Dự phiên bế mạc kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam...
|
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bế mạc kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV. |
Hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình kỳ họp
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, sau 12 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra và thành công rất tốt đẹp.
Quốc hội đã dành nhiều thời gian để thảo luận, đánh giá các Báo cáo công tác của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước. Quốc hội thống nhất đánh giá trong nhiệm kỳ vừa qua, mặc dù có nhiều khó khăn và biến động phức tạp, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự ủng hộ của nhân dân, các cơ quan trong bộ máy nhà nước đã cố gắng phấn đấu cao độ, phối hợp đồng bộ và chặt chẽ, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định, tạo nên những thành tựu quan trọng, để lại nhiều dấu ấn nổi bật trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Tại kỳ họp, Quốc hội đã xem xét, quyết định miễn nhiệm, bầu, phê chuẩn một số chức danh trong bộ máy nhà nước, bảo đảm dân chủ, đúng quy định của pháp luật và đạt được sự đồng thuận rất cao.
“Quốc hội bày tỏ niềm tin rằng, các vị mới được Quốc hội bầu, phê chuẩn tại kỳ họp này sẽ nêu cao tinh thần năng động, sáng tạo, ý chí dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước”, Chủ tịch Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Tại kỳ họp này, Quốc hội đã nghe báo cáo kết quả triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; đồng thời tiến hành kiện toàn nhân sự Hội đồng Bầu cử quốc gia.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: “Quốc hội đã xem xét, quyết định đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố Hà Nội từ nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, tạo điều kiện để thành phố chủ động chuẩn bị cho việc bầu cử đại biểu HĐND sắp tới”.
Ông Vương Đình Huệ cũng khẳng định, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV dần khép lại, cũng là thời gian chuẩn bị cho sự tiếp nối trọng trách và truyền thống của Quốc hội Việt Nam: “Chúng ta tin tưởng rằng, những thành tựu và bài học kinh nghiệm quý báu của chặng đường vẻ vang 75 năm qua sẽ tạo nền tảng vững chắc để Quốc hội khóa XV và các khóa sau tiếp tục kế thừa, phát huy, xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Thông qua Nghị quyết quan trọng của kỳ họp
Trước đó, với tổng số 436/437 phiếu tán thành, đạt tỷ lệ 90,83% (tính trên tổng số đại biểu), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Quốc hội, Chủ tịch nước, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và Kiểm toán Nhà nước. Trong Nghị quyết, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao tiếp tục tập trung thực hiện 10 nội dung.
Trong đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành với các giải pháp toàn diện, hiệu quả, mang tính đột phá, khả thi để phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm.
Cùng với đó, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ lề lối, phương thức làm việc của hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước gắn với ứng dụng công nghệ thông tin; cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tính chủ động, sáng tạo, đề cao tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả, bảo đảm quản lý thống nhất.
Đối với Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về cải cách tư pháp theo chủ trương của Đảng để xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, công bằng, nghiêm minh. Tuân thủ chặt chẽ và bảo đảm thực hiện nghiêm các nguyên tắc trong hoạt động tố tụng. Tăng cường đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết vụ án, vụ việc, phát hiện vi phạm pháp luật và tội phạm, bảo đảm việc điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật...
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: Thủ tướng Phạm Minh Chính trình Quốc hội miễn nhiệm 12 bộ trưởng Tin Quốc hội mới nhất
Hiểu Lam