Chào Xuân Quý Mão 2023, Báo Tri thức và Cuộc sống xin giới thiệu bài viết của TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
|
TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. |
“Tự mình”
Năm 1927, trong cuốn Đường Kách Mệnh, khi bàn về người cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập ba mối quan hệ: 1/Tự mình phải; 2/ Đối với người phải và 3/ Làm việc phải.
Về lý luận và thực tiễn, “đối với tự mình” là nói đến yếu tố chủ quan, yếu tố bên trong; còn “đối với người” là nói đến yếu tố khách quan, yếu tố bên ngoài. Triết học mácxít chỉ ra rằng, yếu tố chủ quan- yếu tố bên trong là yếu tố đóng vai trò quyết định.
Bác Hồ của chúng ta đã nêu cụ thể, rất kỹ và rõ về 14 tiêu chuẩn “tự mình phải”. Đó là cần kiệm, hòa mà không tư, cả quyết sửa lỗi mình, cẩn thận mà không nhút nhát, hay hỏi, nhẫn nại, hay nghiên cứu xem xét, vị công vong tư, không hiếu danh, không kiêu ngạo, nói thì phải làm, giữ chủ nghĩa cho vững, hy sinh, ít lòng tham muốn về vật chất và bí mật.
Người chỉ rõ với từng người phải khoan thứ, với đoàn thể thì nghiêm, có lòng bày vẽ cho người, trực mà không táo bạo và hay xem xét người - đó chính là 05 chuẩn mực quan hệ “Đối với người phải”.
Còn trong “Làm việc phải”, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ 04 tiêu chuẩn: xem xét hoàn cảnh kỹ càng, quyết đoán, dũng cảm và phục tùng đoàn thể.
“Tự mình không đánh thắng được khuyết điểm của mình, mà muốn đánh thắng kẻ địch, tự mình không cải tạo được mình, mà muốn cải tạo xã hội, thì thật là vô lý”, Bác Hồ từng nói và chi tiết hơn: “Muốn đánh thắng chủ nghĩa đế quốc là kẻ thù trên thế giới, muốn đánh thắng thực dân phong kiến là kẻ thù trong nước thì trước hết phải đánh thắng lòng tà là kẻ thù trong mình; phải chính tâm tu thân mới có thể trị quốc bình thiên hạ”.
Theo đó, có thể nhận thấy, trong tất cả mối quan hệ ở mọi thời kỳ, mỗi người phải xử sự, xử thế các mối quan hệ: tự mình, đối với người, đối với việc; nếu không tự biết mình thì khó mà biết người; muốn biết đúng sự phải trái ở người ta thì trước phải biết đúng sự phải trái ở mình.
Một bộ phận con người hiện nay thấy khó thì ngã lòng, không hiểu rằng nước chảy đá mòn và có công mài sắt, có ngày nên kim. Việc gì khó mấy, quyết tâm làm thì làm chắc được, ít người làm không nổi, nhiều người đồng tâm hiệp lực mà làm thì phải làm nổi. Một ngày làm chưa xong, thì nhiều ngày quyết tâm làm sẽ xong. Đời này làm chưa xong thì đời sau nối theo làm, phải xong.
Muốn đồng tâm hiệp lực, muốn bền gan, thì mỗi người phải hiểu rõ vì sao mà phải làm, vì sao mà không làm không được, vì sao mà ai ai cũng phải gánh một vai, vì sao phải làm, không nên người này ngồi chờ người khác. Có như thế mục đích mới đồng, chí mới đồng, tâm mới đồng và biết cách làm thì làm mới chóng.
Tác phẩm Đường Kách Mệnh được ra đời vào năm 1927, là tập hợp những bài giảng của Nguyễn Ái Quốc cho các khóa huấn luyện học viên của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Đây là giai đoạn chuẩn bị những điều kiện cần thiết để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm đề cập nhiều đến vấn đề xác định chuẩn mực đạo đức, tư cách một người cách mạng - những hạt nhân cốt của Đảng, tham gia trực tiếp vào sự nghiệp đầy gian khổ, hy sinh, nhưng vẻ vang của dân tộc.
