Ông Nguyễn Tiến Thanh mong muốn làm tốt công việc ở đơn vị mới - NXB Giáo dục... để khi về hưu, người ta sẽ bảo: À! Có một ông làm báo chuyển sang làm giáo dục để lại dấu ấn trong ngành xuất bản…
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT vừa ban hành quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Tiến Thanh làm Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên NXB Giáo dục Việt Nam, từ ngày 15/5. Trước đó, ông Thanh là Tổng biên tập Tạp chí Đời sống và Pháp luật thuộc Hội Luật gia Việt Nam.
Đang đạt nhiều thành công trong lĩnh vực báo chí, vì sao ông đột ngột “quay xe”?
Tôi chưa từng có kế hoạch ngày nào đó rời xa báo chí. Tất cả đều là cơ duyên. Báo chí và xuất bản là hai lĩnh vực gần gũi. Cha tôi vốn làm nghề xuất bản nên từ bé tôi đã yêu thích làm sách. Gốc của tôi là giáo dục nên về NXB Giáo dục rất phù hợp. Tôi cũng muốn có trải nghiệm mới trong công việc.
Tôi bắt đầu chặng đường làm báo từ số 0. Lần này, có duyên với vị trí đứng đầu ngành xuất bản. Ở một vị thế khác, tôi muốn xem mình có đóng góp được gì không.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Tiến Thanh. Ảnh: Xuân Phú
Khó khăn trong cương vị mới của ông là gì?
Công việc mới tưởng giống báo chí nhưng thực ra rất khác. Sách giáo dục và giáo khoa khác hẳn hình dung của tôi rất nhiều. Mỗi năm, chỉ riêng việc tập huấn cho giáo viên đã rất phức tạp, tốn kém.
Quy mô NXB Giáo dục ở tầm cỡ khác. Công ty mẹ - NXB Giáo dục - có 38 công ty cổ phần là công ty con, thực hiện nhiều nhiệm vụ. Tổng doanh thu NXB Giáo dục hàng năm chiếm 70-80% doanh thu ngành xuất bản. Đây vừa là doanh nghiệp Nhà nước, phải bảo toàn vốn, có lợi nhuận, vừa phải bình ổn giá sách, an sinh xã hội… nên rất khó khăn phức tạp. NXB lại chịu sự điều chỉnh của 2 luật: Luật Doanh nghiệp và Luật Xuất bản, có nhiều điểm không giống nhau nên khó hơn rất nhiều.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ khen ngợi Bộ GD&ĐT, trong đó có NXB Giáo dục với thành tích góp phần bình ổn chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Giá sách giáo khoa (SGK) giảm 15% góp phần giảm chi phí tiêu dùng cho các gia đình, bình ổn chỉ số giá tiêu dùng. Qua đó có thể thấy, chỉ là quyển sách nhỏ nhưng ảnh hưởng trực tiếp chi tiêu của từng gia đình.
Một doanh nghiệp có chức năng an sinh xã hội chịu nhiều áp lực khác nhau. Nhiều việc xã hội không hiểu bởi thiếu truyền thông. Ví dụ, chỉ riêng năm ngoái, số tiền NXB Giáo dục cấp phát sách miễn phí hỗ trợ cho đồng bào vùng sâu, vùng xa hơn 100 tỷ đồng. Ngoài ra, áp lực phải giảm giá SGK cũng rất lớn.
Sắp tới, ông làm thế nào để hài hòa, cân bằng các tiêu chí đó, giải quyết những thách thức?
May mắn cho tôi, NXB Giáo dục là đơn vị hoạt động quy củ, nguồn nhân lực tốt, không NXB nào sánh được. Ban lãnh đạo đều là những người ít nhất có học vị tiến sĩ. Nhân sự 2 - 3 thế hệ gắn bó, coi NXB Giáo dục không chỉ là cơ quan mà như ngôi nhà thứ hai.
