Chiều 7/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).
 |
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn họp tại tổ. |
Phát biểu tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, đây là thời điểm bắt đầu giai đoạn 2 của việc sắp xếp lại bộ máy chính quyền và cũng là giai đoạn khó khăn nhất. Do đó, để kết thúc hoạt động của bộ máy cấp huyện, sáp nhập tỉnh, xã thì phải sửa Hiến pháp, đây là yêu cầu cấp thiết.
"Chúng ta nói nhiều về việc bộ máy còn cồng kềnh, biên chế phình ra. Khóa nào cũng có nghị quyết, trong đó nhấn mạnh về việc tinh gọn bộ máy, giảm đến mức tối đa. Song lần này mới thực hiện quyết liệt theo tinh thần Nghị quyết 18. Đây là chủ trương mang ý Đảng, nhưng hợp lòng dân", ông Mẫn nói.
Bên cạnh đó, với việc tinh gọn bộ máy giai đoạn 2, cần phải tiếp tục sửa Luật Tổ chức chính quyền địa phương trên tinh thần phân cấp mạnh cho địa phương, để "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: "Việc gì phân cấp được cho địa phương thì phải phân cấp mạnh để địa phương không phải trình lên Trung ương xin ý kiến. Nếu không, giao tiền và dự án cho địa phương rồi địa phương lại phải báo lên Trung ương thì rất mất công".
Ông cũng nói thêm: "Bây giờ, Quốc hội không quản lý dự án, không quản lý danh mục tiền, thay vào đó thông qua việc thu, chi chung hằng năm. Quốc hội giao hết lại cho Chính phủ, địa phương điều hành một cách thống nhất. Nếu trình lên Quốc hội duyệt dự án thì Quốc hội không thể sát sao vì không đi khảo sát. Mà nếu ngồi duyệt dự án trong phòng máy lạnh thì không thực tế".
Do đó, ông cho rằng, khi phân về địa phương, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, chỉ đạo điều hành của UBND, giám sát của HĐND thì việc thực hiện công trình dự án sẽ nhanh. Trên tinh thần này, với luật, Quốc hội chỉ quy định khung, còn cụ thể thì Chính phủ ban hành nghị định, các bộ ban hành thông tư.
"Trừ các Luật Hình sự, Luật Dân sự, Luật Tố tụng liên quan tới quyền con người, Quốc hội phải bàn chi li, chi tiết từng khoản, điều, chương. Còn các vấn đề liên quan tới kinh tế - xã hội thay đổi liên tục, Quốc hội cần giao quyền cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Từ đó, Thường vụ Quốc hội xem xét giao quyền cho Thủ tướng để quyết nhanh", ông nói.
Thiên Tuấn