Phụ huynh rối bời vì không có người trông con
Sáng 24/1, nhiệt độ tại Hà Nội ghi nhận tại trạm đo ở quận Hà Đông lúc 6h là 9,2 độ C. Như vậy, hôm nay sẽ là ngày thứ hai học sinh mầm non, tiểu học của Hà Nội được nghỉ học để tránh rét. Tuy nhiên, điều này được các phụ huynh đón nhận với những tâm thế trái ngược nhau: người đồng tình, người phản đối.
|
Học sinh tiểu học của Hà Nội nghỉ học, ở nhà tự học ngày 24/1. Ảnh: Mai Loan. |
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, chị Nguyễn Tuyết Mai (phường Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay, hôm qua (23/1), trường tiểu học của con chị đã ra thông báo cho học sinh nghỉ học, không đến trường. Trong khi, chị và chồng vẫn phải đi làm, không có ai trông con. Cực chẳng đã, từ sáng sớm, chị phải chở con tới nhà bà ngoại ở Hà Đông nhờ trông hộ.
Hôm nay, trường có thông báo phụ huynh có hai lựa chọn: một là học sinh đi học với thời khóa biểu lùi thời gian buổi sáng tới 8h30; hai là ở nhà học online. “Tôi đành phải xin ở nhà, cho con học online, vì hôm qua đi mưa lạnh về, con đã có triệu chứng không ổn về sức khỏe”, chị Tuyết Mai chia sẻ.
Nhiều phụ huynh cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự như gia đình chị Mai, khi vẫn phải đi làm, không có người trông trẻ. Một số phụ huynh đã phải xin nghỉ làm để ở nhà trông con.
“Tôi phải nghỉ làm, trông một lúc hai con”, anh Dương Ngọc (Gia Lâm, Hà Nội) cho hay.
Tranh luận cho trẻ nghỉ học làm yếu sức đề kháng, khả năng vượt khó
Bên cạnh những ý kiến đồng tình, nhiều người phản đối cho rằng, việc cho trẻ nghỉ khi trời rét dưới 10 độ là bất hợp lý. Thứ nhất, do cha mẹ không thể nghỉ việc để trông trẻ. Thứ 2, là làm yếu đi sức chịu đựng, thích nghi với hoàn cảnh của trẻ.
Trong một group lớn về giáo dục, bài đăng của một thành viên: “Không biết các bác thế nào, chứ tôi phản đối việc nhiệt độ dưới 10 độ cho học sinh mẫu giáo, tiểu học nghỉ. Bởi bố mẹ các cháu có được nghỉ đâu. Lại phải cử 1 người ở nhà trông nom” đã nhận về hàng trăm lượt tương tác, bình luận. Trong đó, một số ý kiến bày tỏ sự đồng tình.
|
Trường Tiểu học Lý Thái Tổ ra thông báo học sinh vẫn có thể đến trường bình thường trong đợt rét đậm, rét hại. |
“Mình cũng phản đối, giờ trang bị đầy đủ quần áo, phòng ốc kín gió, việc nghỉ học làm học sinh lười, khó khăn chút là chùn bước, cần xem xét lại quy định này”, một phụ huynh nêu ý kiến.
Trên trang facebook Chau Doan (võ sư Đoàn Bảo Châu) bày tỏ quan điểm cho rằng, Hà Nội cần thay đổi lại quy định cho học sinh nghỉ học khi rét dưới 10 độ. Lý do là vì, học sinh thành phố ăn mặc đầy đủ, ăn uống đầy đủ, sức khoẻ tốt, hoàn toàn có thể chịu được nhiệt độ này hay thấp hơn nữa. Vừa mới lạnh một chút đã được nghỉ học sẽ sinh ra tâm lý yếu đuối cho học sinh.
Ngoài ra, nhiều gia đình sẽ rất lúng túng trong việc bố trí người trông con. Mà để các con ở tuổi tiểu học ở nhà một mình thì không an toàn. Cùng với đó, thầy cô giáo đã quá tải với công việc, vẫn phải đi làm rồi lại phải sắp xếp thời gian dạy bù, thay đổi chương trình dạy.
