Bắt đầu từ 0h ngày 25/1, liên danh Cienco4-Tuấn Lộc-Trường Lộc chính thức tổ chức thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm BOT Km 72+930 tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới. Mục đích của việc thu phí này để hoàn vốn cho dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên-Chợ Mới và nâng cấp mở rộng Quốc lộ (QL3) đoạn Km 75-Km100 theo hình thức hợp đồng BOT.
Theo thông báo của Công ty TNHH BOT Thái Nguyên-Chợ Mới (doanh nghiệp dự án), mức thu thấp nhất là xe dưới 12 chỗ, xe trọng tải dưới 2 tấn, xe buýt công cộng có mức vé 35.000 đồng/lượt, 1,05 triệu đồng/vé tháng và 2,835 triệu đồng/vé quý; mức cao nhất là xe có tải trọng 18 tấn hoặc xe container 40 fit có mức vé 200.000 đồng/lượt, 6 triệu đồng/vé tháng và 16,2 triệu đồng/vé quý.
|
Trạm BOT Km 72+930 tuyến đường Thái Nguyên-Chợ Mới. Ảnh: VNN. |
Ghi nhận trong ngày đầu tiên thu phí, nhiều lái xe cho rằng mức phí thu vừa phải, tuyến đường giúp các lái xe tiết kiệm thời gian, đi lại thuận lợi hơn. Bởi vậy, trong ngày đầu tiên triển khai thu phí tại trạm BOT Thái Nguyên-Chợ Mới diễn ra thuận lợi.
Tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới có chiều dài hơn 40 km, điểm đầu giao với Quốc lộ 3 tại Km75+750 (thuộc địa phận xã Sơn Cẩm, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) và điểm cuối giao với đường trục KCN Thanh Bình (thuộc địa phận xã Thanh Bình, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn). Dự án được đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT với tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu 2.746 tỷ đồng.
Theo phương án tài chính, để dự án đảm bảo khả thi, dự án sẽ phải sử dụng 2 trạm thu phí, một trạm đặt trên tuyến đường Thái Nguyên-Chợ Mới (Km 72+930) và một trạm đặt trên QL3 cũ (Km77+922, khu vực Bờ Đậu, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên).
Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, theo quyết định của Bộ GTVT, triển khai tiến hành thu phí tại trạm thu phí trên tuyến đường Thái Nguyên-Chợ Mới (Km 72+930), còn lại trạm đặt trên QL 3 cũ vẫn chưa tiến hành thu phí.
Trước đó, Bộ GTVT đã ban hành quyết định về việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm BOT Km 72+930 tuyến đường Thái Nguyên-Chợ Mới.
Theo quyết định của Bộ GTVT, kết thúc thời hạn thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hợp đồng hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định trưng mua hoặc yêu cầu dịch chuyển trạm thu phí, chấm dứt quyền thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ thì trạm thu phí sẽ được xử lý theo quy định hiện hành.
Đồng thời, Bộ GTVT nêu rõ, sau 3 tháng kể từ ngày bắt đầu thu phí, trên cơ sở kiểm đếm lưu lượng phương tiện và xác định được doanh thu thực tế, nhà đầu tư tính toán lại phương án tài chính, khả năng hoàn vốn của dự án, báo cáo Bộ GTVT phương án giải quyết tổng thể.
Bộ GTVT cũng yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải giám sát chặt doanh thu thu phí của nhà đầu tư. Sau 3 tháng kể từ ngày bắt đầu thu, Tổng cục Đường bộ phối hợp với nhà đầu tư đánh giá khả năng hoàn vốn dự án bằng trạm thu phí này, làm cơ sở để xây dựng các phương án hoàn vốn cho dự án kịp thời theo đúng chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT.
Hải Ninh