Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ thăm chính thức CHDCND Lào từ ngày 10 – 11/4. Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng thân thiết, có quan hệ vô cùng đặc biệt.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh hai nước vẫn giữ được đà và phát triển quan hệ tốt đẹp trên các lĩnh vực, kể cả trong giai đoạn đại dịch COVID-19.
Hợp tác quốc phòng, an ninh tiếp tục được củng cố. Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư tiếp tục được duy trì tốt. Việt Nam hiện có 219 dự án đầu tư còn hiệu lực tại CHDCND Lào, tổng vốn đăng ký khoảng 4,7 tỷ USD, duy trì vị trí thứ 3, sau Trung Quốc và Thái Lan.
|
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. |
Trước khi chuyến thăm diễn ra, Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cho biết về ý nghĩa và các hoạt động nổi bật của chuyến thăm. "Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng thân thiết, có quan hệ vô cùng đặc biệt, được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước gây dựng và vun đắp trong suốt chiều dài lịch sử; cùng sát cánh bên nhau trên tinh thần đồng chí, anh em trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Chính vì mối quan hệ hết sức đặc biệt đó mà Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã chọn Lào là quốc gia đầu tiên tới thăm trên cương vị mới để tiếp tục khẳng định chính sách nhất quán của ta luôn coi trọng và dành ưu tiên cao nhất cho mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào.
Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang diễn biến hết sức phức tạp, gây ra nhiều khó khăn và thách thức, chuyến thăm Lào của Chủ tịch nước cũng thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ, toàn diện của Việt Nam đối với công cuộc đổi mới, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập quốc tế của nước bạn Lào" - Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt nói.
Dự kiến trong thời gian thăm CHDCND Lào, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ dự Lễ đón chính thức, hội đàm và cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào chứng kiến Lễ ký văn kiện hợp tác; hội kiến với Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội Lào; tiếp Chủ tịch Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước, Chủ tịch Trung ương Hội hữu nghị Lào - Việt Nam; dự chiêu đãi chính thức của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào; thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Lào và gặp một số đại diện cộng đồng ta tại Lào.
Những hoạt động quan trọng này sẽ giúp tạo ra xung lực mới cho quan hệ hợp tác Việt Nam-Lào tất cả các kênh và lĩnh vực hợp tác; góp phần triển khai hiệu quả các thỏa thuận cấp cao của hai Đảng, hai nước, trong đó có Thỏa thuận Chiến lược hợp tác Việt Nam - Lào giai đoạn 2021 - 2030 và Hiệp định về hợp tác song phương Việt Nam - Lào giai đoạn 2021 - 2025.
Chủ tịch nước cũng sẽ đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các liệt sỹ vô danh, tượng đài Chủ tịch Kaysone Phomvihane và tới thăm hỏi các đồng chí nguyên lãnh đạo cấp cao của Lào, thể hiện sự tri ân đối với những đóng góp to lớn của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Lào anh em dành cho mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào.
Những hoạt động này chắc chắn sẽ góp phần quan trọng tạo nên thành công của chuyến thăm CHDCND Lào của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; giúp không ngừng củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào.
Năm 2022, đầu tư Việt Nam tại CHDCND Lào tăng thêm 5 dự án mới và 4 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng giá trị 70 triệu USD, tăng 46% so với cùng kỳ 2021; kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đạt gần 1,7 tỉ USD, tăng hơn 25%.
Hợp tác giáo dục đào tạo và văn hóa tiếp tục được quan tâm. Năm 2022, Việt Nam dành cho CHDCND Lào 1.155 suất học bổng sang học tập tại Việt Nam, Lào dành cho Việt Nam 60 học bổng. Tổng số lưu học sinh Lào đang học tập tại Việt Nam khoảng 14.000 người (diện thỏa thuận Chính phủ hơn 4000 người) tại 160 cơ sở giáo dục Việt Nam.
Hợp tác giữa các địa phương, nhất là những địa phương có chung biên giới tiếp tục được tăng cường, đặc biệt trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, chăm sóc y tế, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn tại các khu vực biên giới hai nước; ta tiếp tục tiếp nhận bệnh nhân của Lào sang cấp cứu, điều trị tại Việt Nam, được bạn đánh giá cao.
Hai bên phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn hợp tác khu vực và quốc tế, nhất là trong khuôn khổ ASEAN, Liên Hợp Quốc và các cơ chế tiểu vùng.
Kim Ngưu