Chiều 26/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ nội dung dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng.
Các báo cáo về nợ xấu đều có con số đẹp
Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cho rằng "nợ xấu là di sản tích tụ từ nhiều năm trước để cho hiện tại, chúng ta cũng định gửi cho tương lai nhưng không được nên số nợ nguyên hình".
Đại biểu đặt ra hàng loạt vấn đề, như liệu đã có các thiết chế đủ mạnh để phá tan cục máu đông nợ xấu chưa; sau nghị quyết của Quốc hội lần này liệu lại cần có các văn bản khác để giải quyết. Bên cạnh đó, tính hiệu quả, hậu quả như thế nào, hay chúng ta đưa ra văn bản rồi, hiệu lực rồi mà nợ vẫn không được giải quyết.
"Qua các kỳ họp đều thấy đều báo con số rất đẹp, dưới 3%. Lâu nay chúng ta thực chất là vẫn giấu nhau về con số nợ xấu. Thực tế đã minh bạch chưa?", đại biểu đoàn Gia Lai đặt nghi vấn.
Theo đại biểu Đinh Duy Vượt, hiện có những khoản nợ xấu coi như "chết" hẳn rồi chứ không phải nợ nữa, và Nhà nước không thu được gì. Vì thế đại biểu đoàn Gia Lai cho rằng nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng phải đủ mạnh, để sau 5 năm xóa tan cục máu đông này.
Ông Vượt đề nghị các đại biểu Quốc hội phải thể hiện trách nhiệm cao để đưa giải pháp cụ thể.
|
Đại biểu Trần Hoàng Ngân. Ảnh: Duy Hiếu. |
Tại đoàn TP.HCM, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng nợ công, nợ nước ngoài, nợ xấu là những điểm nóng, điểm nghẽn phải xử lý để phát triển kinh tế.
Theo ông Ngân, dư nợ tín dụng trên GDP của Việt Nam hiện nay là 122%, gấp 2-3 lần bình quân của các nước ASEAN. Trong khi các nước chia sẻ một phần gánh nặng cho thị trường chứng khoán thì ở Việt Nam thị trường này vẫn rất khiêm tốn. Hiện, Việt Nam vẫn còn khoảng 500.000 tỷ nợ xấu chưa được giải quyết.
“Nợ xấu nếu tiếp tục tồn tại sẽ đe doạ hệ thống ngân hàng và an ninh tài chính quốc gia. Khả năng phá sản của các ngân hàng rất dễ xảy ra, kéo theo đó sẽ ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn người”, ông Ngân nói.
Không sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng nếu đã hoạt động tín dụng thì nợ xấu là việc không tránh khỏi, các quốc gia đều có chứ không phải riêng nước ta. Nợ xấu bình thường phải dưới 3% tổng dư nợ cho vay.
“Thực ra nội bảng dưới 3%, nhưng treo ở Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thì nhiều. Hiện đã là 10,8%, là chuyện không bình thường. Cho nên, cần phải ra nghị quyết của Quốc hội, cho áp dụng trong một thời điểm nhất định”, bà Ngân nói.
Chủ tịch Quốc hội gợi ý ban hành nghị quyết xử lý nợ xấu là cần thiết vì không thể kéo dài.
Bà Ngân nói: “Nghị quyết này ban hành không phải hợp thức hóa cho các tổ chức vi phạm pháp luật. Do đó, chúng ta ra nghị quyết không chỉ bảo đảm lợi ích của các tổ chức tín dụng, mà còn bảo đảm lợi ích của người gửi tiền”.
|
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: "Nghị quyết về nợ xấu không chỉ bảo đảm lợi ích của các tổ chức tín dụng mà còn bảo đảm lợi ích của người gửi tiền". Ảnh: Duy Hiếu. |
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, nghị quyết chỉ giải quyết có thời hạn, chốt 31/12/2016 trở về trước là có cơ sở. Nghị quyết này không chỉ áp dụng với ngân hàng Việt Nam mà còn cả với các chi nhánh của ngân hàng nước ngoài, vì Hiến pháp quy định không phân biệt các thành phần kinh tế.
“Nguyên tắc quan trọng là không sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu. Khái niệm, tiêu chí nợ xấu rất quan trọng. Quyền thu giữ tài sản là linh hồn của nghị quyết, khái niệm nợ xấu là gốc. Nếu chỉ nội bảng thì không cần ra nghị quyết, vì nội bảng dưới 3%, còn thực tế tổng là 10,08%”, bà Ngân nhấn mạnh.
Trong khi đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đề nghị bổ sung nguyên tắc không sử dụng ngân sách Nhà nước để xử lý nợ xấu. Đặc biệt, nguyên tắc này cần phải được nêu rõ trong nghị quyết, để minh bạch với cử tri và tránh bị lợi dụng.
"Nên dùng nợ và tài sản của các cá nhân, tổ chức có liên quan đến các khoản nợ đó để xử lý nợ xấu. Nói không sử dụng ngân sách, nhưng Nhà nước vẫn tốn kém và cả thiệt hại nhiều trong việc xử lý vì cả bộ máy phải tham gia", ông Nghĩa nói.
Góp ý dự thảo Luật tổ chức các tổ chức tín dụng, đại biểu Nghĩa cũng bày tỏ: “Vừa qua, việc thu hồi nợ, kể cả nợ không xấu, rất nhiêu khê. Con nợ thì nhơn nhơn coi thường pháp luật, chủ nợ thì khổ sở vì thủ tục hành chính và tố tụng, tốn thời gian, tiền bạc mà hiệu quả thấp. Thậm chí, chủ nợ càng kiện thì càng lỗ, thắng kiện rồi nhưng vẫn không thi hành được, chỉ có bản án trong tay”.
Theo Nhóm PV/Zing