Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an thành phố Thanh Hóa đã ra Quyết định khởi tố bị can đối với Cao Thị Mai Hường (SN 1992 trú tại phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa, chủ Shop quần áo Mai Hường) về tội làm nhục người khác và cưỡng đoạt tài sản. Chồng bị can Hường là Trịnh Đình Anh (SN 1990) bị khởi tố về tội cưỡng đoạt tài sản.
Cao Thị Mai Hường đã có hành vi tát vào mặt, đạp vào đầu và dùng kéo cắt tóc, cắt đứt áo ngực của nữ sinh T.M (SN 2004, trú tại phường Quảng Vinh, thành phố Sầm Sơn) khi nữ sinh này chủ động đến để xin lỗi về việc lấy trộm quần áo. Hường cũng bảo bảo nhân viên của mình cầm máy điện thoại để quay video sự việc. Trịnh Đình Anh có hành vi yêu cầu M trong 3 ngày phải “khắc phục” số tiền là 15 triệu đồng và bắt gia đình nữ sinh viết giấy “Đơn khất nợ” số tiền 10 triệu đồng. Hành vi của vợ chồng Mai Hường và những người liên quan khiến dư luận vô cùng bức xúc.
|
Thi hành lệnh khám xét shop Mai Hường. |
Thoát tội “làm nhục người khác” nếu bị hại rút đơn
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh cho rằng, hành vi của chủ shop thời trang Mai Hường là rất đáng lên án, vô nhân tính, coi thường pháp luật nên cần thiết phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Phân tích về tội Làm nhục người khác mà Cao Thị Mai Hường bị khởi tố trong vụ việc trên, luật sư Thơm cho biết, hành vi của Cao Thị Mai Hường và một số đối tượng khác khi tham gia hành hung, đánh đập, cắt áo ngực, tóc cháu gái đã cấu thành tội Làm nhục người khác.
Theo quy định tại Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự quy định một số tội phạm chỉ được khởi tố theo yêu cầu của bị hại, nghĩa là cơ quan có thẩm quyền phải nhận được yêu cầu của bị hại mới được khởi tố vụ án, nếu không việc khởi tố này là trái pháp luật. Khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại nhằm tạo điều kiện cho người phạm tội có cơ hội để khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra, hạn chế gây thêm những tổn thất, mất mát về mặt tinh thần, danh dự không cần thiết đối với bị hại.
Bị can Cao Thị Mai Hường bị khởi tố về 2 tội, trong đó tội Làm nhục người khác bị khởi tố theo Khoản 1 Điều 155 BLHS là tội ít nghiêm trọng. Đây là loại tội được khởi tố khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi.
Luật sư Thơm cho rằng, nếu bị can hoặc gia đình bị can hòa giải, xin lỗi, bồi thường vật chất cho bị hại hoặc đại diện mà tha thứ, rút đơn yêu cầu khởi tố thì sẽ đình chỉ vụ án Làm nhục người khác ở bất kỳ giai đoạn tố tụng nào như điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm. Bị can Cao Thị Mai Hường là chủ shop thời trang, gia đình có điều kiện kinh tế thì việc bồi thường khắc phục hậu quả cho gia đình bị hại nhiều khả năng xảy ra. Mặt khác, gia đình bị hại hoàn cảnh éo le, khó khăn thì việc chấp nhận tha thứ cho bị can là dễ hiểu.
Trường hợp bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố bị can Cao Thị Thu Hường về tội Làm nhục người khác thì bị can chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại Khoản 1 Điều 170 Bộ luật hình sự và sẽ có nhiều khả năng khi xét xử được được sự khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt, cải tạo ngoài xã hội...