“Tự soi, tự sửa”
Trong di sản cho các thế hệ sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm không chỉ cá nhân, mà cả tổ chức trong việc tự rèn, tự soi, tự sửa, tự điều chỉnh, tự vượt lên chính mình.
“Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh, mà Đảng sẽ mạnh khỏe vô cùng”, Người nhắc nhở.
Theo Bác Hồ kính yêu, các cơ quan, các cán bộ, các đảng viên, mỗi người mỗi ngày phải thiết thực tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình. Hễ thấy khuyết điểm phải kiên quyết tự sửa chữa, và giúp đồng chí mình sửa chữa…Nếu không kiên quyết sửa chữa khuyết điểm của ta, thì cũng như giấu giếm tật bệnh trong mình, không dám uống thuốc, để bệnh ngày càng nặng thêm, nguy đến tính mệnh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân. Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) viết: “Trong lãnh đạo, Đảng có lúc cũng phạm sai lầm, khuyết điểm, có những sai lầm, khuyết điểm nghiêm trọng do giáo điều, chủ quan, duy ý chí, vi phạm quy luật khách quan. Đảng đã nghiêm túc tự phê bình, sửa chữa khuyết điểm, tự đổi mới, chỉnh đốn để tiếp tục đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên”.
Trong đổi mới, nhận thức rõ ý nghĩa to lớn, sâu xa của tự soi, tự sửa, Đảng ta khẳng định: “Sức mạnh của Đảng, của mỗi đảng bộ và đảng viên không chỉ ở ưu điểm, mà còn ở chỗ nhận rõ và sửa chữa bằng được những vấn đề tồn tại, những sai lầm, khuyết điểm và tự vượt lên chính bản thân mình” ( trích Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2011, tr.64).
Làm theo “lời dạy, nhắc nhở” của Bác, tất cả cán bộ, nhân viên thuộc hệ thống Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam luôn nêu cao tinh thần tự giác, tự tu dưỡng, tự rèn luyện; tự phê bình và phê bình. Đây chính là đấu tranh ngay với cái tôi ở trong mình, là “thang thuốc hay nhất” để chữa chỗ dở và phát huy cái tốt.
Tự soi, tự sửa là để mỗi ngày cố làm một việc có lợi cho nước, cho dân, cho Đảng, chứ không phải mưu lợi cho cá nhân; là để tránh tự kiêu, tự đại; là chân thành, khiêm tốn, thật thà đoàn kết, phải học và giúp người tiến bộ; không nịnh hót người trên và không xem thường người dưới.
“Pháp trị” phải đi đôi với “đức trị”. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trọng đạo đức và giáo dục đạo đức, nhưng cũng rất mực đề cao vai trò, sức mạnh của luật pháp. Thượng tôn pháp luật dựa trên các chuẩn mực đạo đức và ngược lại. “Phép trị nước” của Hồ Chí Minh là kết hợp cả “pháp trị” và “đức trị”, trong đó “pháp trị” nghiêm khắc, công minh và “đức trị” bao dung, thấu tình đạt lý...
Nhiều cán bộ các cấp bị kỷ luật... vì sao?
“Là con người, luôn tồn tại trong mỗi cá thể phần con và phần người, từ người lãnh đạo chủ chốt đến đảng viên thường, đến người dân, đều có những biểu hiện tâm lý, tính cách hỷ, nộ, ái, ố, ai, lạc và tham vọng, dục vọng... Cán bộ quyền cao, chức trọng, thì càng bị thử thách nhiều hơn. Vì thế, để trở thành một đảng viên “vừa hồng, vừa chuyên”, phải giữ đúng tư cách của người đảng viên, làm chủ bản thân mình” - TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam
TSKH Phan Xuân Dũng