Chủ nghĩa Mác vẫn đúng, hãy tin tưởng vào Đảng ta!

Chủ nghĩa Mác vẫn đúng, hãy tin tưởng vào Đảng ta!

Trong thời đại ngày nay, như vàng đã qua thử lửa, Chủ nghĩa Mác cho thấy tính đúng đắn, đã và đang có những đóng góp vượt trội trên cả hai bình diện lý luận và hoạt động thực tiễn.
Chu nghia Mac van dung, hay tin tuong vao Dang ta!
 
Trong không khí Kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ và 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, hoàn toàn thống nhất Đất nước, tôi bồi hồi nhớ lại ngày còn là thanh niên cùng hát bài “Tình ca” của cố nhạc sĩ Hoàng Việt khi đất nước còn bị chia cách hai miền. Lời bài hát đó có những câu tôi tâm đắc:
“Giữ lấy đức tin bền vững em ơi
Giữ lấy trái tim đời sống yêu đời
Làm một bài tình ca của đôi lứa ta
Dâng cả bao người…”
Quả đúng vậy! Nếu thiếu đức tin trong trái tim mỗi chúng ta, làm sao sau suốt 30 năm chiến đấu có thể chiến thắng thực dân, đế quốc, làm nên chiến công “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”! Đức tin ấy của toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, bắt nguồn từ Chủ nghĩa yêu nước đầy nhiệt huyết và Chủ nghĩa Mác dựa trên cơ sở khoa học sâu sắc và kinh nghiệm thực tiễn phong phú.
Ngày nay, trong công cuộc đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng hướng tới mục tiêu “Làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh”, đức tin ấy càng cần được tôi luyện, phát huy hơn nữa trong mỗi người dân Việt Nam cả trong và ngoài nước.
Bởi vì, những cám dỗ của đồng tiền, lạc thú vật chất cùng âm mưu xuyên tạc hiểm độc của kẻ thù đối với Chủ nghĩa Mác và Đường lối của Đảng ta đã và đang làm cho một số người tha hóa biến chất, bất kể trình độ và địa vị xã hội của người ấy.
Từ suy nghĩ trên, chúng tôi xin trình bày những lập luận phản bác một số quan niệm lệch lạc, xuyên tạc, hạ thấp, bôi nhọ Chủ nghĩa Mác, góp phần củng cố đức tin vào đường lối lãnh đạo của Đảng ta.
Chu nghia Mac van dung, hay tin tuong vao Dang ta!
 
