Sau vụ chiếc tàu ca nô bị chìm ở biển Cửa Đại (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) làm 17 người tử vong, dư luận đặt câu hỏi liệu vụ tai nạn thảm khốc này có bị cơ quan chức năng khởi tố vụ án hình sự, ai sẽ chịu trách nhiệm về hậu quả nặng nề và thương đau này?.
|
Tàu QNa-1152 gặp nạn ở biển Cửa Đại. |
Luật sư Đặng Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, đây là vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhiều du khách, ảnh hưởng đến môi trường du lịch của địa phương. Bởi vậy cơ quan chức năng cần khẩn trương xác minh nguyên nhân sự việc, làm rõ yếu tố lỗi và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan để giải quyết theo quy định của pháp luật.
"Lực lượng chức năng sẽ làm rõ chiếc ca nô này có đủ điều kiện lưu hành hay không, người điều khiển có bằng cấp chứng chỉ phù hợp? Quá trình vận chuyển hành khách có trang bị phao cứu sinh, có đảm bảo các quy tắc an toàn hay không? Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc các hành khách bị rơi xuống biển là gì? Nhằm mục đích xác định nguyên nhân và trách nhiệm liên quan đến vụ việc", luật sư Cường bày tỏ.
Trường hợp có căn cứ cho thấy người điều khiển phương tiện ca nô đã có lỗi dẫn đến vụ tai nạn xảy ra gây hậu quả nhiều người chết, nhiều người bị thương thì sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy theo điều 272 Bộ luật hình sự.
Còn trường hợp nếu có lỗi từ phía đơn vị quản lý phương tiện cũng có thể xem xét xử lý đối với hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng nếu có căn cứ cho thấy việc quản lý phương tiện này đã xảy ra sai sót.
"Trong vụ tai nạn này cần phải làm rõ ca lô bị lật hay bị đắm. Nếu ca nô bị thủng là do chất lượng phương tiện không đảm bảo hay nguyên nhân nào khác. Trình độ, khả năng người điều khiển phương tiện của người điều khiển phương tiện ra sao? Số phao cứu sinh được trang bị thực tế cho các du khách là bao nhiêu, chất lượng như thế nào và việc hướng dẫn sử dụng ra sao? Đây là những yếu tố quan trọng để xác định người điều khiển phương tiện này có lỗi hay không, phương tiện có đảm bảo an toàn để làm cơ sở xác định trách nhiệm pháp lý”, luật sư Cường nêu quan điểm
Trong trường hợp kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy phương tiện đủ điều kiện hoạt động, việc hoạt động của phương tiện này đúng quy trình, quy định, người điều khiển phương tiện có bằng cấp chứng chỉ phù hợp, việc tai nạn xảy ra là ngoài ý chí chủ quan của người điều khiển và đơn vị vận tải, không xác định được lỗi của cơ quan tổ chức nào đối với vụ tai nạn này thì vấn đề trách nhiệm hình sự sẽ không đặt ra.
Theo báo cáo nhanh của Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Nam, người lái ca nô cao tốc mang số hiệu QNa-1152 của Công ty TNHH MTV Phương Đông bị lật là ông Lê Sen (52 tuổi), trú Cửa Đại (Hội An). Bằng thuyền trưởng của ông Sen hạng TY3 được cấp lần đầu vào ngày 30/11/2016 và hết hạn ngày 30/11/2021. Đến ngày 10/2/2022, ông được cấp lại bằng thuyền trưởng hạng TY3, có thời hạn đến 10/2/2027.
Ông cũng được cơ quan chức năng cấp các chứng chỉ chuyên môn điều khiển ven biển, điều khiển cấp độ cao 1, chứng chỉ máy trưởng đang còn thời hạn.
Ông Lê Sen cho biết lúc chạy từ Cù Lao Chàm vào Cửa Đại thì sóng rất êm. Tuy nhiên, khi ca nô đến gần bờ thì gặp sóng cao nên ông bớt ga, ngay sau đó tàu bị lật trong tích tắc. Ông Sen nói sau khi vớt được 3 hoặc 4 hành khách thì bản thân bị đuối nên bị ngất đi.
Qua kiểm tra, xét nghiệm, cơ quan chức năng xác định ông Lê Sen không sử dụng ma túy, rượu bia trong quá trình chở khách.
Ca nô rời bến lúc 9h45 ngày 26-2, số hành khách khi rời bến là 35. Người thực hiện cấp phép phương tiện rời bến là ông Trần Thanh Tuân (cảng vụ viên, đội bến thủy nội địa).
Có một điều đáng chú ý: công suất máy là 400CV, sức chở cho phép 35 người (chưa tính thuyền viên). Tuy nhiên, đến nay theo thông tin mà cơ quan chức năng cung cấp cho báo chí thì có 36 khách ngồi trên ca nô và 3 thuyền viên trong vụ lật ca nô, tổng số người trên ca nô là 39 người.
|
Ông Lê Sen, thuyền trưởng tàu QNa-1152. |
Ở một diễn biến khác, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết, luồng Cửa Đại - Cù Lao Chàm đáp ứng cho phương tiện lưu thông an toàn, phương tiện có đăng ký, đăng kiểm; thuyền trưởng và thuyền viên có chứng chỉ chuyên môn phù hợp. Hai đầu bến thủy có đơn vị quản lý của địa phương thực hiện cấp phép cho phương tiện vào, rời bến. Trong đó, đầu bến phía Cửa Đại do Đội quản lý bến thủy thuộc Thanh tra Sở GTVT Quảng Nam; phía Cù Lao Chàm do Ban quản lý bến thuộc UBND xã Tân Hiệp, TP Hội An thực hiện.
Theo chứng nhận đăng kiểm, tàu QNa-1152 được trang bị thiết bị liên lạc vô tuyến VHF và thiết bị giám sát hành trình AIS (giám sát tọa độ, tốc độ di chuyển).
Tuy nhiên, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết, tàu QNa-1152 không bật thiết bị giám sát hành trình AIS nên trạm thu phát tín hiệu AIS trên bờ không bắt được tín hiệu phương tiện.
“Đây là các thiết bị rất quan trọng trong công tác tìm kiếm cứu nạn, cũng như xác định vị trí, tốc độ của phương tiện khi xảy ra tai nạn. Tuy nhiên, thuyền trưởng đã quay lại ca nô bị nạn lấy thiết bị vô tuyến điện khỏi phương tiện. Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã đề nghị Sở GTVT Quảng Nam liên hệ với cơ quan công an của địa phương để xử lý việc trên", đại diện Cục Đường thủy nội địa Việt Nam nói.
Khoảng 9h45, ngày 26/2/2022, ca nô QNa 1152 thuộc sở hữu Công ty TNHH MTV Phương Đông, do ông Lê Sen (SN 1970, trú tại Cửa Đại/Hội An/Quảng Nam) làm thuyền trưởng, chở 38 người (35 hành khách và 03 lái ca nô) xuất phát từ Trạm KSBP Cửa Đại đi tham quan tại Cù Lao Chàm. Lúc 13h45 cùng ngày, ca nô trên chở 39 người (36 hành khách và 3 lái ca nô) xuất bến thuỷ nội địa Cù Lao Chàm vào bến Cửa Đại/Hội An/Quảng Nam, đến khoảng 14h15, khi vào đến khu vực biển Cửa Đại (cách bờ khoảng 1,5 hải lý về hướng Đông) thì bị chìm. Tai nạn thương tâm khiến 17 người tử vong, 22 người được cứu sống.
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: Vụ chìm ca nô ở Quảng Nam
Thiên Tuấn