Trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và một số đơn vị, kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho thấy, ngoài bà Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Ngân hàng Nhà nước nhận số tiền hối lộ lên đến 5,2 triệu USD, có đến 17 người khác trong đoàn thanh tra cũng nhận tiền của SCB từ hơn 100 triệu đến 8,7 tỷ.
Theo kết luận, để che giấu thực trạng tài chính đặc biệt yếu kém và các sai phạm của SCB được phát hiện qua thanh tra, để SCB không bị đưa vào diện Kiểm soát đặc biệt và tiếp tục được tái cơ cấu, bà Trương Mỹ Lan đã trực tiếp gặp gỡ bàn bạc, trao đổi với Đỗ Thị Nhàn, Trưởng đoàn thanh tra, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Ngân hàng Nhà nước để giúp đỡ. Đồng thời, chỉ đạo Tổng Giám đốc SCB tiếp xúc, đặt vấn đề, trực tiếp đưa tiền cho bà Nhàn và các thành viên trong đoàn.
|
Bà Trương Mỹ Lan |
SCB chi đến 5,712 triệu USD và hơn 1 tỷ đồng mua chuộc đoàn thanh tra
Theo kết luận, từ tháng 4/2016 đến ngày 1/10/2018, bị can Nguyễn Văn Hưng, cựu Phó Chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra giám sát nhà nước đã nhiều lần nhận tiền từ lãnh đạo SCB là Đinh Văn Thành và Võ Tấn Hoàng Văn, tổng 390.000 USD. Trong đó, ngay thời gian thực hiện thanh tra ông Hưng nhận 310.000 USD. Số tiền này, Hưng sử dụng vào mục đích cá nhân.
Bị can Đỗ Thị Nhàn, cựu cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Ngân hàng Nhà nước (trưởng đoàn thanh tra) nhận số tiền lên đến 5,2 triệu USD.
Bị can Nguyễn Văn Du, cựu quyền Chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra giám sát nhà nước nhiều lần gặp gỡ người bên SCB, đồng thời cũng được tặng quà. Tuy nhiên, bị can Du đều không nhận và trả lại.
Bị can Nguyễn Thị Phụng, Phó trưởng Đoàn thanh tra, thừa nhận nhiều lần nhận tiền từ SCB với tổng số tiền 20.000 USD và 210 triệu đồng, quà và lợi ích vật chất từ SCB gồm 1 đồng hồ, 1 túi xách và 1 chiếc khăn trong quá trình thanh tra. Phụng đã sử dụng số tiền này vào mục đích cá nhân.
Bị can Vương Đỗ Anh Tuấn, Tổ trưởng Tổ thanh tra số 3, đã nhận tiền của SCB thông qua Võ Tấn Hoàng Văn đưa 4 lần, mỗi lần 10.000 USD, tổng cộng 40.000 USD. Tuấn đã trả lại 20.000 USD, còn lại sử dụng cá nhân.
Bị can Trần Văn Tuấn, Tổ trưởng Tổ thanh tra số 4, thành viên tổ 1 khai nhận tổng 6.000 USD và 40 triệu đồng từ SCB. Bị can Lê Thanh Hà (Tổ trưởng Tổ thanh tra số 5 và số 3) đã 5 lần nhận tiền từ SCB, tổng 14.000 USD và 100 triệu đồng trong quá trình thanh tra.
Bị can Trương Việt Hưng (thành viên tổ 4, tổ 3) khai không nhận tiền, quà từ SCB trong thời gian tham gia đoàn thanh tra tại SCB. Tuy nhiên, cơ quan điều tra có căn cứ xác định Hưng đã 2 lần nhận tiền vào ngày công bố Quyết định thanh tra số 315 (15/8/2017) và dịp nghỉ lễ 2/9 năm 2017, tổng 6.000 USD.
Bị can Vũ Khánh Linh, thanh tra viên, thành viên tổ thanh tra khai nhận đã 4 lần nhận tiền, quà và lợi ích vật chất từ SCB. Trong đó, có 2 lần Linh cùng các thành viên của Cơ quan Thanh tra giám sát nhà nước trả lại cho SCB, còn 2 lần được lãnh đạo SCB đưa túi trái cây và phong bì đựng 50 triệu đồng/lần. Linh đã nhận tổng 100 triệu đồng và sử dụng số tiền này vào mục đích cá nhân.
Nguyễn Duy Phương, thành viên tổ 4, khai 2 lần được SCB đưa tiền tổng cộng 1.000 USD và 20 triệu đồng. Với số tiền 5.000 USD thì Phương không nhớ. Tuy nhiên tài liệu điều tra đến nay có cơ sở xác định SCB đưa số tiền 5.000 USD cho Phương cùng các thành viên đoàn trong một đợt nghỉ lễ.
