Chính phủ yêu cầu rà soát thông tin kê khai giá SGK mới

Google News

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính rà soát, thông tin về kết quả kê khai giá SGK lớp 4, lớp 8 và lớp 11 để các địa phương lựa chọn, đăng ký nhu cầu mua.

Sau cuộc họp về vấn đề học phí và sách giáo khoa cho năm học mới, Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo ngày 15/5 nêu kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.
Theo đó, chuẩn bị vào năm học mới, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT chủ động thực hiện các giải pháp bảo đảm đầy đủ sách giáo khoa, không để hiện tượng khan hiếm, thiếu sách giáo khoa cho năm học mới 2023-2024.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính rà soát, thông tin về kết quả kê khai giá sách giáo khoa lớp 4, lớp 8 và lớp 11 theo Chương trình giáo dục phổ thông mới để các địa phương lựa chọn, đăng ký nhu cầu mua sách giáo khoa bảo đảm kịp thời.
Chinh phu yeu cau ra soat thong tin ke khai gia SGK moi
Ảnh minh họa. 
Trước đó, ngày 10/5, báo cáo với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, hiện có 37/63 tỉnh, thành (trong đó có Hà Nội, TP HCM) đã chọn xong sách giáo khoa lớp 4, 8, 11. Còn 26 địa phương đang đợi thẩm định giá từ Bộ Tài chính để quyết định lựa chọn.
"Vấn đề chủ yếu liên quan đến sách giáo khoa sẽ thay vào năm nay là lớp 4, 8, 11. Trong đó, bao gồm các nội dung về việc biên soạn, thẩm định, phê duyệt, lựa chọn, tính giá, thẩm định giá, duyệt giá, in, xuất bản, phát hành…", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Liên quan đến vấn đề này, bà Đinh Thị Nương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, sách giáo khoa thuộc mặt hàng do doanh nghiệp kê khai giá, vì vậy Bộ chỉ thực hiện rà soát chứ không thẩm định giá.
Trong ngày 10/5, Bộ đã hoàn thành rà soát giá của các bộ sách giáo khoa lớp 4, 8 và 11. Sau khi rà soát, giá các bộ sách này giảm từ 2-10% so với giá đề xuất ban đầu. Riêng với các bộ sách của NXB Giáo dục, Bộ Tài chính đã yêu cầu kê khai lại.
Từ nay đến ngày 15/5, Bộ Tài chính sẽ rà soát xong giá của tất cả sách giáo khoa để có cơ sở cho các địa phương triển khai thực hiện.
Bộ Tài chính cũng đề nghị các nhà xuất bản công bố đầu sách để địa phương thống kê, lựa chọn và các đơn vị in chủ động đáp ứng số lượng.
Với mức giá bình quân là 200.000 đồng/bộ sách, Bộ GD&ĐT đưa ra 3 phương án ngân sách nhà nước hỗ trợ mua sách giáo khoa cho mượn qua thư viện trường học đối với: 70% số học sinh chưa được hưởng chính sách hỗ trợ sách giáo khoa; 50% số học sinh chưa được hưởng chính sách hỗ trợ sách giáo khoa; học sinh có cha mẹ thuộc hộ cận nghèo.
Theo thông báo kết luận của Phó Thủ tướng, vấn đề học phí đại học và giáo dục nghề nghiệp phải được nghiên cứu và có lộ trình thích hợp, sớm áp dụng chính sách học phí theo hướng tính đúng, tính đủ.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan sửa đổi, bổ sung Nghị định số 81 ngày 27/8/2021 theo trình tự, thủ tục rút gọn trình Chính phủ trước 30/5/2023 để địa phương và các cơ sở giáo dục, đào tạo có căn cứ quyết định thời điểm, mức thu học phí năm học 2023 - 2024.
Cần đánh giá một cách căn cơ, tổng thể, toàn diện để đề xuất chính sách, lộ trình thu học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông phù hợp với khả năng chi trả của người dân. Đồng thời, có các cơ chế hỗ trợ đối với các đối tượng chính sách, người nghèo, yếu thế, địa bàn khó khăn để đảm bảo thực hiện chủ trương nhân văn trong phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học và THCS.
Cùng với đó, Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thúc đẩy xã hội hóa giáo dục, tự chủ đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập ở những địa bàn có điều kiện thuận lợi, tập trung ngân sách phát triển giáo dục ở những khu vực khó khăn, cấp bù phần học phí tăng thêm của mầm non, giáo dục phổ thông công lập đối với nhóm đối tượng chính sách khó khăn.
Đối với học phí giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp nghiên cứu lộ trình thích hợp, sớm áp dụng chính sách học phí theo hướng tính đúng, tính đủ để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, nghề nghiệp...

Theo Hoàng Thanh/Vietnamnet