“Việc dựa vào thời tiết để ra quyết định có học hay không như việc ngóng bản tin tức thời tiết sẽ khiến nhịp sống của toàn xã hội bị đảo lộn, không khoa học. Thời tiết lạnh thêm mấy độ chứ không phải bom đạn của thời chiến”, bài viết nêu quan điểm và cho biết, ở Nhật Bản, còn có chương trình cho trẻ em chơi ngoài tuyết. Các phụ huynh nên cho con vận động nóng người trước khi ra đường. Đến lớp đã có điều hoà, thân nhiệt của trẻ rất cao, không sợ lạnh
Đồng quan điểm, một số phụ huynh đưa ra so sánh, học sinh miền núi, vùng cao vẫn đi học trong tiết trời giá buốt, khắc nghiệt. Thời của các phụ huynh này ngày trước, trong hoàn cảnh thiếu thốn, không đủ ăn, đủ mặc, dù trời lạnh giá cũng vẫn tới trường. Việc để trẻ thích nghi với thời tiết sẽ rèn luyện sức khỏe, làm trẻ cứng cáp hơn.
Linh hoạt, tùy tình hình thực tế, không áp đặt
Trao đổi với phóng viên Tri thức và Cuộc sống, PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, không nên quá cực đoan trong các quan điểm. Không thể nói rằng, cần cho trẻ ra ngoài giá rét để rèn luyện sức khỏe, tăng sức đề kháng cho con. Và cũng không có một căn cứ khoa học nào về việc bao nhiêu độ thì phải cho trẻ nghỉ học. Mà ở dây, phải tùy vào tình hình thực tế.
|
PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai |
Điều quan trọng là trong điều kiện nhiệt độ đó, trường mà trẻ học có đảm bảo được đủ ấm cho trẻ hay không? Trong trường hợp trường đủ ấm rồi, thì lại còn cần căn cứ vào yếu tố thứ 2, đó là điều kiện mà gia đình đưa trẻ đến trường, lớp, có đảm bảo giữ ấm, chống lại giá rét cho các cháu hay không?
Một điều lưu ý, là cũng không nên áp điều kiện của mình làm chuẩn buộc người khác phải theo. Chẳng hạn, trong một lớp học có 30 học sinh, có 28 em đủ điều kiện thì có thể tới lớp, còn 2 em không đủ điều kiện thì có thể nghỉ. Không thể vì 2 em mà bắt 28 em phải nghỉ học, và ngược lại.
“Tùy từng trường, từng gia đình mà có những xử lý linh hoạt, tự quyết định, không nên áp đặt và tranh luận không dựa trên cơ sở thực tiễn”, PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh.
|
Trường Tiểu học Nam Trung Yên đưa ra thông báo nghỉ học, nhưng những gia đình không có điều kiện trông con vẫn có thể đưa con đến trường. |
Theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều trường tiểu học, mầm non của Hà Nội đã ra thông báo cho học sinh nghỉ, tuy nhiên, những gia đình không có điều kiện trông con vẫn có thể đưa đến trường, như Trường Tiểu học Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội); một số trường lùi giờ học, hoặc cho con học online.
“Tôi thấy điều này là hợp lý. Bởi các gia đình tùy vào điều kiện, sức khỏe của con cái mà ra quyết định phù hợp”, anh Nguyễn Trung (Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ,
Theo Trung tâm dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 24/01, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã xảy ra rét hại, khu vực vùng núi cao phía Bắc một số nơi đã xuất hiện băng giá. Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường mạnh, ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời rét hại. Dự báo đợt rét hại diện rộng ở Bắc Bộ và Thanh Hóa có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 26/01. Nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ phổ biến từ 8-10 độ, khu vực vùng núi Bắc Bộ từ 3-6 độ, vùng núi cao có nơi dưới 0 độ; khu vực Bắc Trung Bộ phổ biến từ 9-11 độ.
Mời quý độc giả xem video thí sinh đánh giá về đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.
Mai Loan