Cần khởi tố đồng phạm “làm nhục người khác”
Theo thông tin từ cơ quan điều tra, sáng ngày 26/11, hai nữ sinh T.M và L.T.H trú tại phường Quảng Vinh, thành phố Sầm Sơn đi xe máy đến của hàng Mai Hường, H. đứng ngoài, còn M đi vào trong. Tại tầng một, nữ sinh M gặp Hường và bà Dương Thị Lan (SN 1967, mẹ chồng của Hường) cùng một số nhân viên bán hàng. Lúc này Mai Hường chủ động bảo nhân viên của mình cầm máy điện thoại để quay video, đồng thời yêu cầu M cởi mũ bảo hiểm, khẩu trang che mặt để Hường quay clip. Do M. không đồng ý nên Hường đã dùng tay tát vào mặt và dùng chân đạp vào đầu M, bà Lan mẹ chồng của Hường cũng lao vào dùng tay túm tóc M. Tiếp đó, Cao Thị Mai Hường đã kéo áo và dùng kéo cắt tóc, cắt đứt áo ngực của M.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho rằng, Cơ quan điều tra khởi tố 2 vợ chồng chủ shop quần áo Mai Hường là thể hiện sự quyết liệt của Công an tỉnh Thanh Hóa nói riêng và lực lượng CAND nói chung không khoan nhượng với những hành vi vi phạm pháp luật để gìn giữ an ninh trật tự vì sự bình yên của mỗi gia đình và xã hội. Tuy nhiên, đây chỉ là quyết định khởi tố ban đầu để tiếp tục điều tra làm rõ những đối tượng có liên quan và hành vi phạm tội khác (nếu có) để xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo luật sư Thơm, theo diễn biến clip ghi lại và lời khai nhận của vợ chồng thấy trong vụ việc hành hung làm nhục cháu gái còn có sự tham gia của 1 người phụ nữ lớn tuổi và 1 người đàn ông (áo xanh). Đối tượng nữ lớn tuổi này có hành vi dùng tay túm tóc cô gái để trợ giúp cho chủ shop cắt tóc, cắt áo ngực cháu gái. Đối với đối tượng nam giới (áo xanh) đã có hành vi xông vào bắt cháu ngửa mặt để cho các đối tượng khác quay clip làm nhục cháu.
Xét hành vi của các đối tượng này thấy đã chứng kiến sự việc từ đầu, biết Cao Thị Mai Hường hành hung, làm nhục cháu gái không những không can ngăn mà còn xông vào giúp sức, tạo điều kiện cho Hường phạm tội nên phải chịu trách nhiệm đồng phạm theo quy định tại Điều 17 Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật. Do đó, hành vi của các đối tượng này rất đáng lên án. Mặc dù vụ việc xảy ra không liên quan đến mình nhưng do nể nang chủ shop mà đã tham gia giúp hành hung, làm nhục nữ sinh.
“Đây là vụ án đồng phạm giản đơn. Đối tượng Cao Thị Mai Hường giữ vai trò chính, là người khởi xướng và thực hiện tội phạm. Đối với các đối tượng khác giữ vai trò đồng phạm giúp sức, tạo điều kiện cho bị can Hường thực hiện được tội phạm làm nhục cháu gái nên có vai trò thứ yếu sẽ được giảm nhẹ một phần hình phạt khi xét xử”, luật sư Thơm nêu ý kiến.
Liên quan đến vụ án này, ngay trong tối 3/12, Cơ quan CSĐT Công an thành phố Thanh Hóa đã tập trung lực lượng tiến hành khám xét shop quần áo Mai Hường và thu giữ nhiều hàng hóa có liên quan.
Luật sư Thơm cho rằng, đối với shop thời trang quần áo Mai Hường, cơ quan chức năng cần thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong việc kinh doanh hàng hóa đã tuân thủ đúng các quy định của pháp luật hay chưa. Trường hợp chủ shop thời trang kinh doanh hàng hóa nhập lậu hoặc hàng hóa không có chứng từ, hóa đơn theo quy định, tùy theo tính chất, mức độ, số lượng hàng hóa vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 15 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP với mức phạt tiền có thể lên đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên và tịch thu hàng hóa vi phạm. Trường hợp số lượng hàng hóa nhập lậu từ 100.000.000 đồng trở lên, chủ shop thời trang có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Buôn lậu theo quy định tại Điều 188 Bộ luật hình sự.
>>> Mời độc giả xem thêm video Khởi Tố Bị Can Vợ Chồng Chủ Shop Quần Áo Mai Hường:
Hải Ninh