|
Chủ tịch VUSTA Phan Xuân Dũng nhận định, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là then chốt phát triển Đất nước |
Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là then chốt
Trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII nêu rõ, khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo là đột phá phát triển đất nước trong thời gian tới. Đây là điểm mới về nhận thức trong dự thảo văn kiện Đại hội XIII về vai trò của khoa học và công nghệ là không chỉ nhấn mạnh phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, mà còn đề cao yêu cầu đổi mới sáng tạo như một định hướng trung tâm của phát triển trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tăng tốc.
Phân tích sâu hơn về vấn đề này, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam Phan Xuân Dũng cho rằng: Dự thảo văn kiện Đại hội XIII cũng nêu rõ, phải phát triển hệ thống sáng tạo quốc gia, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp là trung tâm ứng dụng công nghệ và phát triển sản phẩm, các trường đại học và các viện nghiên cứu là chủ thể nghiên cứu và phát triển; tạo cơ chế liên kết hữu cơ giữa các cơ sở nghiên cứu với các doanh nghiệp trên cơ sở chia sẻ về trách nhiệm và lợi ích tương hỗ.
Những định hướng nêu trên trong dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng XIII có vai trò vô cùng quan trọng. Bởi các Luật liên quan đến khoa học và công nghệ được Quốc hội thông qua, chính sách của Chính phủ phải dựa trên kim chỉ nam là đường lối của Đảng – được thể hiện thông qua các văn kiện của Đảng. Các nội dung liên quan đến khoa học và công nghệ được đưa vào dự thảo văn kiện, trình Đại hội Đảng toàn quốc thảo luận, xem xét, thông qua sẽ định hướng quan trọng cho việc xây dựng hành lang pháp lý phù hợp cho thời kỳ phát triển mới, cũng như góp phần thực hiện hoài bão, ước mơ, khát vọng của dân tộc ta.
Chủ tịch Phan Xuân Dũng nói thêm: “Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, đổi mới sáng tạo giữ vai trò then chốt đối với phát triển mọi mặt của xã hội, nhất là tăng trưởng kinh tế. Động lực tăng năng suất lao động quan trọng nhất chính là đổi mới sáng tạo, trọng tâm là phát triển và ứng dụng công nghệ cao. Hiện nay, các nước trong khối ASEAN cũng đã nhận thức rõ vấn đề này. Nếu nước ta vẫn tiếp tục tăng trưởng theo chiều rộng, dựa vào tăng vốn và lao động giá rẻ, tăng FDI, thiếu sự lựa chọn mang tính chiến lược với quá nhiều ưu đãi chưa phù hợp, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa chất lượng không cao, thúc đẩy tham gia vào chuỗi sản xuất-chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu ở những phân khúc công nghệ thấp, chủ yếu là gia công, lắp ráp... thì hiệu quả tăng trưởng sẽ thấp và tiếp tục suy giảm.
Ngoài ra, sự chênh lệch lớn về trình độ đổi mới sáng tạo, phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ cao trong môi trường quốc tế có sự cạnh tranh gay gắt khiến cho sự thua thiệt và yếu thế luôn nằm về phía không làm chủ được công nghệ tiên tiến. Đây là một thách thức rất lớn đối với nước ta. Do vậy, việc xác định đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ là một đột phá chiến lược hoàn toàn chính xác.”
|
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh cùng lãnh đạo Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam cùng các đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc khóa VIII. |
Việt Nam sẽ thành nguồn nhân lực dồi dào trong cách mạng 4.0
Để cụ thể hóa những vấn đề then chốt trong công cuộc phát triển đất nước trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ mà Đảng, Nhà nước đã xác định mục tiêu rõ ràng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam Phan Xuân Dũng nhấn mạnh: “Phát triển bất cứ một lĩnh vực nào, đặc biệt với lĩnh vực khoa học và công nghệ cần có nhân lực tốt và đầu tư tốt. Nguồn nhân lực của chúng ta về khoa học và công nghệ trong thời gian vừa qua đã có bước phát triển mạnh mẽ.
Tuy nhiên, trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay, các công nghệ đã phát triển như vũ bão và ở một mức độ cao chưa từng có. Chúng ta phải đưa khoa học và công nghệ Việt Nam hội nhập, hòa chung với sự vận động của khoa học và công nghệ thế giới.”
Theo Chủ tịch Phan Xuân Dũng, để cạnh tranh được trong bối cảnh này nguồn nhân lực hiện nay phải đáp ứng yêu cầu và tiêu chuẩn rất cao của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Nhưng nguồn nhân lực của nước ta vẫn còn một khoảng cách với đòi hỏi của thực tiễn, nên việc đầu tư chiều sâu để nâng cao nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực bậc cao, nhất là ở những lĩnh vực then chốt mà Việt Nam có thế mạnh thì cần được quan tâm nhiều hơn. Qua đó, sẽ góp phần thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam tiến kịp và vươn lên trở thành một đất nước có nguồn nhân lực dồi dào, đáp ứng yêu cầu, khát vọng phát triển của đất nước trở thành một quốc gia hùng cường.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và GS.TSKH Đặng Vũ Minh (nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam) tặng hoa và chúc mừng Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam khóa VIII Phan Xuân Dũng. |
Ở bất kỳ quốc gia, tổ chức nào, yếu tố quan trọng là bảo đảm môi trường để trí tuệ được phát huy, tức là nguồn nhân lực được sử dụng tối đa. Do vậy, việc xây dựng môi trường pháp lý, các chính sách cụ thể để nguồn nhân lực phát huy năng lực của mình có vai trò rất quan trọng.
“Những nội dung trong Dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cần được cụ thể hóa thành chính sách, quy phạm pháp luật. Trong thời gian tới, một số nội dung cụ thể của luật hiện hành cần được bổ sung và hoàn thiện thêm để phù hợp với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với một chính quyền số, xã hội số đang chuyển mình rất mạnh trong mấy năm vừa qua và những năm tiếp theo. Các bộ, ngành cũng cần có chương trình hành động cụ thể triển khai các Nghị quyết của Đảng, cũng như chính sách, pháp luật được bổ sung, hoàn thiện” – Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam Phan Xuân Dũng nói.
“Trong nhiệm kỳ vừa qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành Chính phủ, việc đầu tư cho khoa học và công nghệ đã có bước tiến vượt bậc. Cách đây khoảng 10 năm, đầu tư cho khoa học và công nghệ từ Nhà nước chiếm tới 80%, đầu tư từ xã hội chỉ 20% tổng mức đầu tư cho lĩnh vực này. Hiện nay, đầu tư từ xã hội đã có bước tiên vượt bậc, đã đạt tỷ lệ trên 50%, tạo động lực phát triển khoa học và công nghệ.
Điều cần hướng đến là đầu tư từ xã hội đạt tỷ lệ 70 - 80%, đầu tư từ Nhà nước chỉ chiếm khoảng 20 - 30% tổng mức đầu tư cho khoa học và công nghệ. Bởi, khi nguồn lực đầu tư cho khoa học và công nghệ chủ yếu đến từ doanh nghiệp, từ người dân thì sẽ phát huy hiệu quả cao hơn, vì họ sẽ trách nhiệm cao hơn với đồng vốn mình bỏ ra.
Để thực hiện yêu cầu này, trước hết, cần rà soát, đánh giá chính sách, pháp luật và quá trình triển khai thực hiện, qua đó nhận diện những điểm nghẽn để tháo gỡ kịp thời, tạo động lực cho mọi thành phần xã hội đầu tư vào khoa học và công nghệ” - Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam Phan Xuân Dũng nói.