Vị thế NXB Giáo dục đang dẫn đầu. Do vậy, việc chính của tôi là giữ gìn được thương hiệu của đơn vị và phải làm được những việc mà trước đây còn đang “lấn cấn”. Ví dụ, tăng cường truyền thông và thương hiệu; giải quyết bài toán doanh nghiệp và xuất bản; hài hòa giữa hiệu quả kinh tế và sản phẩm mang lại tri thức, thương hiệu cho NXB… Hiện, công việc mảng sách giáo khoa quá nhiều nên những lĩnh vực khác của sách giáo dục và thiết bị trường học chưa phát triển như kỳ vọng.
Điều nữa tôi nghĩ cần làm là đổi mới doanh nghiệp, đổi mới sản phẩm, giống như báo chí cũng phải đổi mới. Tình huống của NXB bây giờ giống của báo chí 10 năm trước. Đến ngày nào đó, chúng ta có còn SGK giấy không? Một số nước trên thế giới đã làm SGK điện tử, chúng ta đón đầu thế nào? Nếu không thay đổi nhanh, ngành xuất bản sẽ trở nên cồng kềnh, lạc hậu.
Nhưng, mong muốn của tôi có làm được hay không còn tùy thuộc nhiều yếu tố, sự nỗ lực của mình và sự đồng cam cộng khổ của mọi người. Trước tiên, phải phát triển NXB cân bằng hơn. Phải là NXB Giáo dục chứ không phải NXB sách giáo khoa. Tiếp theo, phải đón đầu cơ hội, tạo ra sản phẩm mới phù hợp xu thế phát triển của thời đại. Tất nhiên, mình nghĩ vậy nhưng làm được hay không còn phụ thuộc nhiều yếu tố.
Có lẽ công cuộc cách mạng đó không thể không nói đến công nghệ số, AI. Ông có kế hoạch gì về ứng dụng công nghệ số?
Đó không phải kế hoạch mà tôi xác định là nhiệm vụ cốt lõi mang tính sinh tử, hệ trọng với NXB trong tương lai. Không làm được điều này, nền xuất bản sẽ lạc hậu rất nhanh.
Năm đến 10 năm nữa, sản phẩm đọc sẽ khác hẳn. Số hóa xuất bản không còn là vấn đề nữa mà là nhiệm vụ tất yếu phải tập trung toàn lực để làm. AI sẽ hỗ trợ nhiều trong việc sản xuất SGK, chương trình giảng dạy, tương trợ học sinh, giáo viên truyền đạt kiến thức. Điều này quan trọng lắm!
Ông có nghĩ AI sẽ làm thay đổi văn hóa đọc?
Trong 20 năm nữa vẫn chưa thay thế được SGK giấy nhưng SGK điện tử và các sản phẩm công nghệ số hoặc AI sẽ hỗ trợ nhiều trong tương tác, cung cấp, chia sẻ kiến thức.
SGK là sản phẩm nghiêm cẩn, không được phép sai nên sự truyền đạt của giáo viên tới học sinh vẫn cần một học liệu chuẩn.
Đang có sự chuyển đổi trong văn hóa đọc, thay vì đọc sách giấy, nhiều người đọc sách điện tử, nghe radio, xem video...
Thực ra, nếu nói văn hóa đọc thì đọc sách giấy hay trên thiết bị điện tử đều là đọc. Tôi cho rằng, văn hóa đọc sách giấy vẫn chiếm ưu thế hơn so với sách trên các thiết bị điện tử. Sách giấy có thể tặng nhau được.
Đối với người già, trẻ em, sách giấy, truyện tranh phù hợp và hấp dẫn hơn. Đối tượng của NXB Giáo dục là học sinh nên sách giấy phù hợp và ưu thế hơn.
Có người đồ rằng, ông vẫn đau đáu xuất bản sách sau nhiều năm chinh chiến, sương gió trên mặt trận báo chí nên lựa chọn rẽ sang làm sách. Phải chăng chặng đường sắp tới, ông dành nhiều thời gian hơn để viết?
