Em V.V.Đ. (SN 1999) và em Trương Quang D., 15 tuổi (cùng trú tại Quảng Ngãi) giúp việc trong quán bánh xèo ở xã Yên Trung, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh thường xuyên xuất hiện những vết thâm tím, có vết chém trên tay, lưng có nhiều vết thương, răng bị gãy mẻ. Các em thường xuyên bị bỏ đói, phải ăn thức ăn thừa của khách ở khu bể nước ngoài trời.
|
Nguyễn Thị Ánh Tuyết và cháu em D. 15 tuổi bị nhiều thương tích trên cơ thể. |
Đọc được những thông tin này, dư luận rất phẫn nộ và cho rằng phải xử phạt thật nghiêm khắc đối với chủ quán bánh xèo bạo hành cháu bé. Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Văn Phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, hành vi của các đối tượng đánh đập, hành hạ bé trai 15 tuổi rất tàn nhẫn, liền một lúc xâm hại nhiều khách thể được pháp luật bảo vệ là quyền trẻ em, quan hệ lao động, sức khỏe, danh dự nhân phẩm bởi vậy cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ và có thể sẽ xử lý hình sự.
"Hành vi đánh đập, hành hạ, đối xử với đứa trẻ 15 tuổi này như vậy là rất tàn nhẫn, cần phải xử lý nghiêm minh những đối tượng đã hành hạ, gây thương tích cho em bé này" - Luật sư Cường nói.
Luật sư Cường cho hay, theo quy định của pháp luật thì không được phép sử dụng trẻ em 15 tuổi vào các công việc nặng nhọc, với thời gian làm việc vất vả như vậy. Theo nguyên tắc sử dụng người lao động chưa thành niên quy định tại khoản 2, Điều 163, Bộ luật lao động 2012 thì người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi được làm việc tối đa 8 giờ một ngày và 40 giờ một tuần.
Bởi vậy, trong vụ việc này cần phải làm rõ tuổi của em bé này xem đã đủ 15 tuổi chưa, đã được sử dụng đủ tuổi lao động hay chưa. Trường hợp em bé chưa đủ tuổi lao động hoặc đủ 15 tuổi nhưng việc chủ nhà hàng này sử dụng lao động 15 tuổi vào các công việc nặng nhọc, thời gian làm việc dài như vậy là vi phạm quy định của bộ luật lao động và sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi này.
|
Quán bánh xèo nơi xảy ra vụ việc. |
Việc vi phạm về lao động chưa phải là vấn đề nghiêm trọng, trong vụ việc này hành vi đánh đập, hành hạ, gây thương tích cho trẻ em mới là hành vi nghiêm trọng, bị xã hội lên án và cần phải bị xử lý bằng các chế tài nghiêm minh của pháp luật. Đối với hành vi đánh đập, hành hạ trẻ em (người dưới 16 tuổi) thì cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ hành vi cố ý gây thương tích và hành hạ người khác.
Luật sư Cường cho biết thêm, trước tiên, cơ quan chức năng sẽ liên hệ với gia đình cháu bé để có người kịp thời chăm sóc, hỗ trợ cháu bé. Trong trường hợp gia đình không còn ai thân thích có thể chăm sóc giúp đỡ cháu bé thì các tổ chức xã hội, chính quyền địa phương sẽ cử người can thiệp, hỗ trợ phải chăm sóc cháu bé để cháu đảm bảo sức khỏe và ổn định tâm lý. Đồng thời với việc đảm bảo sức khỏe, tâm lý cho cháu bé thì cơ quan điều tra cũng sẽ triệu tập chủ cơ sở kinh doanh này và những đối tượng có liên quan để làm rõ hành vi cố ý gây thương tích, hành hạ trẻ em làm căn cứ xử lý theo quy định pháp luật.
Trong quá trình xác minh làm rõ sự việc, Cơ quan điều tra sẽ cho cháu bé đi giám định thương tích để xác định tỉ lệ thương tích, mức độ tổn hại sức khỏe. Trong trường hợp có kết quả giám định cháu bé có thương tích, dù thương tích dưới 11 % nhưng hành vi gây thương tích cho trẻ em, có tính chất côn đồ.... nên đối tượng gây thương tích cho em bé này sẽ bị khởi tố về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015.
|
Luật sư Đặng Văn Cường, Văn Phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội. |
Theo quy định của pháp luật thì hành vi đối xử tàn ác đối với người lệ thuộc về hôn nhân, huyết thống, lệ thuộc vào quan hệ lao động, hành vi diễn ra nhiều lần, liên tục, gây tổn thương tâm lý nghiêm trọng, gây tổn hại đến sức khỏe của người khác, hậu quả được xác định là nghiêm trọng thì người hành hạ người khác sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 140 bộ luật hình sự năm 2015.
Bởi vậy, hợp kết quả giám định thương tích không có tỉ lệ thương tích hoặc không chứng minh được hành vi cố ý gây thực tích thì vẫn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự người đã đánh đập, hành hạ cháu bé này về tội hành hạ người khác theo quy định tại điều 140 bộ luật hình sự năm 2015. Như vậy, với hành vi hành hạ người khác với hai người trở lên hoặc gây tổn thương cơ thể từ 31 % trở lên thì người vi phạm sẽ phải đối mặt với mức hình phạt có thể lên 3 năm tù.
Luật sư Cường phân tích, còn trường hợp thương tích thì sẽ bị xử lý hình sự về tội cố ý gây thương tích với hình phạt nghiêm khắc hơn, phụ thuộc vào mức độ thương tích và hậu quả cụ thể xảy ra đối với nạn nhân theo điều 134 bộ luật hình sự năm 2015. Cơ quan điều tra sẽ sớm khởi tố vụ án, khởi tố bị can và xử lý đối với các đối tượng có liên quan về một trong các tội danh nêu trên theo quy định pháp luật. Trường hợp xử lý về tội danh nào, chế tài pháp luật đến đâu thì căn cứ vào kết quả tài liệu, chứng cứ mà cơ quan điều tra thu thập được.
Nhưng dù việc xử lý có như thế nào, hậu quả pháp lý có đến đâu thì đây cũng là một hành vi rất đáng lên án, hành vi liền một lúc xâm hại nhiều quan hệ mà pháp luật bảo vệ đó là quyền lao động, quyền trẻ em, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của con người. Bởi vậy, cơ quan điều tra cần sớm làm rõ và xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm theo quy định pháp luật.
>>> Xem thêm video: Tạm giữ khẩn cấp chủ quán bánh xèo bạo hành nhân viên tại Bắc Ninh