Với chủ đề “Phối hợp trong APEC nhằm đẩy mạnh phục hồi kinh tế hậu COVID-19: Các cơ hội và thách thức chủ yếu trong thế giới hậu COVID và làm thế nào để bảo đảm các thành quả được chia sẻ đồng đều tới toàn bộ người dân trong hiện tại và tương lai”, Hội nghị cấp cao APEC 28 tập trung thảo luận 2 nội dung chính, đó là triển vọng kinh tế toàn cầu và hợp tác phục hồi sau đại dịch.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ có bài phát biểu quan trọng tại hội nghị chia sẻ về tình hình thế giới, khu vực và xu hướng thúc đẩy hợp tác APEC trong thời gian tới.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (Ảnh: TTXVN)
Kể từ khi thành lập năm 1989, qua hơn 30 năm hình thành và phát triển, APEC tiếp tục khẳng định là cơ chế liên kết kinh tế khu vực hàng đầu, khởi xướng và đi đầu thúc đẩy xu thế tự do hóa kinh tế, thương mại và đầu tư trong khu vực và trên thế giới, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương.
Việt Nam trở thành thành viên chính thức của APEC từ năm 1998. Khu vực APEC có ý nghĩa quan trọng, chiến lược đối với an ninh, phát triển của Việt Nam.
APEC là diễn đàn quy tụ 15 trên 30 đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và là các đối tác kinh tế, thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam, chiếm hơn 77% thương mại, gần 81% đầu tư trực tiếp và hơn 85% du lịch. 13 trong 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đang triển khai/đàm phán/chờ phê chuẩn là với thành viên APEC. Trong đó, 17 trên tổng số 20 thành viên APEC là đối tác FTA của Việt Nam.
Trong gần 23 năm tham gia APEC, Việt Nam đã đóng góp tích cực chủ động đối với Diễn đàn APEC, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác, liên kết kinh tế khu vực, duy trì vai trò của APEC là cơ chế liên kết kinh tế hàng đầu tại châu Á – Thái Bình Dương.
Theo Bình Giang/Tiền phong