Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 sẽ diễn ra từ ngày 21/6 đến 24/6. Trong đó, chiều ngày 21.6, các thí sinh sẽ làm thủ tục thi. Từ ngày 22.6 đến 24.6, các thí sinh sẽ chính thức tham dự kỳ thi.
Chiều nay, các thí sinh thi THPT Quốc gia 2017 phải xuất trình Giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân và nhận Thẻ dự thi. Nếu phát hiện sai sót về những thông tin trên thẻ dự thi, các em cần báo ngay cho cán bộ của Điểm thi để xử lý. Sau khi thí sinh có mặt đông đủ tại phòng thi, cán bộ coi thi sẽ nhắc lại lịch thi, phổ biến quy chế thi như: đến chậm quá 15 phút sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài sẽ không được dự thi buổi đó; 10 phút sau khi phát đề phải kiểm tra và báo lỗi đề thi.
|
Ảnh minh họa: VTC. |
Năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với mục tiêu xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học, cao đẳng. So với 2 năm trước, kỳ thi THPT quốc gia năm nay có nhiều thay đổi về hình thức, số môn, số ngày và đơn vị tổ chức thi. Năm nay trừ Ngữ văn, 8 môn còn lại thi trắc nghiệm. Đây cũng là năm đầu tiên Bộ Giáo dục đưa Giáo dục công dân vào kỳ thi cuối cùng của học sinh, bên cạnh các môn truyền thống Toán, Ngoại ngữ, Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa. Do thi trắc nghiệm,thời gian làm bài được rút ngắn (trừ Văn 120 phút, Toán 90 phút, Ngoại ngữ 60 phút, các môn còn lại 50 phút), tổng thời gian thi THPT quốc gia giảm còn 2 ngày rưỡi, thay vì 4 ngày như trước.
Sở Giáo dục giữ vai trò chủ trì cụm thi, thay vì để các trường đại học cầm trịch. Nhằm đảm bảo khách quan, công bằng cho thí sinh, các trường đại học vẫn tham gia trông, chấm và giám sát kỳ thi. Thí sinh thi ngay tại địa phương cư trú, không phải di chuyển về cụm thi đại học như trước. Các trường đại học dù phần lớn đều lấy kết quả này để xét tuyển nhưng cũng chỉ có vai trò hỗ trợ, phối hợp tổ chức.
Theo thống kê của Bộ GD ĐT, trong tổng số 860.000 thí sinh dự kỳ thi THPT Quốc gia 2017 thì có hơn 643.000 (75%) thí sinh thi để lấy kết quả xét tuyển đại học.
Cả nước có 2.364 điểm thi với 36.382 phòng thi. Hà Nội và TP. HCM là 2 thành phố có số lượng thí sinh đông nhất lần lượt là 72.939 và 71.469 em. Tiếp đến là các tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa với số lượng thí sinh lần lượt là 33.522 và 30.966 em. Ba tỉnh có số lượng thí sinh trên 20.000 bao gồm Đồng Nai, Đắk Lắk, Thái Bình. Tỉnh có số lượng thí sinh dự thi ít nhất là Bắc Kạn với 2.862 thí sinh dự thi.
Về số lượng phòng thi và điểm thi, TP.HCM là tỉnh tổ chức nhiều điểm thi nhất với 114 điểm thi. Hà Nội và Thanh Hóa có cùng 112 điểm thi. Trong khi đó Nghệ An chỉ có 95 điểm thi. Các tỉnh bố trí ít điểm thi nhất là Kon Tum, Bạc Liêu, Bắc Kạn đều có 13 điểm thi. Số lượng phòng thi của Hà Nội là nhiều nhất với 3.033 phòng thi. TP.HCM với 2.998 phòng thi. Các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Đồng Nai bố trí hơn 1.000 phòng thi.
Để tránh gian lận khi cho phép thí sinh mang theo thiết bị này, Bộ GD ĐT đã quy định, có 2 giám thị phụ trách một phòng thi 24 thí sinh. Khi gọi thí sinh vào phòng thi, một giám thị gọi thí sinh vào, giám thị còn lại đối chiếu ảnh, kiểm tra thiết bị thí sinh mang theo. Quá trình làm bài thi, một giám thị bao quát từ trên xuống, một giám thị từ dưới lên.
Lê Thịnh (tổng hợp)