Thú thật, sang đây công việc nhiều, từ 7h sáng đến tối không lúc nào dứt. Chỉ riêng phần nội dung, một ngày phải ký cả xe bản thảo sách. Trong một năm, khoảng 20.000 chữ ký bản thảo.
Việc quá nhiều, từ nội dung đến kinh doanh, nên tôi e rằng không có thời gian cho thơ văn. Nhưng sáng tạo văn thơ không nói trước được. Có thể rất bận, cảm hứng đến thì cũng nhanh thôi. Tháng sau, tôi dự định ra tập thơ. Đó là những bài thơ sáng tác gần đây, trước khi sang NXB.
Có lẽ ông vẫn đang mong muốn chinh phục những đỉnh cao mới?
Mong muốn thì luôn luôn! (Cười)
Tôi mong muốn làm tốt công việc ở đơn vị mới - NXB có bề dày lịch sử, vị trí, vị thế lớn trong ngành. Tôi mong phát huy được những thành tựu và ghi dấu ấn của mình trong đó. Sau này khi về hưu, người ta sẽ bảo: À! Có một ông làm báo chuyển sang làm giáo dục và cũng đã để lại được dấu ấn trong ngành xuất bản…
Ông từng dạy đại học, làm báo, xuất bản nhiều tập thơ, sách, tiểu luận...; là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Luật gia Việt Nam, giờ là Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc NXB Giáo dục. Tôi chưa đếm hết nhưng có thể nói ít nhất là “5 nhà trong 1”. Ông thích mình là “nhà” nào nhất?
Trong cuộc đời, có 2 điều tôi cho rằng phụ thuộc cơ duyên, đó là hôn nhân và công việc. Công việc đôi khi là ngã rẽ ngẫu nhiên trong đời, được duyên sắp đặt.
Tôi chưa bao giờ xác định trở thành “nhà” nào đó hay thích làm “nhà” gì!
Tôi làm công việc mà số phận sắp đặt cộng với mình yêu thích. Trở thành nhà giáo hay “nhà” nào đi nữa, thực sự đều ngoài dự liệu. Lúc đi học, không ai nghĩ tôi trở thành thầy giáo nhưng số phận lại sắp đặt được giữ lại giảng dạy ở trường.
Đang làm giáo viên văn học hiện đại, báo Thanh Niên về trường mời tôi làm việc. Thích giảng dạy lại đam mê làm báo, lúc đó, tôi làm cả hai. Đấy là số phận may mắn cho tôi nhiều trải nghiệm. Sau 4 năm, tôi được giao chủ nhiệm lớp, buộc phải lựa chọn vì không thể ôm đồm cả hai. Tôi quyết định chọn dấn thân làm báo.
Nghe nói thời sinh viên ông nổi tiếng văn thơ?
Thời sinh viên mơ mộng, tôi sáng tác rất nhiều thơ nhưng sau đó làm báo bẵng đi không thấy có nhu cầu làm thơ nữa. Cùng nghề viết lách, nhà báo khác hẳn nhà thơ. Làm báo phản ánh thực tế, đầu óc phân tích, tổng hợp. Trong khi đó, nhà thơ thiên về sáng tạo, tưởng tượng, lãng mạn.
Tình cờ trước dịch Covid-19, tôi gặp TS Đỗ Anh Vũ, người vừa làm báo, vừa làm thơ. Bạn đọc thuộc lòng bài thơ của mình khiến tôi chợt nhận ra từ rất lâu rồi bản thân đã xa rời những lãng mạn, ước mơ thời sinh viên. Tự dưng, tôi có cảm xúc trở lại, nhiều bạn bè giật tít luôn: “Ông trùm báo thị trường quay lại làm thơ”. Thế là đợt dịch Covid-19, tôi in liền 2 tập thơ. (Cười)
Sự lãng mạn đó theo ông là bổ trợ hay mâu thuẫn với nghề báo?
