Chiêu trò lừa đảo, chiếm đoạt hàng trăm tỷ của đại gia Lê Tùng Huy

Google News

(Kiến Thức) - Từng được biết đến là đại gia trẻ tuổi về thủy sản của Cần Thơ, Lê Tùng Huy đã dùng chiêu trò lập khống chứng từ nhiều công ty, vay vốn rút tiền nhằm chiếm đoạt hàng trăm tỷ của ngân hàng Vietcombank Tây Đô.

Số tiền đại gia Lê Tùng Huy, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty TNHH thủy sản Trường Nguyên và vợ là Nguyễn Thị Tuyết Trinh (SN 1981) chiếm đoạt của ngân hàng Vietcombank Tây Đô được xác định là 276 tỷ đồng. Để rút được số tiền này, Tùng đã dùng nhiều chiêu trò rút ruột ngân hàng chỉ trong vòng hơn một năm, từ tháng 5/2013 đến 11/2014.

Chieu tro lua dao, chiem doat hang tram ty cua dai gia Le Tung Huy
Công ty Vĩnh Nguyên do Lê Tùng Huy thành lập đầu tiên năm 2004. 

Cụ thể, từ  2004 đến 2009, Lê Tùng Huy và vợ thành lập 4 công ty liên quan đến chế biến, bảo quản thủy gồm Công ty TNHH Thủy sản Vĩnh Nguyên, Công ty Trường Nguyên; Công ty Bảo Nguyên; Công ty Hải Long.

Các công ty này đều đứng tên của Lê Tùng Huy cùng em gái và em trai của vợ là Nguyễn Thị Tuyết Nga và Nguyễn Viết Thanh làm giám đốc, đại diện pháp luật. Cả 4 công ty đều có quan hệ tín dụng với Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Tây Đô.

Đến năm 2011, 4 công ty này đều làm ăn thua lỗ, không có tiền trả nợ gốc và lãi đến hạn cho Ngân hàng Vietcombank nên bằng mối quan hệ, Huy đã đặt vấn đề xin Nguyễn Minh Chuyển (Giám đốc Ngân hàng chi nhánh Tây Đô) cho khoanh nợ, giãn nợ, bán tài sản đảm bảo để trả nợ nhưng Nguyễn Minh Chuyển không đồng ý.

Thay vào đó, Nguyễn Minh Chuyển đề nghị Lê Tùng Huy chuyển Công ty Vĩnh Nguyên cho Nguyễn Hùng Cường (chủ nhóm khách hàng Nam Sông Hậu, em trai Nguyễn Minh Chuyển) quản lý, điều hành giải quyết nợ cho ngân hàng. 

Đồng thời, Chuyển đề nghị Huy lập thêm doanh nghiệp mới, ngân hàng sẽ tạo điều kiện cho các công ty mới thành lập vay vốn để trả nợ gốc và lãi tới kỳ thanh toán của 3 Công ty (Công ty Trường Nguyên, Công ty Bảo Nguyên, Công ty Hải Long).

Theo gợi ý hướng dẫn của Chuyển, vợ chồng Lê Tùng Huy đã nhờ người thân đứng tên thành lập thêm 3 công ty: Công ty TNHH Thủy sản ASEAN (Công ty ASEAN), Công ty TNHH Thương mại Sản xuất Dịch vụ Tân Thanh (Công ty Tân Thanh) và Công ty TNHH Phụ phẩm Trà Nóc (Công ty Trà Nóc).

Cũng từ đây, Lê Tùng Huy đã bắt đầu dùng nhiều chiêu trò lập khống chứng từ rút tiền ngân hàng thông qua các công ty mới lập này.

Chieu tro lua dao, chiem doat hang tram ty cua dai gia Le Tung Huy-Hinh-2
Một trong số các công ty do Lê Tùng Huy thành lập và đứng ra điều hành.   

Theo đó, từ tháng 5/2013 đến 11/2014, Lê Tùng Huy giao vợ mình là Nguyễn Thị Tuyết Trinh chỉ đạo nhân viên lập khống: Hồ sơ năng lực doanh nghiệp, kế hoạch sản xuất kinh doanh, báo cáo tài chính hợp thức hồ sơ đề nghị vay vốn, chứng từ mua bán hàng hóa…  để vay vốn từ Vietcombank Tây Đô hơn 421 tỷ đồng, thông qua 8 hợp đồng tín dụng theo hạn mức.

Sau khi được giải ngân, Lê Tùng Huy tiếp tục chỉ đạo nhân viên lập khống các chứng từ để rút hơn 402 tỷ đồng thanh toán các khoản nợ quá hạn, chỉ dùng hơn 18 tỷ đồng phục vụ cho mục đích sản xuất kinh doanh.

Khi vay vốn, Lê Tùng Huy và vợ đã thế chấp tài sản trị giá hơn 126 tỷ đồng nên cơ quan điều tra xác định vợ chồng Lê Tùng Huy chiếm đoạt số tiền 276 tỷ đồng của Vietcombank Tây Đô.

Dù lừa đảo số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng nhưng đến nay, Lê Tùng Huy và vợ mới khắc phục được hơn 2 tỷ đồng. Vietcombank Tây Đô đã thanh lý tài sản thế chấp thu được hơn 72,8 tỷ đồng. Do đó, ngân hàng này đang bị thiệt hại số tiền hơn 325 tỷ đồng.

Đáng nói, để Lê Tùng Huy lừa đảo, chiếm đoạt được số tiền này đều có sự giúp sức, làm ngơ của Đỗ Bảo Phương Quế, nguyên Phó trưởng phòng Vietcombank Tây Đô.

Khi tiếp nhận hồ sơ, Quế không kiểm tra thực tế các chứng từ, dự án sản xuất kinh doanh mà chỉ dựa vào hồ sơ do khách hàng cấp. Sau khi giải ngân, Quế cũng không kiểm tra, giám sát vốn vay, chỉ dựa trên số liệu khách hàng cung cấp, đồng thời còn ký không vào biên bản kiểm tra đơn vị để hoàn thiện hồ sơ tín dụng.

Dựa vào các điều tra trên, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã chuyển hồ sơ đến Viện KSND tối cao đề nghị truy tố 3 bị can Lê Tùng Huy (SN 1977), vợ là Nguyễn Thị Tuyết Trinh (SN 1981) về tội danh "lừa đảo chiếm đoạt tài sản"; Đỗ Bảo Phương Quế, nguyên cán bộ ngân hàng chi nhánh Tây Đô bị đề nghị truy tố về tội "vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng".
Theo luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật, nếu qua quá trình điều tra, truy tố và xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh được hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác được quy định trong bộ luật hình sự năm 2015 (Luật hình sự sửa đổi bổ sung năm 2017) được quy định tại Điều 174 thì có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Cụ thể, mục 4, điều 174: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

 


Hà Trang