sản, y tế kỹ thuật cao, giáo dục đào tạo. Ngoài ra, số này còn có 4 ngành công nghiệp trọng yếu: cơ khí – chế tạo, điện tử, công nghệ thông tin, hóa chất nhựa, chế biến lương thực, thực phẩm…
“Chúng tôi đang hoàn thành đề án để trở thành trung tâm tài chính của khu vực, xây dựng kế hoạch hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo”, ông Phong nói.
Năm 2016, thành phố đã bố trí gói tín dụng 1.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp, ưu tiên cho các doanh nghiệp trẻ, hỗ trợ đầu tư mạo hiểm…; 2.000 tỷ từ ngân sách thành phố để kích cầu doanh nghiệp đổi mới trang thiết bị trong sản xuất. Đồng thời, việc tổ chức nhiều buổi đối thoại với doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước để giải quyết những khó khăn, vướng mắc của họ về vốn, thủ tục đầu tư, thuế, hải quan…, kết nối ngân hàng, doanh nghiệp cũng sẽ được tiến hành.
Theo báo cáo của lãnh đạo TP.HCM, có 36.000 doanh nghiệp thành lập mới trong năm nay, tăng 12,7% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký tăng 35,8%. Thành phố quyết tâm đến năm 2020 có 500.000 doanh nghiệp nên riêng năm 2017 sẽ phát triển mới 50.000 doanh nghiệp.
Để làm được điều này, ông Phong kiến nghị Chính phủ xây dựng các hàng rào kỹ thuật... nhằm hỗ trợ tích cực cho các ngành hàng non trẻ trong nước trước thách thức hội nhập. Ngoài ra, việc hoàn thiện Nghị định về phân cấp ủy quyền cho thành phố, bảo đảm thành phố có cơ chế thực sự hiệu quả để phát triển; ưu tiên vốn ngân sách, vốn ODA xây dựng các công trình giao thông trọng điểm; chính sách phát triển vùng cũng được đặt ra.
Đáp lại lời thỉnh cầu của Chủ tịch UBND TP.HCM, Thủ tướng phát biểu: “Chính phủ rất quan tâm tới TP.HCM và luôn tạo điều kiện cho thành phố phát triển”.
Trong chiều nay, lãnh đạo nhiều địa phương khác cũng đã báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội trong năm 2016.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái kiến nghị sớm xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành; chấp thuận kéo dài tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên đến Đồng Nai; kinh phí xử phạt an toàn giao thông; cơ chế xây dựng nhà ở xã hội phục vụ công nhân,...
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh xin hỗ trợ kinh phí bồi thường giải tỏa để triển khai dự án ở Vân Phong; quản lý hoạt động du lịch;...
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Xuân Đông xin triển khai gói tín dụng nông nghiệp công nghệ cao; bổ sung vốn cho một số dự án giao thông quan trọng; dự án xử lý ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy...
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu kiến nghị điều chỉnh quy hoạch khu công nghiệp Chu Lai; rà soát, nghiên cứu, điều chỉnh các quy định theo hướng tăng phân cấp, ủy quyền cho địa phương trong một số lĩnh vực (nông thôn mới, giảm nghèo);...
Đại diện tỉnh Hải Phòng kiến nghị một số về xây dựng Cảng quốc tế cửa ngõ Hải Phòng.   
>>> Video: Bảo vệ nhà bằng 100km băng dính:
Theo Kiều Vui/Zing.vn