Đời tôi éo le ở chỗ, học văn nhưng đi làm báo luật. Hai thứ tưởng không liên quan và ở 2 hướng khác nhau, tư duy khác nhau, nhưng thực tế trong công việc bổ trợ nhau rất nhiều.
Báo chí là nghề cầm bút, mà đã cầm bút cần có tâm hồn, sáng tạo. Những nhà báo giỏi đều là cây bút thể hiện được dấu ấn cá nhân, sự đam mê cảm xúc, khát vọng…
Ông Nguyễn Tiến Thanh chia sẻ tại Hội báo Toàn quốc năm 2024.
Ông nhận định thế nào về báo chí hiện nay?
Nói báo chí khó khăn thì hiện nay không phải giai đoạn khó khăn nhất. Nhưng báo chí đang đứng trước thách thức bởi các nền tảng truyền thông khác có ưu thế hơn về tương tác, pháp lý và năng động hơn… Nói đúng hơn, báo chí đang gặp khó khăn trong việc xác định lại hướng đi.
Ngày xưa, báo chí là sản phẩm văn hóa bán ra thị trường nhưng giờ không phải vậy. New York Times là mô hình mà nhiều báo chí đang hướng tới sau giai đoạn báo in thoái trào. Thu phí nội dung là cuộc chiến đấu sống còn và họ đã thành công. New York Times là báo online duy nhất hiện nay có nguồn thu phí nội dung cao hơn nguồn thu quảng cáo.
Ở Việt Nam hiện nay, các tờ báo vẫn phụ thuộc quảng cáo. Hầu hết báo online phụ thuộc 100% nguồn thu từ quảng cáo xuyên biên giới và quảng cáo doanh nghiệp. Tại sao chúng ta chưa đi được con đường mà New York Times vạch ra?
Trước tiên, vì bản quyền còn yếu. Sau nữa, tâm lý dùng đồ miễn phí ở Việt Nam. Nếu thu phí, lượng truy cập ban đầu sẽ giảm, lập tức ảnh hưởng “nồi cơm”. Do vậy, chuyển từ thu phí sản phẩm (bán báo in) sang thu phí dịch vụ (báo online) cần phải có tầm nhìn, kỹ năng và quyết tâm cao.
Báo chí là sản phẩm nội dung nên nguồn thu phải đến từ nội dung mới quan trọng. Nếu nguồn thu báo chí đến từ quảng cáo, tức là vẫn lệ thuộc. Các nhà làm chính sách, muốn tháo gỡ khó khăn cho báo chí, cũng phải theo hướng đó, chứ không thể đặt hàng mãi. Sản phẩm báo chí phải được độc giả đón nhận mới thực sự là kinh tế báo chí. Đấy mới là con đường đi của báo chí lâu dài để giải quyết những khó khăn.
Nói như vậy nghĩa là báo chí cần đầu tư nhiều vào nội dung hơn để giải quyết khó khăn?
Rất khó nói quả trứng có trước hay con gà có trước. Ai cũng nghĩ khi khó khăn thì phải đầu tư nội dung nhưng tiền đâu ra đầu tư? Nội dung hay chưa chắc đã có truy cập cao. Truy cập cao chưa chắc đã có doanh thu cao. Đây là bài toán mà mỗi lãnh đạo phải tự tìm hướng đi cho mình.
Tôi cũng trăn trở với điều đó nhưng thú thực chưa thành công dù vật vã thay đổi 5-7 năm. Chỉ có thể phát triển tờ báo ổn định chứ rực rỡ thì khó.
Trải qua nhiều đổi thay, thời điểm này, đối với ông, có lẽ chuyện được - mất không còn quan trọng như trước?
Từ xưa đến nay, tôi chưa bao giờ đặt ra vấn đề được hay mất. Được cái này sẽ mất cái kia. Muốn thêm một trải nghiệm sẽ vất vả hơn, thậm chí mạo hiểm hơn. Mình muốn có cảm hứng phải chấp nhận có sự phiêu lưu, mạo hiểm.