Thứ nhất, có “nhà lý luận” cho rằng: Chủ nghĩa Mác đã lạc hậu, nó được coi là phù hợp trong thế kỷ 19, nhưng không ăn nhập với xã hội phương Tây hậu hiện đại ngày càng xóa nhòa ranh giới giai cấp và dễ dàng biến đổi về địa vị xã hội như ngày nay.
Trên thực tế, trật tự xã hội tư bản chủ nghĩa ngày càng cực đoan và tàn nhẫn. Tư bản bị tập trung nhiều hơn trong tay một số ít người và ngày càng mang tính cướp đoạt phần còn lại là đa số nhân dân lao động trên thế giới, đặc biệt các dân tộc nghèo khổ. Ngày càng lan rộng tình trạng ngu dân, nguy cơ đẩy loài người vào chiến tranh hủy diệt!
C. Mác luôn ý thức được bản chất không ngừng vận động của hệ thống tư bản chủ nghĩa. Chính nhờ Chủ nghĩa Duy vật lịch sử của Mác mà chúng ta có những khái niệm về các hình thái lịch sử khác nhau đã song hành hoặc kế tục nhau tồn tại của hệ thông Tư bản: Tư bản thương mại, tư bản nông nghiệp, tư bản công nghiệp, tư bản độc quyền, tư bản tài chính, tài phiệt, đế quốc…
Ông nhìn thấy trước sự chuyển đổi từ xã hội công nghiệp sang xã hội hậu công nghiệp, trong đó bao gồm chủ nghĩa tiêu dùng, truyền thông, công nghệ thông tin, các ngành dịch vụ…
C. Mác còn dự đoán được quá trình toàn cầu hóa ngày nay. Ông đã chứng minh về “sức khỏe” của chủ nghĩa tư bản đang suy nhược do cạnh tranh quốc tế gia tăng, khiến tỷ lệ lợi nhuận giảm sút, vắt kiệt nguồn đầu tư, khai thác vô trách nhiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên, khủng hoảng kinh tế kéo dài, nền dân chủ xã hội trở thành sự lựa chọn chính trị cực đoan và phải trả giá đắt.
C. Mác từng nhận định, giới hạn cuối cùng của chủ nghĩa tư bản chính là tư bản. Quá trình tái sản xuất không ngừng của tư bản là ranh giới mà chủ nghĩa tư bản không thể vượt qua! Sự phê phán và dự báo của C. Mác về chủ nghĩa tư bản đến nay vẫn còn nguyên giá trị mà những người điên cuồng chống Mác vẫn phải thừa nhận: “Đó là bóng ma đối với chủ nghĩa tư bản”!
Vấn đề thứ hai, có luồng ý kiến cho rằng: “Chủ nghĩa Mác có thể rất đúng đắn về mặt lý thuyết, nhưng vào thực tiễn, kết quả lại là bạo lực, độc tài và khủng bố hại người… Chủ nghĩa xã hội đồng nghĩa thiếu tự do, thiếu hàng hóa, bởi vì đây chắc chắn là hậu quả của việc xóa bỏ kinh tế thị trường…”.
Sự thật thì ngược lại, đây chính là nghịch lý cho thấy mô hình Chủ nghĩa xã hội thời chiến, bao cấp lại cung cấp bằng chứng cho tính hợp lý về đường lối phát triển kinh tế theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà Đảng ta đang vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác.
Đây cũng là ý kiến của Giáo sư Trần Văn Giàu - một nhà Macxit lão thành - khi sinh thời từng quả quyết: “Việt Nam sau chiến tranh, muốn phát triển kinh tế đất nước nhất thiết phải vận dụng sáng tạo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo tinh thần chính sách Tân Kinh tế (NEP) của Lê- nin”. (Đáng tiếc Lê-nin sớm qua đời, chưa kịp thực hiện NEP!)
Sinh thời , C. Mác chưa hình dung ra giai đoạn quá độ tiến lên Chủ nghĩa xã hội của loài người, nhất là tại những nước vốn nghèo nàn, lạc hậu. Nhưng ông đã nhìn thấy rất rõ những nhà nước tư bản hiện đại là kết quả của một lịch sử chiếm đoạt nô lệ, diệt chủng, đàn áp và bóc lột một cách ghê gớm. Nó lớn lên trong máu và nước mắt của nhân loại.
Vấn đề thứ ba, có những cái loa tuyên truyền rằng: Học thuyết về duy vật lịch sử của C. Mác chỉ là phiên bản thế tục của thuyết Quyết định luận. Nó công kích sự tự do và phẩm giá của con người như những gì ở các nước xã hội chủ nghĩa.
Sự thật là C. Mác không phải tự ý nêu ra Chủ nghĩa xã hội mà chính phong trào chống áp bức bóc lột của giai cấp công nhân ở châu Âu thế kỷ 19 đã đạt tới tư tưởng Xã hội chủ nghĩa trong thời đại ông sống. C. Mác chỉ là người đã định nghĩa lại một cách khoa học, cẩn trọng toàn bộ những khái niệm ấy.
Chu nghia Mac van dung, hay tin tuong vao Dang ta!-Hinh-2
 
