Sáng nay (14/9), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận nỗ lực trách nhiệm cao của đoàn giám sát, nhất là đã huy động sự tham gia của 63 đoàn đại biểu Quốc hội cùng hàng nghìn trang tài liệu được gửi về từ các Bộ, ngành địa phương và đơn vị.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị báo cáo cần nêu bật được quá trình tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo của Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội đối với chuyên đề giám sát này.
Tiết kiệm có hiệu quả chính là nguồn động lực quan trọng để phát triển đất nước. Một số ý kiến đề nghị báo cáo nêu bật các thành tựu lớn về tiết kiệm ngân sách, kinh phí chi thường xuyên, thẳng thắn chỉ ra khuyết điểm, hạn chế cũng như đề xuất các giải pháp cần có trọng tâm, trọng điểm, rõ việc, rõ trách nhiệm và rõ thời gian để làm cơ sở đôn đốc các bộ ngành, địa phương thực hiện.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, đây là cuộc giám sát lớn, phạm vi rộng, phức tạp, thông tin số liệu rất nhiều, huy động lực lượng lớn tham gia, vì vậy ông cho rằng báo cáo giám sát cần nêu đầy đủ những con số, "nói có sách, mách có chứng".
Cần làm rõ những thành tựu, điển hình về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nhiều nội dung làm vượt chỉ tiêu của Trung ương "là thành tích cực kỳ quan trọng".
Chủ tịch Quốc hội phân tích, với các kiến nghị, đề xuất, phải nêu rõ thời gian, như về dự án treo, dự án chậm tiến độ, các dự án BOT đang đầu tư dở dang, dự án BOT đang phải xử lý.
Về dự án treo, chậm tiến độ, theo ông phải có danh mục cụ thể, đưa vào báo cáo. Chính phủ sau đó sẽ rà soát, bổ sung thêm.
Về dự án đang triển khai nhưng chậm tiến độ, Chủ tịch Quốc hội góp ý, với loại vướng mắc về thời gian, cần xử lý hài hoà lợi ích giữa các bên, gia hạn thời gian để xử lý, chính quyền phối hợp gỡ vướng mắc. Nếu đến hạn nhất định thì phải thu hồi theo luật.
Với loại dự án mà chủ đầu tư năng lực tài chính yếu kém, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh không làm được thì phải để người khác nếu không sẽ lãng phí cơ hội đầu tư.
Về dự án vướng mắc sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra thì phải thể chế hoá chủ trương của Trung ương. Hiện Chính phủ đang thực hiện đề án thống kê rà soát. Có những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội tháo gỡ.
"Cán bộ sai thì xử lý rồi, nhưng đất đai, tài sản, vốn liếng nằm đấy cả. Chủ trương có rồi, nên thể chế hoá bằng Nghị quyết để tạo cơ sở pháp lý xử lý. Thẩm quyền cấp nào thì cấp đó xử lý", Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Nói về các dự án BOT, BT, Chủ tịch Quốc hội thông tin: "Dự án BT về mặt luật pháp có điều khoản chuyển tiếp. Nhiều dự án BT được phép tiếp tục triển khai, nhưng theo tôi biết, nó rất vướng mắc, không chung tay tháo gỡ thì rất khó. Nên có danh mục, thống kê bao nhiêu dự án để xem xét, tháo gỡ, tạo nguồn lực cho địa phương".
Về đất đai, ông Huệ cho rằng, cần có thống kê, kiến nghị cụ thể theo từng loại một, số liệu cụ thể về đất nông lâm trường, đất lúa, đất nông nghiệp bỏ hoang, tình trạng lấn chiếm trái phép...
"Cần có kiến nghị thật sát, thời gian cụ thể, theo tinh thần khả thi, tích cực, từ đó có căn cứ để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đôn đốc, chỉ đạo. Trong đó, có những việc Quốc hội, Thường vụ Quốc hội cũng phải làm", Chủ tịch Quốc hội bày tỏ.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường đánh giá, về tổng thể, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội được Đảng, Quốc hội đề ra.
Tuy nhiên, qua giám sát, đoàn giám sát phát hiện một số tồn tại, hạn chế, thất thoát, lãng phí còn lớn và nghiêm trọng. Nêu tồn tại trong quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước, đoàn giám sát cho biết, công tác lập, thẩm định, chấp hành dự toán ngân sách nhà nước của cả nước còn một số tồn tại, bất cập.
Việc lập dự toán ngân sách Nhà nước hằng năm chưa sát thực tế; tình trạng nợ đọng thuế, thất thu, thu không đúng, không đủ, chậm xác định giá đất phổ biến ở nhiều dự án...