Sáng 25/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận tổ về kinh tế - xã hội, quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 và những tháng đầu năm 2022.
Các đại biểu Quốc hội cho rằng, năm 2021 là năm đối diện với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có, dịch COVID-19 bùng phát trên toàn quốc, diễn biến nhanh, phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất kinh doanh và mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, cùng với sự chuyển hướng từ chiến lược "phòng, chống dịch COVID-19" sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19", kinh tế - xã hội có nhiều khởi sắc.
Cụ thể, GDP quý IV tăng 5,22%, cả năm đạt 2,58%, nhờ đó, đã hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
|
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: QH. |
Đồng tình cao với Báo cáo của Chính phủ, phát biểu thảo luận tổ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trước tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp nhưng chúng ta đã đạt thành công quan trọng bước đầu với sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của Nhà nước, Chính phủ.
Các chỉ số nền kinh tế 5 tháng của năm 2022 là đáng mừng về tăng trưởng, thu ngân sách, xuất nhập khẩu, nông nghiệp... Chiến lược tiêm vaccine của Việt Nam thuộc nhóm đầu thế giới, thực hiện quyết liệt, được thế giới ghi nhận.
Đặc biệt, SEA Games 31 được tổ chức tốt với thành tích cao, thành công vang dội, ứng xử văn hóa, để lại ấn tượng trong lòng bạn bè quốc tế... Đây là những thành quả rất đáng trân trọng.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả bước đầu nên không được chủ quan, thỏa mãn. Khó khăn của người dân và doanh nghiệp là không thể bàn cãi do tác động của đại dịch trong thời gian dài; tiết kiệm của người dân, tích lũy của doanh nghiệp cũng như các quỹ của Nhà nước đều tiêu hao gần hết trong đợt dịch vừa qua.
Chủ tịch nước lưu ý, thời gian tới, nền kinh tế phải đối mặt với nhiều thách thức. Đó là dấu hiệu lạm phát khi nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất cao; giá cả năng lượng toàn cầu chu kỳ này tiếp tục thâm nhập sâu vào nền kinh tế.
Các yếu tố đầu vào sản xuất tăng, kéo theo nền kinh tế rơi vào tình trạng khó khăn chung.
Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn quan trọng thì thời gian gần đây "bốc hơi" hàng tỷ USD. Do đó, cần biện pháp, phương thức hỗ trợ thị trường chứng khoán tốt hơn nữa nhằm ổn định kênh này, để dòng vốn đến với doanh nghiệp.
"Về bản chất, trái phiếu không phải xấu, chỉ có điều chúng ta điều phối, kiểm soát thế nào cho nó tốt, bởi những thị trường vốn này rất quan trọng đối với doanh nghiệp”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Chủ tịch nước cũng đặc biệt lưu ý gói kích thích kinh tế, đầu tư công phải được thúc đẩy tốt hơn, đi vào cuộc sống để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước. Đồng thời, các vấn đề xã hội khác cũng cần đặc biệt quan tâm, nhất là về giáo dục, tình trạng xâm hại, bạo hành trẻ em, đuối nước, bạo lực học đường...
Mai Nguyễn