Bị can Nguyễn Văn Thùy, thành viên tổ 1, tổ 4, tổ 2 khai có 6 lần nhận tiền, tổng 21.000 USD, 60 triệu đồng, một áo sơ mi, một áo phông và một hộp yến từ Ngân hàng SCB. Bị can Nguyễn Hà Linh, thanh tra viên Thanh tra Chính phủ chủ động khai báo được 4 lần SCB đưa tổng 6.000 USD và 50 triệu đồng.
Ngoài các cá nhân trên, Bộ Công an xác định 7 thành viên trong đoàn thanh tra, gồm ông Lại Văn Bách, bà Bùi Vũ Hồng Trang, bà Phạm Thị Thùy Linh, ông Phạm Quốc Thịnh, bà Phạm Hồng Linh, bà Nguyễn Lan Hương và bà Nguyễn Hà Linh đều có sai phạm trong quá trình thanh tra khi đã nhận tiền của SCB, người ít 100 triệu, người nhiều 9.000 USD.
Tuy nhiên, C03 xác định những người này là cấp dưới, chỉ tham gia một phần việc do tổ trưởng giao, báo cáo gửi tổ trưởng và trưởng đoàn đều phản ánh trung thực, hợp tác tích cực trong quá trình điều tra và đã chủ động nộp lại toàn bộ tiền nhận từ SCB trước khi vụ án bị khởi tố. Do vậy, C03 không xử lý hình sự mà đề nghị xử lý nghiêm về Đảng và chính quyền.
Bưng bít cho sai phạm của SCB
Theo kết luận điều tra, trong thời gian xây dựng, phê duyệt, triển khai kế hoạch tái cơ cấu Ngân hàng SCB giai đoạn 2015 - 2019, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng triển khai 3 đoàn thanh tra. Trong đó, Đoàn thanh tra liên ngành năm 2017 - 2018 có phạm vi, nội dung thanh tra toàn diện đối với Ngân hàng SCB.
Kết quả thanh tra là cơ sở đánh giá đúng tình hình, thực trạng tín dụng, nợ xấu, cơ cấu nợ của Ngân hàng SCB theo Kế hoạch tái cơ cấu giai đoạn 2015 - 2019, tình trạng sở hữu cổ phần, kiểm soát, điều hành tại Ngân hàng SCB của Trương Mỹ Lan, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Từ đó, để Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có các giải pháp, biện pháp xử lý phù hợp.
Quá trình thanh tra tại Ngân hàng SCB, các cá nhân là lãnh đạo Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, Trưởng đoàn, Phó trưởng đoàn và các thành viên Đoàn thanh tra đã có các sai phạm, vi phạm nghiêm trọng, nhận tiền, quà, lợi ích vật chất từ Ngân hàng SCB, bao che, bưng bít, báo cáo không trung thực, không đầy đủ kết quả thanh tra cho Ngân hàng Nhà nước.
Dẫn đến Ngân hàng Nhà nước không có đủ thông tin, tài liệu phục vụ tham mưu, chỉ đạo xử lý các sai phạm của Ngân hàng SCB, ngăn chặn hành vi phạm tội của Trương Mỹ Lan và đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng SCB.
Kết luận nêu rõ, ngày 1/8/2017, ông Nguyễn Văn Hưng khi là Phó Chánh thanh tra phụ trách Cơ quan thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước đã ra quyết định thành lập đoàn liên ngành thanh tra SCB. Đoàn thanh tra có 18 thành viên do nữ cục trưởng Đỗ Thị Nhàn làm trưởng đoàn, cùng 9 cán bộ thanh tra của Ngân hàng Nhà nước, 2 cán bộ Kiểm toán Nhà nước, 4 cán bộ Thanh tra Chính phủ và 3 người của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia.
Kết quả thanh tra xác định SCB sai phạm tại tất cả các nội dung thanh tra như: tăng trưởng tín dụng, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro; tỉ lệ cấp tín dụng vào các dự án bất động sản, xử lý nợ xấu; đặc biệt là sai phạm trong việc cấp tín dụng hầu hết đều rủi ro mất vốn…Làm việc với đoàn thanh tra, SCB có ý kiến nếu các dự án, phương án tái cơ cấu theo kết quả thanh tra phải phân loại nợ xấu thì lợi nhuận SCB sẽ âm rất lớn và khả năng nhà băng này bị phá sản là rất cao. Sau đó, đoàn thanh tra chỉ quyết định xử phạt hành chính 4 vấn đề sai phạm của SCB với số tiền 965 triệu đồng.
