Mới đây, Công an quận Bình Thạnh (TPHCM) đã bắt giữ nghi can Nguyễn Hoàng Sơn (34 tuổi, trú tại đường Nguyễn Duy, phường 3, quận Bình Thạnh) để điều tra về hành vi “Trộm cắp tài sản”.
Sơn là đối tượng đã chiếm đoạt chiếc xe máy cùng hàng hóa của anh Nguyễn Khánh Duy (SN 1997, trú tại phường 13, quận Bình Thạnh) khi shiper đi giao hàng cho khách tại hẻm số 113 đường Võ Duy Ninh, phường 22, quận Bình Thạnh sau đó đã bán xe cho một đối tượng chưa rõ lai lịch.
|
Nguyễn Hoàng Sơn tại cơ quan công an. |
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, đây là vụ việc chiếm đoạt tài sản khá hi hữu và nhẫn tâm của đối tượng gây án. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ diễn biến hành vi để xác định đối tượng này thực hiện hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản, trộm cắp tài sản hay cướp giật tài sản theo quy định của pháp luật.
Theo luật sư Cường, hành vi của Sơn xâm hại đến quyền sở hữu tài sản hợp pháp của công dân. Người bị hại được xác định là nhân viên giao hàng, tài sản bị chiếm đoạt là chiếc xe và toàn bộ hàng hóa kèm theo xe. Cơ quan điều tra sẽ tiến hành định giá để xác định giá trị chiếc xe và số hàng hóa trên xe, đồng thời làm rõ diễn biến hành vi của đối tượng gây án để có căn cứ khởi tố vụ án hình sự về một trong các tội danh xâm phạm quyền sở hữu theo quy định pháp luật.
Theo quy định của pháp luật, hành vi công nhiên, lén lút, gian dối ... để chiếm đoạt số tiền từ 2.000.000 đồng trở lên của người khác là hành vi đến mức có thể bị xử lý hình sự. Bởi vậy, trong vụ việc này có hai yếu tố quan trọng để xác định trách nhiệm pháp lý của đối tượng chiếm đoạt tài sản của nạn nhân đó là giá trị của tài sản và thủ đoạn phương thức, hành vi chiếm đoạt được thực hiện như thế nào.
Trường hợp kết quả xác minh, điều tra cho thấy đối tượng đã lợi dụng tình thế không thể quản lý được tài sản của nạn nhân như đang giao hàng ở trên tầng tòa nhà hoặc trong một hoàn cảnh khách quan đặc biệt nào đó mà không thể quản lý được tài sản phải đối tượng này công nhiên lấy tài sản (lấy tài sản của nạn nhân một cách công khai, không giấu giếm) rồi tẩu thoát thì hành vi này sẽ bị xử lý hình sự về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 172 bộ luật hình sự.
Với hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng tài sản là nguồn sống chính của nạn nhân hoặc hành vi được xác định là ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì hình phạt mà đối diện này phải đối mặt là thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
Hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản là chiếm đoạt tài sản của người khác một cách công khai do người có tài sản đang ở trong tình thế không thể trực tiếp quản lý được tài sản. Lợi dụng sự sơ hở đó mà đối tượng đã tiếp cận để chiếm đoạt tài sản trước mặt người chủ sở hữu tài sản nhưng họ không thể ngăn cản được vì đang trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt.
Bởi vậy, khi đối tượng chiếm đoạt chiếc xe này và hàng hóa trên xe thì có công khai hay không, nhân viên giao hàng có phát hiện ra không, tại sao không ngăn cản được đối tượng là những yếu tố quan trọng để xác định hành vi của đối tượng có bị xử lý về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 172 bộ luật hình sự hay không.
Trường hợp kết quả điều tra, xác minh cho thấy đối tượng không lấy tài sản của nạn nhân một cách công khai mà lợi dụng sơ hở của nạn nhân để lén lút chiếm đoạt tài sản, sau khi nạn nhân phát hiện, đối tượng đã bỏ chạy cùng với tài sản thì đây là hành vi trộm cắp tài sản. Với tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên thì đối tượng này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 173 Bộ luật hình sự. Trường hợp tài sản bị chiếm đoạt có tổng giá trị dưới 50 triệu đồng nhưng hành vi được xác định là ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội hoặc "Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ", đối tượng này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 2 năm đến 7 năm theo quy định tại điểm e, khoản 2, Điều 173 bộ luật hình sự.
Nếu hành vi chiếm đoạt tài sản không thuộc hai trường hợp trên mà diễn biến hành vi là đối tượng tiếp cận với nạn nhân, nhanh chóng chiếm đoạt tài sản rồi nhanh chóng tẩu thoát khiến nạn nhân không kịp trở tay, hành vi này cũng có thể bị xử lý về tội cướp giật tài sản theo quy định tại Điều 171 bộ luật hình sự.
Bộ luật hình sự dành một chương riêng để quy định về "Nhóm các tội phạm xâm phạm quyền sở hữu tài sản". Trong đó, với những diễn biến hành vi khác nhau, phương thức thủ đoạn khác nhau, hoàn cảnh quản lý tài sản của nạn nhân khác nhau... có thể sẽ bị xử lý bởi các tội danh khác nhau.
Với những hành vi côn đồ, manh động, coi thường pháp luật, tấn công nạn nhân để chiếm đoạt tài sản, tội danh sẽ nghiêm trọng, mức hình phạt sẽ nghiêm khắc. Với hành vi lén lút lấy tài sản, không gây nguy hiểm đến tính mạng sức khỏe của nạn nhân thì mức hình phạt sẽ nghiêm khắc hơn. Ngoài ra giá trị của tài sản, đặc điểm của tài sản, ý nghĩa của tài sản đối với nạn nhân cũng là những yếu tố quan trọng để xác định tội danh và mức hình phạt.
>>> Mời độc giả xem thêm video Bắt đối tượng trộm cả xe và hàng của shipper:
Trong vụ việc này, điều đáng trách của đối tượng là đã chiếm đoạt tài sản của người lao động nghèo. Chiếc xe là phương tiện duy nhất để kiếm sống, ngoài ra số hàng hóa đó cũng là rất đáng kể đối với hoàn cảnh của nạn nhân. Trường hợp nạn nhân bị mất xe, mất cả hàng hóa với số lượng lớn như vậy, có thể sẽ lâm vào tình trạng khó khăn, quẫn bách, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, tâm lý, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Do đó, việc phát hiện, bắt giữ, xử lý đối tượng này là rất nhanh chóng, kịp thời, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ phương thức thủ đoạn, diễn biến hành vi của đối tượng này để xử lý theo quy định của pháp luật.
Hải Ninh