Trong Hệ tư tưởng của Mác có hai học thuyết chính yếu. Một là, vai trò kinh tế là cơ sở hạ tầng trong hình thái xã hội. Hai là, ý niệm về sự kế tiếp nhau của phương thức sản xuất trong suốt tiến trình lịch sử của nhân loại.
C. Mác khẳng định sự quyết định của lực lượng sản xuất đối với quan hệ sản xuất, từ đó khẳng định sự tất yếu sụp đổ của chủ nghĩa tư bản và chiến thắng của giai cấp công nhân trong tương lai. Tuy nhiên, C. Mác từng khẳng định: Sự tất yếu chiến thắng của Chủ nghĩa xã hội không phải “tự ngủ yên”, chờ nó đến như thuyết Quyết định luận, mà phải thông qua hành động sáng tạo của giai cấp công nhân và nhân dân lao động.
Với ý nghĩa đó, Học thuyết Mác không chỉ “Giải thích thế giới mà còn cải tạo thế giới”. Vấn đề đối với C. Mác không phải mơ mộng về một tương lai tốt đẹp như những nhà xã hội không tưởng (Utopia), mà là phải đấu tranh để giải quyết mâu thuẫn hiện tại cản trở sự tiến hóa của xã hội đến một tương lai tốt đẹp hơn.
C. Mác luôn tin rằng, con người có khả năng biến đổi những điều kiện hiện tồn của mình trong quá trình lịch sử. Con người là loài sáng tạo, cởi mở và chưa hoàn thiện, nên luôn khát vọng vươn tới tương lai tốt đẹp hơn. Chủ nghĩa xã hội khai phóng con người, tôn trọng tự do cá nhân, không như chủ nghia tư bản tiêu dùng đã khoác những bộ đồng phục lên công dân của mình. Chủ nghĩa Mác là công cụ để cải tạo thế giới nhằm làm cho con người phát triển từ “vương quốc tất yếu sang vương quốc tự do”.
C. Mác, bằng học thuyết của minh, chứng tỏ là nhà đạo đức vĩ đại ngang hàng với các nhà nhân văn chủ nghĩa hàng đầu của nhân loại. Chủ nghĩa Mác đặt tầm quan trọng chính trị vào gia cấp công nhân chính vì giai cấp công nhân có vị trí đặc biệt trong lòng phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa.
Họ trở thành lực lượng lao động có kỹ năng, ý thức tập thể và chính trị sáng suốt. Chính giai cấp công nhân mới có khả năng tiếp quản và vận hành nền sản xuất vì lợi ích của tất cả mọi người, mang sứ mệnh thủ tiêu Chủ nghĩa tư bản và thiết lập Chủ nhĩa Cộng sản trong tương lai.
Chu nghia Mac van dung, hay tin tuong vao Dang ta!-Hinh-3
  
 Vấn đề thứ tư, lại có người cho rằng, Chủ nghĩa Mác đã lỗi thời và đang bị thay thế bởi các học thuyết khác, nhằm giải quyết những vấn đề có tính thời đại như: Phong trào nữ quyền, vấn đề bảo vệ môi trường, chính trị dân tộc, toàn cầu hóa, phong trào vì hòa bình.
Sự thực là Chủ nghĩa Mác đã có những đóng góp vượt trội trên cả hai bình diện lý luận và hoạt động thực tiễn.
Nhiều trang viết trong tác phẩm của C. Mác, cũng như chính hoạt động thực tiễn trong phong trào xã hội chủ nghĩa trên thế giới, chỉ ra rằng, chính những người Macxit, chứ không phải ai khác, đã và đang trở thành đội quân tiên phong của các cuộc đấu tranh vĩ đại nhất trong lịch sử hiện đại.
Đó là các cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân nhằm giải phóng dân tộc, đấu tranh giải phóng phụ nữ, đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít, đấu tranh bảo vệ môi trường…
Chủ nghĩa tư bản chỉ chạy theo lợi nhuận, giành giật thị trường thì không thể tránh khỏi tàn phá sinh thái, gây ra chiến tranh. Nguy hiểm thay, nếu chúng ta không hành động ngay từ bây giờ, có nguy cơ Chủ nghĩa tư bản sẽ là mồ chôn chính loài người!
Nói tóm lại, trong thời đại ngày nay, như vàng đã qua thử lửa, Chủ nghĩa Mác là chân lý.
Chúng ta, từ trong trái tim mỗi người Việt Nam yêu nước, cần giữ trọn niềm tin vào đường lối đổi mới của Đảng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để hoàn thanh sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh cho các thế hệ mai sau, xứng đáng với dòng máu Lạc Hồng, thỏa nguyện ước mong trọn đời của Bác Hồ muôn vàn kính yêu.
 
Chu nghia Mac van dung, hay tin tuong vao Dang ta!-Hinh-5
 

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu