Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un sẽ thăm hữu nghị chính thức Việt Nam

Google News

(Kiến Thức) - Bộ Ngoại giao Việt Nam trưa ngày 23/2 đã phát đi thông cáo báo chí cho biết, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un sẽ thăm chính thức Việt Nam “trong những ngày sắp tới”.

Trưa ngày 23/2, Bộ Ngoại giao Việt Nam ra thông cáo về chuyến thăm hữu nghị chính thức của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un.
Nội dung thông cáo nêu rõ, nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên, Chủ tịch Uỷ ban Quốc vụ nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên Kim Châng Ưn (Kim Jong Un) sẽ thăm hữu nghị chính thức Việt Nam trong những ngày sắp tới.
Chuyến thăm của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đánh dấu lần thứ hai một người là lãnh đạo cao nhất của Triều Tiên thăm chính thức Việt Nam. Trước đó, vào năm 1958, cố lãnh tụ Triều Tiên Kim Nhật Thành, từng thăm chính thức Việt Nam.
Chu tich Trieu Tien Kim Jong-un se tham huu nghi chinh thuc Viet Nam
 Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un. Ảnh: KCNA/Reuters.
Chủ tịch Kim Jong-un (Kim Châng Ưn) là Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên (từ tháng 5/2016), Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị (từ tháng 4/2012), Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ (từ tháng 6/2016), Chủ tịch Quân ủy Trung ương (từ tháng 4/2012), Nguyên soái (từ tháng 7/2012), Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Triều Tiên (từ tháng 12/2011); là con trai thứ 3 của Chủ tịch Kim Châng In (Kim Jong-il), cháu của Chủ tịch Kim Nhật Thành (Kim Il-sung).
Tại Hà Nội từ ngày 27-28/2, Tổng thống Donald Trump sẽ gặp Chủ tịch Kim Jong-un trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2.
Triều Tiên chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào ngày 31/1/1950, trở thành nước thứ ba sau Trung Quốc và Liên Xô (cũ) có quan hệ với nước ta. Hai nước có quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống. Triều Tiên là một trong những nước đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay, hai bên đã trao đổi hơn 50 đoàn cấp cao (từ Bộ trưởng trở lên).
Các đoàn cấp cao của Việt Nam thăm Triều Tiên có: Chủ tịch Hồ Chí Minh (8-12/7/1957), Thủ tướng Phạm Văn Đồng (6/1961), Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công (9/1988), Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (5/1997), Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Di Niên (8/2000), Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (16-18/10/2007), Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh (10/2008), Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân (10/2011); Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Mặt trận tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm (9/2012), Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Trần Quốc Vượng (7/2013), Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn (7/2015); Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Hà Thị Khiết (10/2015)....
Các đoàn Triều Tiên thăm ta có: Thủ tướng Kim Nhật Thành (27/11-3/12/1958), Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Kim Yong Nam (1/1992), Phó Thủ tướng Công Chin The (4/1997), Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pec Nam Sun (3/2000), Chủ tịch Hội nghị nhân dân tối cao Chuê The Bốc sang dự Đại hội IX Đảng Cộng sản Việt Nam (4/2001), Chủ tịch Ủy ban thường vụ Hội nghị nhân dân tối cao Triều Tiên Kim Yong Nam (7/2001, 8/2012), Bộ trưởng Ngoại giao Ri Su Yông (8/2014); Bộ trưởng Kinh tế Đối Ngoại Triều Tiên (10/2015), Bộ trưởng Bộ Các lực lượng vũ trang Triều Tiên (11/2015), Phó Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên Chuê The Bốc thăm Việt Nam (6/2016).
Hai nước trao đổi chính sách luân phiên cấp Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam - Triều Tiên; Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế và khoa học kỹ thuật Việt Nam - Triều Tiên. Hai nước đã ký nhiều Hiệp định quan trọng như: Hiệp định miễn thị thực cho hộ chiếu ngoại giao và công vụ (01/10/1956), Hiệp định hợp tác văn hóa (11/1957), hiệp định hợp tác Khoa học kỹ thuật (10/1958), Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và CHDCND Triều Tiên (1961), Hiệp định thương mại và hàng hải (12/1962), Hiệp định hỗ tương y tế (12/1966), Hiệp định hợp tác vận tải hàng không dân dụng, Hiệp định vận tải biển (3/6/2002), Hiệp định thương mại (3/5/2002), hiệp định tương trợ tư pháp (3/5/2002), Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư (3/5/2002), Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (3/5/2002).
Hải Ninh