Quá trình làm dự thảo báo cáo phục vụ báo cáo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và Thủ tướng, bà Nhàn đã chỉ đạo tổ tổng hợp bỏ ngoài số liệu phân loại nợ xấu với tổng dư nợ gần 38.000 tỷ đồng. Sau khi bỏ ngoài số liệu này, các chỉ tiêu tài chính của SCB đã bị sai lệnh, nợ xấu đang từ 91.067 tỷ đồng giảm xuống còn 53.114 tỷ đồng; vốn sở hữu từ âm 19.154 tỷ đồng thành dương 2.757 tỷ đồng; lỗ lũy kế từ âm 31.902 tỷ đồng xuống còn âm 9.991 tỷ đồng và hệ số an toàn vốn riêng lẻ từ âm 4,24% thành dương 5,92%.
Đáng chú ý, sau cuộc báo cáo Chính phủ, ông Hưng tiếp tục chỉ đạo bà Nhàn chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện dự thảo báo cáo, dự thảo kết luận để trình Ngân hàng Nhà nước xin ý kiến. Trong các dự thảo kết luận, bà Nhàn tiếp tục yêu cầu thành viên trong đoàn bỏ nội dung kiến nghị phân loại nợ nhóm 4, nhóm 5 với 3 dự án tại chi nhánh SCB Cống Quỳnh trong dự thảo. Đoàn thanh tra còn phát hiện rất nhiều sai phạm tại các khoản vay của nhóm 71 khách hàng ở cùng một địa chỉ số 4 Nguyễn Thị Minh Khai nhưng lại bưng bít, bao che, không báo cáo.
Kết quả điều tra xác định Trung tâm thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước có báo cáo định kỳ cho Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng về những bất thường liên quan dư nợ của SCB, các khoản vay của nhóm 71 khách hàng ở cùng một địa chỉ là số 4 Nguyễn Thị Minh Khai. Tuy nhiên, ông Hưng và bà Nhàn và tổ tổng hợp đã không sử dụng kết quả này. Thậm chí, khi thành viên đoàn thanh tra đề xuất "đưa SCB vào diện kiểm soát đặc biệt", ông Hưng gạt nội dung này khỏi báo cáo để Ngân hàng Nhà nước báo cáo Chính phủ. Đồng thời các nội dung báo cáo thể hiện không trung thực, không đầy đủ, giảm nhẹ "làm mờ" đi sai phạm, vi phạm của Ngân hàng SCB tại các dự án… báo cáo không đúng về việc phân loại nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro.
Đặc biệt, tại phần kiến nghị, đoàn thanh tra đã đề xuất Chính phủ tiếp tục tạo điều kiện cho Ngân hàng SCB thực hiện tái cơ cấu, cho phép nhà băng này xây dựng đề án tái cơ cấu.
Tháng 12/2018, ông Nguyễn Văn Du, Quyền chánh thanh tra Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng đã ký ban hành kết luận thanh tra đối với SCB. Nội dung kết luận này bị xác định thể hiện không trung thực, không đúng so với kết quả thanh tra về tình hình, thực trạng tài chính, vi phạm, sai phạm và các kiến nghị đối với SCB. Tại phần kiến nghị, đoàn thanh tra đã đề xuất Chính phủ tiếp tục tạo điều kiện cho SCB thực hiện tái cơ cấu. Kết luận bỏ ngoài số liệu nợ xấu của ba siêu dự án. Nếu thể hiện đầy đủ thì nợ xấu của SCB tới 35,8% nhưng kết luận chỉ nêu nợ xấu 20,9%. Ngay việc SCB vi phạm hầu hết các quy định của Ngân hàng Nhà nước về lỗ lũy kế, âm vốn sở hữu, nợ xấu cũng được bỏ ngoài kết luận thanh tra nhằm tránh cho SCB bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt…
Làm việc với cơ quan điều tra, bà Nhàn và ông Hưng đều thừa nhận thời kỳ thanh tra, thực trạng tài chính của SCB "rất xấu, đủ điều kiện đưa vào diện kiểm soát đặc biệt". Tuy nhiên, ông Hưng đã báo cáo không đúng, không kiến nghị chuyển cơ quan điều tra để xử lý, từ đó lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước không có đủ thông tin để xử lý sai phạm của SCB và ngăn chặn hành vi phạm tội của Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
>>> Mời độc giả xem thêm video Vụ “chuyến bay giải cứu”: Choáng váng số tiền tỷ nhận hối lộ
Tâm Đức