Chiều 13-8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19. Tại cuộc họp, đại diện Bộ Y tế cho biết tình hình dịch tại TP HCM đã bước đầu có những dấu hiệu tích cực sau thời gian triển khai quyết liệt các biện pháp theo Chỉ thị 16/CT-TTg (Chỉ thị 16 của Thủ tướng).
Phải bảo vệ vững chắc vùng xanh
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, các địa phương lân cận TP HCM như Bình Dương, Đồng Nai, Long An có nguy cơ bùng phát dịch rất cao. Nếu không quyết liệt thực hiện các biện pháp chống dịch mạnh mẽ, tình hình dịch sẽ diễn biến phức tạp. Một số địa phương có số lượng lớn trường hợp đi về từ vùng dịch, có thể vẫn chưa được giám sát, quản lý triệt để, dễ dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch. Hà Nội cơ bản kiểm soát được tình hình, tuy nhiên nguy cơ vẫn ở mức cao do nhiều ca bệnh được phát hiện trong cộng đồng, chưa rõ nguồn lây, xuất hiện rải rác tại nhiều địa điểm trên địa bàn và đã ghi nhận các ca mắc tại chợ, siêu thị, các cơ sở sản xuất...
Thảo luận những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn chống dịch trên cả nước trong thời gian qua để đưa vào kịch bản ứng phó dịch bệnh tới đây, các thành viên Ban Chỉ đạo cho rằng điều quan trọng là phải bảo vệ vững chắc vùng an toàn (vùng xanh), đồng thời bao vây, thu hẹp vùng nguy cơ cao (vùng cam), rất cao (vùng đỏ). Công tác xét nghiệm phải trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm khoa học, hiệu quả, tiết kiệm. Đối với các khu vực đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nếu cần xét nghiệm tầm soát cộng đồng ở những thời điểm nhất định, phải thực hiện lấy mẫu đại diện gia đình, xét nghiệm mẫu gộp; dành nguồn lực xét nghiệm để tăng tần suất đối với khu vực bệnh viện, các đối tượng nguy cơ cao (phải di chuyển ra khỏi nhà), người cao tuổi, có bệnh nền...
Về điều trị, kinh nghiệm từ TP HCM và một số tỉnh phía Nam cho thấy phải tách riêng khu tiếp nhận ban đầu đối với người mắc Covid-19 không có triệu chứng, chưa được coi là bệnh nhân, từ đó có phương án chăm sóc phù hợp về thể chất và tinh thần, nhằm giảm tỉ lệ F0 chuyển sang có triệu chứng. Nhiều địa phương sử dụng các cơ sở có sân chơi, không gian thoáng để các F0 không triệu chứng có không gian vận động, cải thiện sức khỏe.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh vai trò quan trọng của tầng điều trị thứ 2, thường đặt tại các cơ sở y tế tuyến quận - huyện, để giảm nhẹ ca mắc, không để chuyển nặng, khả năng cứu sống bệnh nhân nhiều hơn.
Người dân Đà Nẵng mua thực phẩm dự trữ. Ảnh chụp sáng 13-8 tại chợ Đống Đa, TP Đà Nẵng. Ảnh: Bích Vân
Bình Dương, Đà Nẵng vẫn khó
Cùng ngày, tại Bình Dương, Công ty CP Đại Nam hoàn thành việc tiêm vắc-xin đúng tiến độ cho 12.000 công nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp đăng ký sản xuất "3 tại chỗ" trong các KCN Sóng Thần II và Sóng Thần III.
Trước đó, Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) đã hỗ trợ Ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Dương tổ chức hoàn thành việc tiêm vắc-xin cho gần 40.000 công nhân đang làm việc ở các doanh nghiệp đăng ký sản xuất "3 tại chỗ" tại VSIP Bình Dương. Nhiều doanh nghiệp Bình Dương mong muốn Chính phủ cấp thêm vắc-xin để tiêm cho công nhân nhằm bảo đảm sản xuất.
Trong ngày, Đà Nẵng ghi nhận thêm 16 ca mắc Covid-19 ngoài cộng đồng, trong đó có 12 ca liên quan chợ đầu mối Hòa Cường. Chuỗi lây nhiễm ở chợ này đã hình thành và có nguy cơ cao, ghi nhận 18 ca mắc trong 2 ngày, chủ yếu là tiểu thương tại chợ.
Trước tình hình số ca mắc Covid-19 tăng ngoài cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Đà Nẵng đã xây dựng kịch bản ứng phó, dự kiến bắt đầu thực hiện từ ngày 16-8. Theo đó, người dân được yêu cầu tuyệt đối không ra khỏi nhà, theo phương châm "ai ở đâu thì ở đó". Trường hợp đi làm tại công sở, nhà máy, doanh nghiệp thì bắt buộc thực hiện "3 tại chỗ".
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cho biết dự kiến kịch bản trên thực hiện trong 7 ngày tới để ngành y tế xét nghiệm, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, sớm đưa thành phố trở lại trạng thái bình thường. Khi thực hiện kịch bản trên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng phải xây dựng kế hoạch xét nghiệm và khắc phục những bất cập trong việc lấy mẫu lâu nay. Kế hoạch xét nghiệm mới phải nghiên cứu dựa trên số lượng công dân được cấp giấy đi đường trong thời gian qua và công dân đang làm việc để đánh giá tổng quan về tình hình dịch bệnh.
Nói thêm về kịch bản trên, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, nhấn mạnh đã giãn cách thì không đi đâu, trường hợp ra khỏi nhà sẽ bị xử lý nghiêm.
Theo Ngọc Dung - Thành Đồng - Bích Vân/Người Lao Động