Ngày 29/11, phiên tòa xét xử bị cáo Phạm Công Danh tiếp tục phần đối đáp của luật sư với quan điểm luận tội của VKS đưa ra trước đó.
Bào chữa cho bị cáo Trầm Bê, luật sư Nguyễn Thị Mai Hồng cho rằng việc Trầm Bê và Phạm Công Danh quen nhau từ trước là bình thường, bởi cả hai cùng làm trong ngành ngân hàng. Đồng thời, ông Danh tìm ông Bê để vay tiền là vì ông Bê có thể phê duyệt hạn mức vay tới 1.800 tỷ đồng.
Theo luật sư Hồng, ông Bê chỉ đồng ý về chủ trương còn cấp dưới sẽ thẩm định và nếu các điều kiện không đảm bảo thì các công ty (của ông Danh - PV) sẽ không được phê duyệt cho vay.
Ngoài ra luật sư Hồng cho biết Sacombank không bị thiệt hại, nguyên Tổng giám đốc VNCB Phan Thành Mai cũng khai rằng ông Bê không biết mục đích vay tiền của 6 công ty, do vậy ông Bê không phạm tội “Cố ý làm trái”.
|
Ông Danh và luật sư đề nghị HĐXX tuyên khấu trừ 4.500 tỷ và khoản thiệt hại hơn 6.100 tỷ tại VNCB. |
Trước đó, đối đáp về khoản tiền 4.500 tỷ (tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Xây dựng - VNCB), luật sư Trần Minh Hải (người bào chữa cho ông Danh) nhấn mạnh rằng cần khấu từ số tiền này vào khoản thiệt hại (6.100 tỷ) của VNCB.
Cũng theo luật sư, nếu ông Phạm Công Danh khởi kiện VNCB để đòi lại 4.500 tỷ như đề nghị của VKS thì trách nhiệm xác định sự thật đã được chuyển từ cơ quan tố tụng sang bị cáo và luật sư. Ông cho rằng đây là ngịch lý.
Luật sư Hải khẳng định rằng ông Danh không đòi tiền cho cá nhân mình, mà đòi thu hồi để trả về cho VNCB – đồng nghĩa với việc trả về cho nhà nước (VNCB đã được nhà nước mua lại với giá 0 đồng).
Vị luật sư còn lập luận cho biết ông Danh vay tiền theo chính yêu cầu tăng vốn của NHNN, tuy nhiên khi tiền về thì không nằm trong túi ông Danh, mà thực tế VNCB mới là nơi nắm giữ và sử dụng số tiền này.
“4.500 tỷ từ chỗ rất mờ nhạt, đến nay ai cũng đã rõ về bản chất, vấn đề là giải quyết làm sao cho khách quan, toàn diện” – luật sư Hải bày tỏ và cho rằng chỉ cần một phép toán đơn giản là lấy 6.100 tỷ trừ đi 4.500 tỷ thì nghịch lý trong vụ án sẽ chấm dứt.
Theo điều tra, nhóm ông Danh đã nộp 4.500 tỷ để tăng vốn cho VNCB nhưng sau đó không được chấp nhận, tuy nhiên hiện nay đại diện CB cho rằng số tiền này đã…“hoà vào dòng tiền chung” nên không thể xác định được.
Liên quan đến quan điểm của VKS cho rằng 3 ngân hàng (BIDV, Sacombank, TPBank) phải hoàn trả 6.100 tỷ cho VNCB, luật sư Nguyễn Huy Thiệp (bảo vệ quyền lợi cho BIDV) tiếp tục đưa ra luận điểm phản đối.
Theo ông, ba ngân hàng không phải là người phạm tội cũng không phải là chủ thể chiếm đoạt hay sử dụng trái phép tài sản của VNCB nên không phải chịu trách nhiệm.
“Lỗi của các cá nhân ở VNCB, họ phải chịu trách nhiệm trực tiếp với VNCB. BIDV đã thực hiện cho vay và thu hồi nợ vay theo đúng quy định pháp luật như đã nêu trên” – luật sư Thiệp cho hay.
Theo ông quan điểm của VKS về việc bồi thường nói trên không thật sự thuyết phục, không đúng với sự thật khách quan và mang tính suy diễn theo hướng bất lợi cho các ngân hàng cho vay và có lợi cho VNCB (nay là CB).
“Ông Danh và các đồng phạm ở VNCB gây thiệt hại cho VNCB thì họ phải bồi thường, không thể đổ lỗi và bắt các ngân hàng cho vay chịu trách nhiệm thay cho Phạm Công Danh. Cách giải quyết này sẽ gây hệ lụy không nhỏ đối với ngành ngân hàng” – luật sư Thiệp nói, đồng thời nhấn mạnh rằng nếu HĐXX chấp nhận đề nghị của VKS sẽ trở thành một “tiền lệ xấu”.
Theo Nguyễn Cường/Infonet