Ở đời, thành bại hay được mất vô cùng. Tôi nghĩ mình là người biết đủ. Khi đã lựa chọn, dù có vất vả hơn, tôi luôn xác định đó là đúng để mình có quyết tâm, tiến lên, vươn tới thành công.
Trước khi tôi về NXB Giáo dục, bạn bè cho rằng tôi “dại”. Mọi thứ ở Đời Sống Pháp luật đã xây dựng thành khuôn, đồng nghiệp cộng sự hiểu nhau, tôi nhàn. Ai cũng bảo bên này vất vả quá, nhiều sóng gió... Bạn bè cảnh báo tôi phải chấp nhận được - mất, bỏ đi nhiều thứ đã dày công gây dựng, nhất là cái sự nhàn, sự ổn định, yên ấm, thanh bình.
Vợ tôi bảo, về đây, tôi mất hết mọi thứ: Bạn bè, làm thơ, rong chơi và cả thời gian nghỉ ngơi... Nhưng với tôi, về đây là thử thách, được trải nghiệm mới. Được hay mất trong cuộc đời… mỗi người có quan điểm khác nhau.
Người ta thường đo đếm trải nghiệm bằng một danh sách nhưng cũng có những người lại đề cao bằng trạng thái cân bằng cảm xúc. Thước đo của ông là gì?
Tôi đo đếm bằng số “phong cảnh” ngắm nhìn trên hành trình sống của mình. Thêm tuổi có thêm thời gian và không gian. Thời gian kéo dài mà đi mãi trên một con đường thì cũng chán lắm. Tôi chọn thêm thời gian, thêm nhiều trải nghiệm.
Mỗi người sinh ra trên Trái đất này đều có một hành trình sống nhưng khát vọng lý tưởng khác nhau. Hành trình đó càng nhiều trải nghiệm (trải nghiệm vui nhiều hơn) thì cuộc sống càng có ý nghĩa, đa sắc và đáng sống hơn. Tôi quan niệm công việc là một trải nghiệm lớn quan trọng với đàn ông...
Tôi cảm nhận ông là người rất lạc quan, liệu có bao giờ ông cảm thấy thất bại?
Tôi chưa từng có cảm giác thất bại. Chỉ cảm thấy mình chưa đạt được mong muốn, ý nguyện. Có lẽ tôi là người lạc quan. Tôi coi không đạt được mong muốn là trải nghiệm khiến mình nỗ lực hơn hoặc lựa chọn lối đi khác để đạt được mong muốn.
Tôi có quan điểm không nên nhìn nhận mọi việc dưới góc độ thất bại hay thành công mà chỉ nên xem chúng ta đã nỗ lực hết mình chưa. Sự nỗ lực đó được đền đáp kết quả xứng đáng hay chưa. Đối với mình có thể thành công nhưng người tài giỏi họ lại coi đó là thất bại. Nên thành - bại là do quan điểm từng người thôi!
Với tư cách một người đi trước đạt nhiều thành công, ông có lời khuyên gì cho lớp trẻ hôm nay?
Lời khuyên thì tôi không dám. Mỗi người có một cuộc đời, tư chất, khả năng riêng. Các bạn trẻ bây giờ rất giỏi, năng động, có điều kiện hơn thế hệ trước để phát triển nghề nghiệp, đặc biệt là những lĩnh vực mang tính sáng tạo.
Tôi nghĩ mỗi người đều có lựa chọn cho mình nhưng để thành công thì chắc chắn chỉ có người đam mê, làm việc đầy cảm hứng. Nhất là trong lĩnh vực chữ nghĩa, phải tạo cho mình sự đam mê, cảm hứng, khát vọng và cả tinh thần dẫn dắt mới thành công được. Tôi nghĩ vậy thôi!
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Thực hiện: Cẩm Linh - Tuyết Vân